Tỏa sáng nghị lực Việt

.

Với tâm niệm tàn nhưng không phế, Lê Thị Diệu Anh, thành viên Chi hội thanh niên khuyết tật thành phố vừa được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023.

Chị Lê Thị Diệu Anh (bên trái) trong niềm vui nhận giải thưởng “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023. Ảnh: NVCC
Chị Lê Thị Diệu Anh (bên trái) trong niềm vui nhận giải thưởng “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023. Ảnh: NVCC

Vừa trở về từ Hà Nội, Lê Thị Diệu Anh nói giải thưởng lần này là món quà vô giá chị nhận được sau những năm tháng miệt mài “đứng” trên đôi chân không lành lặn. “Đứng”, với Diệu Anh, không đơn thuần để đi, mà là để khẳng định bản thân tàn nhưng không phế. Từ một cô gái bị liệt chân phải sau cơn bạo bệnh, Diệu Anh từng bước phục hồi, thoát khỏi xe lăn để làm bạn với cây nạng trong mỗi cuộc di chuyển.

“Không quan trọng cuộc sống giàu hay nghèo, chỉ cần mình biết đủ và không làm gánh nặng cho gia đình, chồng con”, Diệu Anh nói về châm ngôn sống của mình. Chị kể, khi mới chào đời, chị cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng cơn sốt năm 1 tuổi đã khiến chân phải teo dần rồi liệt hẳn.

Mãi đến năm 6 tuổi, khi đã đủ chiều cao và cân nặng, chị bước vào cuộc đại phẫu thuật để tìm lại cảm giác cho đôi chân. Cuộc phẫu thuật khá thành công, nhưng chỉ có thể giúp chị đi lại cùng chiếc nạng gỗ. “Khi đó, gia đình tôi rất nghèo, ba mẹ không đủ tiền cho tất cả chị em chúng tôi đi học. Nghĩ mình bị bệnh, học nhiều không để làm gì, tôi xin nghỉ học, nhường phần đến lớp cho các em. Dù ở nhà nhưng tôi được mẹ bày chữ, dần dà cũng có thể đọc và viết như một người bình thường”, chị Diệu Anh chia sẻ.

Mười lăm tuổi, chị được gia đình cho học nghề thêu. May mắn, vừa ra nghề, Diệu Anh được chị Phan Thị Thanh - một người đồng cảnh ngộ rủ nhận đồ về nhà may vá cùng. Những năm tháng cùng chị Thanh miệt mài bên máy may, máy vắt sổ giúp Diệu Anh thuần thục các kỹ thuật cơ bản của nghề may.

Để giúp đỡ những thanh niên có hoàn cảnh giống mình, Diệu Anh cùng Chi hội Thanh niên khuyết tật thành phố lập nhóm may “Đồng Thuận”, đào tạo và kết nối tạo việc làm ổn định cho các hội viên. Cũng tại đây, chị có điều kiện tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức dành cho người khuyết tật, đồng thời tạo sân chơi để các thành viên gặp gỡ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.

Diệu Anh cho biết, hiện nay, công việc mỗi ngày của chị là chăm sóc con nhỏ, may gia công và làm bánh plan, sữa chua trái cây bán online. Ngoài trách nhiệm với gia đình, chị tham gia hầu hết các hoạt động của chi hội. Chị quan niệm, cuộc sống dù có thể chưa như kỳ vọng nhưng điều quan trọng là bản thân và gia đình luôn vui vẻ, lạc quan và yêu thương nhau. Làm bất cứ điều gì, người khuyết tật đừng bao giờ tự ti, đánh mất niềm tin mà hãy chứng minh mình là người tàn nhưng không phế.

Thời gian qua, nhờ nguồn hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố, chị sắm được chiếc máy may thứ hai, tạo thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/tháng. Chị mong rằng, ngày càng có nhiều thanh niên khuyết tật được thành phố hỗ trợ học nghề, vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống.

Mang thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực”, mỗi năm, chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt tôn vinh khoảng 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, biết vượt qua nghịch cảnh. Qua đó, bồi đắp lý tưởng sống đẹp cho thanh niên và thúc đẩy sự vươn lên của cộng đồng người khuyết tật. Năm nay, Diệu Anh là đại diện duy nhất của Đà Nẵng nhận giải thưởng ý nghĩa này.

Có thể nói, sự cần mẫn, chăm chỉ và nỗ lực của chị trở thành tấm gương cho cộng đồng thanh niên khuyết tật thành phố. “Khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không phải bất hạnh. Bản thân tôi may mắn có gia đình, chồng và 2 con trai luôn đồng hành, có một tập thể luôn yêu thương, gắn bó. Đó chính là động lực, là niềm vui để bản thân nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong cuộc sống”, Diệu Anh bộc bạch.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.