Hơn 64 quốc gia chiếm một nửa dân số toàn cầu sẽ tổ chức các cuộc bầu cử trong năm 2024. Từ Nga, Vương quốc Anh đến Ấn Độ, El Salvador và Nam Phi, các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở những nước này có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế, quan hệ quốc tế và triển vọng hòa bình trong một thế giới đầy biến động.
Nước Mỹ có thể chứng kiến "trận" tái tranh cử giữa Tổng thống Joe Biden (trái) và người tiền nhiệm Donald Trump vào tháng 11-2024. Ảnh: CNN |
Hai châu lục có nhiều cuộc tổng tuyển cử nhất trong năm nay là châu Âu với 37 cuộc bầu cử và châu Phi với 18 cuộc bầu cử. Song, đáng chú ý nhất có thể là chiến dịch tái tranh cử giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump vào tháng 11-2024.
Bầu cử Tổng thống Mỹ
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa giành chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire với 55% số phiếu; đối thủ trong đảng Cộng hòa - cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley giành 43,5% số phiếu. Trong khi đó, ông Joe Biden dù không có tên trên phiếu bầu ở bang này nhưng vẫn giành hơn 68% số phiếu, đối thủ trong đảng Dân chủ - ông Dean Phillips chỉ giành 19,6% phiếu. Đây là cuộc bầu cử sơ bộ thứ hai của đảng Cộng hòa và đầu tiên của đảng Dân chủ trong mùa bầu cử tổng thống 2024.
Hầu hết các dự báo hiện nay đều nghiêng về khả năng diễn ra tái tranh cử giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. Hiện tại, không có nhiều người dân Mỹ hào hứng về trận tái đấu này. Kết quả một cuộc khảo sát vừa được công bố cho thấy, khoảng 59% người dân Mỹ nói rằng, họ không hào hứng nếu hai ông tiếp tục đối đầu sau cuộc bầu cử vốn ồn ào vào năm 2020. Chỉ có khoảng 41% nói rằng, họ sẽ rất hào hứng hoặc phần nào hào hứng về khả năng này. Số đông người được hỏi đều lo lắng về tuổi tác và sức khỏe của cả hai ứng viên, khi ông Joe Biden 81 tuổi, còn ông Donald Trump 77 tuổi. Hơn nữa, nhiều người không không đồng tình với cách điều hành đất nước của ông Biden, trong khi ông Trump vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề pháp lý và bị truy tố hình sự.
Châu Á sôi động
Tại châu Á, Bangladesh đã mở đầu chuỗi sự kiện bầu cử với chiến thắng của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina (76 tuổi). Bà đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 sau khi đảng Liên đoàn Awami (AL) giành được hơn 50% số ghế trong cuộc tổng tuyển cử ngày 7-1.
Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới - dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào giữa năm 2024. Khảo sát của báo India Today cho thấy, 52% người dân Ấn Độ tin rằng, Thủ tướng Narendra Modi của Đảng Bharatiya Janata (BJP) là người phù hợp nhất để tiếp tục lãnh đạo đất nước, Đảng BJP cũng có khả năng chiến thắng cao nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri theo đạo Hindu.
Pakistan - nước láng giềng của Ấn Độ - cũng đang chuẩn bị tiến hành tổng tuyển cử vào ngày 8-2. Cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị và ứng cử viên dự báo đây sẽ là một trong những cuộc bầu cử thú vị nhất ở quốc gia Nam Á này. Người đắc cử Thủ tướng sẽ phải đảm đương nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế trị giá 350 tỷ USD đang vật lộn với tình trạng lạm phát lịch sử và đồng tiền rupee không ổn định, hạn chế tăng trưởng và cơ hội việc làm cho giới trẻ. Tháng 7-2023, Pakistan nhận được chương trình cho vay trị giá 3 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ chính phủ trong một thỏa thuận dự phòng sẽ hết hạn vào mùa xuân này.
Khoảng 200 triệu cử tri Indonesia- nền dân chủ lớn nhất Đông Nam Á - sẽ chọn người kế nhiệm Tổng thống Joko Widodo vào ngày 14-2. Các cuộc thăm dò cho thấy đây là cuộc đua sít sao giữa Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto và cựu Thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo - ứng cử viên của Đảng Dân chủ đấu tranh (PDI-P) cầm quyền.
Đồng hành với ông Subianto là Gibran Rakabuming Raka - con trai cả của nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm Widodo. Việc ông Raka trở thành ứng viên Phó Tổng thống làm dấy lên suy đoán về một triều đại đang hình thành. Tuy nhiên, người chiến thắng sẽ đánh dấu sự tiếp tục của nền chính trị đầy tham nhũng đã thống trị Indonesia kể từ khi chế độ độc tài Suharto kết thúc vào năm 1998.
Thách thức ở châu Phi
Biến đổi khí hậu, nguồn cung cấp ngũ cốc bị gián đoạn do xung đột ở Ukraine, sự tranh giành ảnh hưởng của các nước như Trung Quốc và Nga đối với châu Phi là những động lực đang định hình lại lục địa phát triển nhanh nhất thế giới.
Tám quốc gia Tây Phi đã xảy ra đảo chính quân sự kể từ năm 2020 đến nay, trong đó có Niger và Gabon (năm 2023). Senegal được coi là pháo đài ổn định trong khu vực. Giờ đây, khi Tổng thống Senegal Macky Sall sắp từ chức, cuộc bầu cử ngày 25-2 là dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi chính trị của đất nước này. Nhà phân tích Tochi Eni-Kalu của Eurasia Group cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống có thể “đánh dấu sự trở lại các chuẩn mực của những năm trước hoặc báo hiệu một sự thay đổi lâu dài theo hướng chính trị bất ổn hơn”.
Ở Nam Phi, bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 5 sẽ chứng kiến Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền và Đảng Liên minh Dân chủ tranh đua gay gắt. ANC có thể sẽ bị cử tri trừng phạt vì nạn tham nhũng, bê bối lãnh đạo, tỷ lệ tội phạm, thất nghiệp cao và tình trạng cắt điện hằng ngày.
Bầu cử xuyên quốc gia ở châu Âu Cuộc bầu cử xuyên quốc gia lớn nhất thế giới vào tháng 6-2024 sẽ chứng kiến hơn 400 triệu cử tri từ 27 nước Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu chọn ra 720 thành viên Nghị viện châu Âu. Tại Nga, cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3 chắc chắn sẽ đưa ông Vladimir Putin tới nhiệm kỳ thứ năm. Vào năm 2020, Nga đã sửa đổi hiến pháp để cho phép ông Putin về lý thuyết có thể nắm quyền đến năm 2036. |
KHÁNH LINH