Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, huyện Hòa Vang dường như đã nhìn thấy thế mạnh của mình đó là phát triển kinh tế dựa trên mạch nguồn văn hóa làng xã và những mái đình trầm mặc, uy nghiêm. Tại mảnh đất giàu truyền thống này, lịch sử gắn chặt trong di tích và những câu chuyện kể truyền từ đời này sang đời khác…
Đời sống văn hóa ở Hòa Vang gắn liền với những mái đình rêu phong, cổ kính. Ảnh: T.Y |
Không quay lưng lại với quá khứ
Với người dân làng Phong Lệ (thôn Phong Nam, xã Hòa Châu), lễ rước mục đồng (tôn vinh trẻ chăn trâu) là gạch nối giữa cuộc sống hiện tại với quá khứ hình thành làng xã. Trong lời kể của dân làng hiện lên hình ảnh những đứa trẻ chăn trâu, thổi sáo cùng đàn trâu lững thững băng qua cánh đồng trở về nhà khi mặt trời xế bóng đẹp đến nao lòng. Nét lãng mạn, bay bổng dường như xua đi mọi mệt nhọc, vất vả của công việc đồng án.
Trưởng thôn Phong Nam Ngô Văn Xí khẳng định, nhắc đến Phong Nam, nhắc đến đình Thần Nông không thể không nhắc đến lễ hội rước mục đồng. Nghi thức đầu tiên trong phần lễ của lễ hội rước mục đồng là rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông. Cuộc rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ được tiến hành cả ngày nhưng đông vui hơn cả là vào ban đêm. Người Phong Lệ quan niệm rằng, vào ban đêm thanh vắng, việc rước thần dạo đồng sẽ thuận lợi hơn, đám ruộng nào may mắn được thần dạo qua, năm ấy chắc chắn sẽ được mùa bội thu. Giờ Tý, đám rước bắt đầu khởi hành qua nhiều đám ruộng hướng về Cồn Thần, sau đó tiếp tục đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, đèn đuốc sáng rực cả một vùng. Cùng với tiếng hò reo vang dội, đoàn rước đi xuyên đêm, đến khi mặt trời lên cao quá ngọn tre mới về lại đình.
Theo ông Xí, hình ảnh rước mục đồng không chỉ bình dị, thân thuộc mà còn viết nên câu chuyện quá khứ chăm chỉ, siêng năng của người nông dân. Nhờ nó, người trẻ nhận ra chân dung, gốc gác của mình, nơi mọi ý niệm triết lý của cộng đồng làng xã đều được diễn đạt qua tổng thể các di tích, lễ hội hầu như vẫn còn nguyên vẹn.
Lễ rước mục đồng chỉ là một trong hàng chục lễ hội mang tín ngưỡng dân gian còn truyền lại ở Hòa Vang. Trong đó, có thể kể đến lễ hội đấu vật ở thôn Giáng Đông (xã Hòa Châu), lễ hội tắt bếp ở thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) hay lễ Tết ăn thề kết nghĩa, lễ mừng lúa mới của đồng bào Cơ tu.
Khá tâm huyết với câu chuyện bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa, di tích tại Hòa Vang, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố, cho rằng, để xây dựng một Hòa Vang đậm đà bản sắc dân tộc, không thể không duy trì lễ rước mục đồng làng Phong Lệ. Tuy nhiên, cần ý thức rằng đây chỉ là sân khấu hóa một lễ hội độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc đã không còn cơ sở xã hội như đương thời.
“Giải pháp quan trọng nhất trong các giải pháp phối hợp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của tất cả di tích lịch sử, di sản văn hóa là tạo nguồn nhân lực tại chỗ, từ các thuyết minh viên đủ năng lực “thổi hồn” vào di tích, đến các thủ thư của thư viện trường học biết định hướng cho học sinh tìm đọc những cuốn sách về Hòa Vang, cho đến những giáo viên có khả năng truyền cảm hứng qua môn Giáo dục địa phương, những công chức ngành văn hóa và thông tin ở huyện, ở xã có tâm huyết và năng lực công vụ để có thể quản lý hiệu quả di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn huyện”, ông Tiếng phân tích.
Cần lấy di tích nuôi di tích
Là địa phương có gần 60 di tích lịch sử, văn hóa được đưa vào danh mục quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật di sản văn hóa, trong đó có 33 di tích được xếp hạng, huyện Hòa Vang đang đứng trước thách thức làm thế nào để hài hòa giữa phát triển kinh tế, đô thị với bảo tồn những giá trị truyền thống lâu đời.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng nhìn nhận, mọi hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là rất cần thiết nếu muốn ngăn chặn nguy cơ đánh mất sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo và tự nhiên, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, giữa những tuyến đường cấp quốc gia, cấp đô thị dài rộng với sự chống chếnh của không gian làng mạc, giữa khát vọng vươn tới tương lai với nhìn lại quá khứ. Đó cũng là lý do thôi thúc Hòa Vang tiếp tục nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống gắn với di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời bổ sung một số lễ hội mới như lễ hội rau Túy Loan, lễ hội Tết Việt vào hệ thống các lễ hội ấn tượng của huyện nhà.
Có thể nói, đang có một ước vọng ẩn sau những chương trình, dự án phát triển Hòa Vang trong tương lai. Đó là sẽ tạo nên một vùng đất trù phú, mạnh giàu nhưng vẫn giữ được “giá trị nhận diện” về văn hóa, lịch sử gắn với hình ảnh bến nước, sân đình và những lễ hội gắn với nền văn minh lúa nước.
Ông Lê Văn Hùng Vương, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang khẳng định, địa phương có đủ điều kiện trở thành đô thị giàu bản sắc, phát triển hài hòa với thiên nhiên. Ngoài Hòa Vang, hiếm nơi nào ở Đà Nẵng hội đủ các yếu tố về hình thái không gian, khi có cả miền núi, trung du, đồng bằng trải dài từ tây sang đông tạo ra hình thái không gian đa dạng, sinh động với cấu trúc làng quê hài hòa, cộng sinh rõ nét.
Cũng theo ông Vương, trong định hướng xây dựng nông thôn mới, Hòa Vang xem việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích là trách nhiệm của toàn dân, gắn với việc ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng con người mới, nếp sống mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích phải gắn liền các yếu tố vật thể, phi vật thể đặt trong không gian văn hóa Quảng Nam, Đà Nẵng. Bảo vệ di sản cần dựa trên quan điểm cân bằng với mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó cần lấy giá trị văn hóa, lịch sử làm động lực để phát triển, nhất là phát triển du lịch theo phương châm lấy di tích nuôi di tích”, ông Vương nói.
Nếu xét ở khía cạnh kinh tế, nguồn thu là cách hiểu thông thường nhất khi trả lời câu hỏi di sản sống bằng gì. Đó có thể là tiền bán vé tham quan, tiền công đức hay thu hút đầu tư từ cộng đồng… Thế nhưng, di sản còn cần một môi trường tồn tại phù hợp, tương thích, đó là ở trong lòng cộng đồng dân cư.
TS. Trung Thị Thu Thủy, Học viên Chính trị khu vực III, phân tích, có di sản mang giá trị cao về văn hóa, nghệ thuật, nhưng lại khó phát huy, khó “sống” được trên thực tế. Sự “sống” này nhiều lúc không phụ thuộc vào giá trị, tính chất, quy mô của di sản mà trông cậy vào sự kết tinh của các giá trị và phương thức ứng xử với văn hóa phù hợp. Vì vậy, để có thể “nuôi” được di tích, phải có sự tham gia của người dân đang sinh sống trong khu vực di tích tồn tại và họ cần được tham gia vào toàn bộ quá trình bảo tồn, phát huy, bao hàm cả việc được ưu tiên chia sẻ quyền lợi công ăn việc làm và lợi ích kinh tế. Có như vậy, Hòa Vang mới có thể khai thác hiệu quả những giá trị khác biệt, biến thế mạnh văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc trưng, từ đó có điều kiện phát triển các làng nghề truyền thống và tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, sản phẩm tại địa phương.
TIỂU YẾN