Về tên gọi thác Gia Long

.

* Hè rồi tôi có dịp du lịch lên Đắk Lắk, thấy có tấm biển phóng lớn Bằng công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa đối với Thắng cảnh Dray Sáp Thượng xã Eana, huyện Krông Ana và xã Đăk Sôr huyện Krông Nô. Thế nhưng tôi cũng nghe nói thắng cảnh này còn có tên là thác Gia Long. Thác này đẹp như thế nào và vì sao lại có tên là thác Gia Long? (Trịnh Tấn Tư, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Thác Dray Sáp Thượng (thác Gia Long) được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Ảnh: V.T.L
Thác Dray Sáp Thượng (thác Gia Long) được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Ảnh: V.T.L

- Bằng công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa nói trên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm ký ngày 4-1-1999. Mãi đến 5 năm sau, ngày 1-1-2004, tỉnh Đắk Nông mới được thành lập. Vì thế, địa chỉ của Dray Sáp Thượng nay là xã Eana, huyện Krông Ana tỉnh Đắk Lắk và xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Theo bài viết “16 thác nước đẹp nhất Việt Nam từ Bắc vào Nam” đăng trên trang dulichvietnam.com.vn, thác Gia Long thuộc tỉnh Đắk Nông. Theo đó, trong số những thác nước đẹp nhất Việt Nam, thác Gia Long rất nổi tiếng. Thác nước hùng vĩ này được xem là một trong ba thác nước nổi tiếng ở Tây Nguyên của Việt Nam, đó là Dray Sáp, Gia Long và Trinh Nữ chảy qua tỉnh Đắk Nông. Thác nước này được đặt tên theo vị vua Việt Nam, người đã thư giãn ở đây vì cảnh quan hùng vĩ và thanh bình của nó.

Tuy nhiên, bài viết “Di tích danh lam thắng cảnh thác Dray Sáp Thượng (thác Gia Long)” đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk cho biết, thác Dray Sáp Thượng nằm trên dòng sông Ea Krông, cạnh buôn Kuôp thuộc địa phận xã Eana, huyện Krông Ana, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 18km về phía Nam.

Bài đã dẫn tuy không giải thích vì sao thác Dray Sáp Thượng có tên là thác Gia Long, nhưng lại dẫn câu chuyện cổ dân gian của người Ê-đê về sự tích của dòng thác này.

Theo đó, thuở xa xưa, tại một buôn làng Ê-đê nọ có một người con gái rất đẹp tên là H’Mi, nàng yêu một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh, hiền lành. Hằng ngày, đôi trai gái thường rủ nhau đi làm rẫy. Một hôm, sau khi làm rẫy xong, họ đến nghỉ trên một tảng đá dưới tán cây cổ thụ sum suê. Ngồi nghỉ chưa kịp ráo mồ hôi thì họ bỗng thấy một con quái vật, đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, râu dài mấy sải tay, tóc nhọn như tên, toàn thân phủ một lớp vảy trắng, lấp lánh như bạc.

Quái vật bay lên bầu trời rồi bất thần sa xuống đất như quạ vồ mồi, chân đạp mạnh làm cả một khoảng đất rộng lún xuống và tại đó một cột nước khổng lồ phun lên dữ dội, kéo theo cả nàng H’Mi đang khiếp đảm, còn người yêu của nàng thì bị cuốn tung đi nơi khác. Chàng trai như mãnh hổ cố sức giằng kéo người yêu lại nhưng đành tuyệt vọng, nhìn người yêu đang tan biến vào lớp sương mù, cùng những vẩy trắng lấp lánh.

Từ đó, chàng trai biến thành một thân cây lớn, gốc cắm sâu vào ghềnh đá, thân mang dáng dấp một người đau khổ đang dang tay than khóc. Còn cột nước khổng lồ thì biến thành ngọn thác Dray Sáp Thượng ngày nay. Và, ở đầu kia nàng H’Mi vẫn thủy chung gào khóc đêm ngày đòi lại người yêu qua tiếng thác nước ào ào dội xuống vực thẳm cao gần 10 mét vang vọng cả một góc rừng.

Về tên gọi thác Gia Long, Wikipedia dẫn lời kể của nhân dân địa phương cho biết tên thác gắn với việc Nguyễn Ánh (Gia Long) chạy trốn nhà Tây Sơn đến đây. Tuy nhiên có thuyết cho rằng tên thác là do vua Bảo Đại đặt khi ông đến đây du ngoạn. Vì nó gắn với giai đoạn lịch sử ông vua cuối cùng của Nhà Nguyễn xây dựng hàng loạt khu nghỉ dưỡng, biệt thự ở Tây Nguyên và đặt tên các địa điểm tham quan theo tên của các vị vua.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.