Một lần làm thơ, tôi đã viết: “Gió là gió của không gian không hạn lượng, thời gian dù dài hay ngắn, gió vẫn mang hương đi khắp bốn phương trời”... Xưa nay, theo cách nghĩ thông thường, gió chỉ là phương tiện đưa hương chứ bản thân gió không có mùi hương. Nhưng rồi, xưa nay, ai cũng chấp nhận rằng, bản thân gió có mùi hương, và mỗi làn gió cụ thể chứa một mùi hương riêng biệt: Hương của gió!
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Luân chuyển bốn mùa theo quy luật tự nhiên, ta có hương xuân trong gió mùa xuân với tổng hòa hương bưởi, hương mai, hương đào, hương vạn thọ… cùng muôn thứ hương hoa chào đón mùa xuân. Gió mùa hè thì thanh tao, ngan ngát hương sen, ngái ngái nồng nàn chùm chùm phượng vĩ. Gió thu về thì dìu dịu hoa sữa, hương cúc, hương lan... Rồi đông đến, rét mướt theo hơi gió mang về mùi lá ủ cùng thoang thoảng hương bông lúa vụ Đông - Xuân…
Cứ như thể là một quy luật của thế giới tự nhiên! Nhưng không! Gió cuối năm vẫn có những hương vị riêng khiến ta liên tưởng tới câu thơ của Nguyễn Du khi chàng Kim đang tương tư nàng Kiều: “Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”. Quả thật tài tình câu chữ của bậc đại thi hào: “Hương gây mùi nhớ…”. Rõ ràng, chữ “hương” (từ Hán Việt) thì chỉ có mùi thơm của một loài hoa cụ thể (hương hoa Ngọc Lan) hoặc của một thứ hương khái quát (hương quê) mang tính mỹ từ chỉ cái thơm, cái quý, cái đẹp, cái sang. Còn từ thuần Việt “mùi” thì lại gồm cả hai loại mùi tác động vào khứu giác con người, vừa thanh vừa tục. Nghĩa là, không có “hương nhớ” mà chỉ có “mùi nhớ”, không có “hương tục lụy” mà chỉ có “mùi tục lụy”, không có “hương Thiền” mà chỉ có “mùi Thiền”… “Hương gây mùi nhớ” có nghĩa, ngửi “hương” hoa thấy gợi lên “mùi nhớ”. Từ liên tưởng này, tôi có cảm giác hương gió cuối năm chính là cái “mùi-cuối-năm” - “mùi Tết sắp về” - Chính là cái “mùi nhớ” ấy!
Đây là một thứ hương vừa rất cụ thể, gần gũi lại vừa vô cùng khái quát, trừu tượng. Nó cụ thể là hương bưởi, hương nhài, hương cau, hương lúa…; mùi bùn trên ruộng, mùi rạ ủ trên đồng, mùi phân trâu trên con đường làng cụ thể, mùi lá mục ở góc vườn cuối đông, mùi rêu ngọt ngọt, tanh tanh trên bìa sân gạch trước hiên nhà… Tất cả những cụ thể ấy làm nên cái khái quát với những “hương quê”, “hương đồng”; cái “mùi nhớ”, “mùi cuối năm”, “mùi sắp Tết”. Chỉ là “hương” là “mùi” thuộc cảm nhận của khứu giác mà dân mình lại thường chuyển sang thính giác mới hay và lạ làm sao: “nghe hương gió”, “nghe mùi rơm rạ”… Nghĩa là, cái “hương cuối năm”, cái “mùi Tết” ấy, người Việt mình cảm nhận bằng cả năm giác quan chứ không đơn thuần chỉ là khứu giác. Không chỉ có “ngửi hương” mà còn “ngửi thấy mùi”, “nghe hương xuân”, “thấy mùi Tết đến”, “nếm vị Tết quê”, “nghe vị Tết râm ran trên da thịt”, thậm chí là cả giác quan thứ sáu: “Tết ắp đầy cả sáu giác quan tôi”...
Đà Nẵng đang hứng những cơn mưa và những làn gió lạnh là hương gió vào đông của thời tiết tự nhiên, nhưng không hiểu sao, với miền Trung hễ “đã nghe rét mướt luồn trong gió/ đã vắng người sang những chuyến đò” là cảm nhận ra hương vị gió cuối năm. Đọc hai câu thơ này của Xuân Diệu, bỗng dưng nhớ đến những ngày cuối năm rét mướt đứng đợi phà ngày ngày qua lại trên bến sông Hàn nối hai bờ một thuở xa xưa… Tê tê, buốt buốt, một chút hít hà, xuýt xoa, một làn khói mỏng bay ra cùng hơi thở… cứ hít vào lòng là nghe hương gió cuối năm thấm đến cả châu thân. Cho nên, hương gió cuối năm còn mang cả tính thời gian. Đó là mùi hương mang về tháng ngày quá khứ đã qua, là hương của thời tương lai khi nghĩ về một năm mới đến, hòa cùng với mùi hương hiện tại đang vây quanh ta những tháng tận ngày cùng, của những búp nụ ẩn mình, những làn hương từ khói bếp lấp ló bay lên trên những mái nhà, mùi bồ hóng trên gác bếp, mùi gỗ tươi từ ánh lửa bập bùng sưởi ấm cuối thung xa, mùi khói đẫm vị mồ hôi bên đống củi trên vỉa hè đường phố lạnh của người cần lao đang ngồi chờ việc…
Ôi! Hương gió cuối năm sao mà nhớ, sao mà thương! Dâng lên tự đáy lòng một chút buồn về những chuyện đã qua, chen lẫn một thoáng vui say về những ngày mới sẽ đến! Chợt nhớ đến hai câu thơ đầy tượng trưng của Đoàn Phú Tứ: “Duyên trăm năm dứt đoạn/ Tình một thủa còn vương/ Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát”…
MAI BÁ ẤN