Số phận của chuyến bay MH370 chở 239 người cất cánh từ Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 8-3-2014 đến thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất lịch sử. Gần 10 năm trôi qua, thân nhân các nạn nhân tiếp tục đi tìm sự thật bởi đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân máy bay mất tích.
Thân nhân của các nạn nhân yêu cầu những công ty có liên quan phải bồi thường, gửi lời xin lỗi, hỗ trợ tâm lý cho các gia đình và lập quỹ để tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay MH370. Ảnh: Reuters |
Trong số 239 người trên chuyến bay MH370, có 153 người là công dân Trung Quốc. Nhiều gia đình nạn nhân đã ký thỏa thuận giải quyết với hãng hàng không Malaysia (Malaysia Airlines) và nhận khoản bồi thường khoảng 3 triệu nhân dân tệ (hơn 10 tỷ đồng).
Tuy nhiên, khoảng 40 gia đình các nạn nhân người Trung Quốc đang kiện Malaysia Airlines, công ty bảo hiểm của hãng bay này, Tập đoàn Boeing và đơn vị sản xuất động cơ chiếc máy bay MH370, yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm theo luật pháp Trung Quốc về sự cố đối với chuyến bay MH370. Vụ việc được Tòa án nhân dân quận Triều Dương, thủ đô Bắc Kinh xét xử từ ngày 27-11-2023 đến 5-12-2023.
Thỏa hiệp hay đòi công lý?
Ông Jiang Hui (50 tuổi) đang tìm kiếm câu trả lời về số phận của chuyến bay MH370. Ông không chấp nhận việc mẹ của mình - bà Jiang Cuiyun - mất tích một cách bí ẩn cùng các nạn nhân khác.
“Gần 10 năm trôi qua, gia đình tôi không nhận được bất kỳ lời xin lỗi hay một khoản bồi thường nào. Tâm trạng của tôi hiện rối bời, vừa cảm giác nhẹ nhõm, vừa cảm giác bất lực”, ông Jiang nói với hãng tin CNN trước phiên điều trần ở Tòa án nhân dân quận Triều Dương.
Ông Jiang yêu cầu các công ty có liên quan phải bồi thường, gửi lời xin lỗi, hỗ trợ tâm lý cho thân nhân các nạn nhân và lập quỹ để tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay. Thực tế, nhiều gia đình cho rằng sự cố MH370 không chỉ cướp đi người thân của họ mà còn khiến một số người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ông Jiang bày tỏ: “Việc hoàn toàn thiếu các biện pháp khắc phục pháp lý trong thập niên qua khiến cuộc sống đau khổ của chúng tôi càng trở nên bức bối hơn”.
Bà Hu Xiufang (72 tuổi) cũng có mặt trước Tòa án nhân dân quận Triều Dương ngày 27-11-2023. Bà có con trai, con dâu và cháu gái mất tích trong chuyến bay MH370. Không rõ tòa án Trung Quốc sẽ yêu cầu các công ty bị kiện thi hành án như thế nào trong trường hợp tòa ra phán quyết có lợi cho các gia đình nạn nhân. Tất cả bị cáo đều là công ty nước ngoài có trụ sở bên ngoài Trung Quốc hoặc chỉ có văn phòng đại diện (như Malaysia Airlines, Boeing) ở quốc gia này.
Ông Jiang cho biết, đến tháng 3-2021, khoảng 90 gia đình từ chối ký thỏa thuận với Malaysia Airlines trong việc nhận bồi thường, nhưng con số này giảm một nửa sau đại dịch Covid-19. Các gia đình đã chọn cách thỏa hiệp để bảo đảm cuộc sống.
Hiện còn 40 gia đình không chịu ký vì trong thỏa thuận có điều khoản miễn trừ mọi trách nhiệm của Malaysia Airlines và chính phủ quốc gia Đông Nam Á này. “Dù có thỏa hiệp hay không, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi giống nhau, đó là tìm thấy chiếc máy bay và những người thân yêu của chúng tôi”, ông Jiang nói.
Hành trình không mệt mỏi
Năm 2018, chính phủ Malaysia công bố báo cáo kết luận: “Không thể xác định được nguyên nhân thực sự khiến MH370 biến mất”. Theo báo cáo này, “sự can thiệp hoặc lỗi của con người” nhiều khả năng là nguyên nhân khiến máy bay biến mất hơn là lỗi máy bay hoặc trục trặc hệ thống.
Tuy nhiên, kết luận nói trên không thuyết phục được gia đình các nạn nhân, từ đó làm dấy lên những đồn đoán về những gì đã xảy ra với MH370. Một số gia đình thậm chí tin rằng người thân yêu của họ còn sống. Ông Jiang cho biết bản thân có quan điểm cởi mở và sẽ chấp nhận mọi kết quả, miễn là có bằng chứng. Nhiều năm qua, ông vẫn miệt mài theo đuổi hành trình tìm sự thật nhằm báo hiếu cho mẹ.
Trước thảm kịch MH370, ông Jiang làm công việc quản lý tại văn phòng một công ty truyền thông nhà nước ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, một năm sau khi chuyến bay mất tích, ông nghỉ việc để tập trung thời gian tìm chiếc máy bay. Suốt nhiều năm ông đã gặp gỡ các đội tìm kiếm ở Úc; đi khắp các bờ biển của Mauritius, Madagascar và Réunion ở Ấn Độ Dương để tìm các mảnh vỡ của máy bay.
Tại Bắc Kinh, ông Jiang thường xuyên tổ chức gặp mặt gia đình các nạn nhân để thảo luận về những hành động trong hành trình đòi công lý. “Tôi từng dồn hết tâm sức cho công việc, nhưng giờ đây tôi thực sự hiểu ý nghĩa và điều quý giá nhất của cuộc sống. Nếu tôi có thể thúc đẩy bất kỳ tiến triển nào trong việc tìm kiếm MH370, tôi sẽ thấy hài lòng và hạnh phúc, niềm hạnh phúc vượt xa cả việc kiếm được nhiều tiền hơn”, ông Jiang chia sẻ với CNN.
Vụ mất tích MH370 là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Chiến dịch tìm kiếm tung tích MH370 do Úc dẫn đầu - hoạt động tìm kiếm lớn nhất lịch sử ngành hàng không - đã kết thúc vào tháng 1-2017.
Chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 đã mất tích vào ngày 8-3-2014 sau hơn 40 phút cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) trên đường đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Tổng cộng có 239 người trên máy bay, gồm 12 thành viên phi hành đoàn và 227 hành khách. Phần lớn những người trên máy bay là công dân Trung Quốc, cùng 38 công dân Malaysia và công dân Indonesia, Úc, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Iran, Ukraine, Canada, New Zealand, Hà Lan và Nga. |
KHÁNH LINH (theo CNN, The Guardian, Chinadaily)