Sức hấp dẫn của dòng tranh đỉnh cao

.

Chưa phải là dòng tranh thế mạnh (so với tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu và acrylic) nhưng tranh sơn mài với sự hấp dẫn từ chất liệu độc đáo, vừa bền chắc vừa sang trọng, lộng lẫy và đậm chất truyền thống Á đông đã và vẫn luôn thu hút các thế hệ họa sĩ thành phố tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm.

Họa sĩ Thân Trọng Dũng và bức tranh sơn mài đã hoàn thiện bố cục. Ảnh: K.H
Họa sĩ Thân Trọng Dũng và bức tranh sơn mài đã hoàn thiện bố cục. Ảnh: K.H

Để tìm hiểu về dòng tranh sơn mài ở Đà Nẵng, chúng tôi tìm đến xưởng vẽ thực nghiệm tranh sơn mài, nằm ở khu dân cư Hói Kiểng 33 (quận Cẩm Lệ) do nhóm các họa sĩ Thân Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố và gần 10 họa sĩ khác như: Lê Ngân Thũy, Nguyễn Phạm Đình Tuấn, Hà Châu, Bùi Tuấn… hình thành nên.

Từ một xưởng vẽ thực nghiệm…

Trong không gian diện tích khoảng 80m2 của xưởng vẽ là những bức tranh sơn mài khổ lớn nhỏ khác nhau, đã và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Ít ai biết được rằng, từ xưởng vẽ thực nghiệm này, nhiều bức tranh sơn mài khổ lớn, giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng vượt qua nửa vòng trái đất để được treo một cách trang trọng trên tường nhà của những vị khách có lòng yêu mến nghệ thuật ở nước Mỹ xa xôi hay xứ sở của chuột túi (Úc) cùng một số quốc gia khác. Hơn 20 năm đeo đuổi hội họa, gặt hái được không ít thành công và giải thưởng danh giá nhưng họa sĩ Thân Trọng Dũng vẫn tự nhận mình là “lính mới” khi tiếp cận dòng tranh sơn mài.

Anh chia sẻ, không phải bây giờ mà nhiều năm về trước đã ấp ủ ý tưởng hình thành một xưởng vẽ thực nghiệm tranh sơn mài, một dòng tranh vốn chưa phải là thế mạnh của giới họa sĩ ở Đà Nẵng từ trước đến nay. Bằng sự nhẫn nại và vốn hiểu biết sâu rộng về hội họa, họa sĩ Thân Trọng Dũng cho thấy anh thực sự đam mê dòng tranh này. Trong tín ngưỡng của mình, họa sĩ Thân Trọng Dũng cũng như nhiều họa sĩ khác vẫn luôn dành cho tranh sơn mài một vị trí trang trọng.

Yêu thích tranh sơn mài từ lúc còn là sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế, nhưng phải đến khi xưởng vẽ thực nghiệm tranh sơn mài ra đời, họa sĩ Lê Ngân Thũy (SN 1992, người Đà Nẵng) mới dấn thân tìm tòi, nghiên cứu sâu để cho ra nhiều tác phẩm suốt một năm qua. Hiện anh đang hoàn thiện bức tranh sơn mài có chủ đề “Đường về bản” sau chuyến đi thực tế đến vùng Tây Bắc hồi đầu năm 2023. Bức tranh nằm trong bộ sưu tập tranh vẽ dự định sẽ tổ chức triển lãm thời gian tới. “Đường về bản” được vẽ theo những gam màu đặc trưng đỏ - đen xen lẫn gam màu nâu đất và điểm xuyến sắc trắng từ vỏ trứng đập vụn sau đó rải, sắp xếp, gắn chìm dưới lớp sơn cánh gián rồi được mài phẳng.

Họa sĩ Lê Ngân Thũy tiết lộ, phải mất gần 2 tháng mới đi đến những công đoạn cuối cùng để hoàn thành bức tranh. Khó nhất là khi sử dụng vỏ trứng vì chúng dễ bị “sượng”, trồi lên trên nền sơn then hoặc son khiến tổng thể bức tranh sẽ bị lồi lõm, không đạt đến độ phẳng, bóng cần có. Và để đạt được điều này, người họa sĩ cần phải xử lý khéo léo bằng kỹ thuật mài - vẽ nhuần nhuyễn, kết hợp cả sự tỉ mĩ và nhẫn nại.

Anh nói, với những họa sĩ vẽ tranh sơn mài đã vào hàng thượng đẳng thì vỏ trứng còn được xử lý bằng nhiều kỹ thuật phức tạp hơn như mài đứt các cạnh, làm mềm chất liệu cũng như tạo ra nhiều sắc thái màu sắc từ loại vật liệu này. Bởi vậy nên, có thể thấy ở nhiều bức tranh sơn mài sắc trắng từ chất liệu vỏ trứng có khi hiện rõ nhưng có lúc lại ẩn hiện mờ ảo thấp thoáng, đôi chỗ là một lớp bụi vàng mỏng manh lướt trên mặt vỏ trứng tạo hiệu ứng giúp bức tranh thêm phần lung linh.

Sự kiên nhẫn và niềm đam mê

Lớp nghệ sĩ đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương như danh họa Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn… đã góp phần hình thành nên dòng tranh sơn mài và đưa nó lên đỉnh cao của nghệ thuật hội họa đương đại Việt Nam. Trên nền chất liệu nghề mỹ nghệ sơn mài truyền thống, các họa sĩ đã kỳ công tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Sơn mài truyền thống có ba màu: nâu, đen và đỏ son.

Qua nhiều năm thử nghiệm, các nghệ sĩ, họa sĩ sử dụng thêm các chất khác liệu khác như tro thực vật, vỏ trứng nghiền, vàng bạc, võ ốc, cật tre, đá quý… để tô điểm cho tác phẩm của họ. Qua gần 100 năm phát triển, với sự phát triển của dòng tranh sơn mài, nền mỹ thuật nước nhà chứng kiến một đỉnh cao mới của hội họa, mà với cái mới này đã mở ra những khả năng sáng tạo mới, vô biên cho nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Cũng chính việc tìm ra những chất liệu mới đã giúp các nghệ sĩ, họa sĩ hiện đại, thông qua dòng tranh sơn mài càng thể hiện rõ cái tôi cá tính và khả năng sáng tạo trong từng tác phẩm nghệ thuật của họ.

Là người đứng ra thành lập xưởng vẽ thực nghiệm tranh sơn mài, họa sĩ Thân Trọng Dũng hiện sở hữu nhiều bức tranh sơn mài giá trị, không ít trong số đó được trưng bày hoặc được mua lại. Tranh của anh luôn hiển hiện nét văn hóa truyền thống xoay quanh cuộc sống thường ngày của người dân miền quê Trung bộ với những hình ảnh về người ngư dân, quang cảnh buổi chợ cá sớm mai... Tác phẩm tranh sơn mài khổ lớn đang được họa sĩ hoàn thiện là đơn hàng của một người con xứ Quảng đã nhiều năm xa quê, hiện sinh sống ở Mỹ. Bức tranh là hồi ức của người con xa quê nhớ về những địa danh nổi tiếng, thân thương ở vùng quê Quảng Nam với dòng sông Thu Bồn, Hòn Kẽm - Đá Dừng, chùa Cầu, phố cổ Hội An…

Anh cho biết, qua 4 lần phác thảo mới chọn được bản vẽ hoàn chỉnh, thêm gần một tháng với các công đoạn lặp đi lặp lại nhiều lần như: bó hom vóc, ủ, trang trí, chỉnh sửa rồi mài, đánh bóng, hong khô… mới có một bức tranh hoàn chỉnh. Tranh sơn mài khác hẳn tranh sơn dầu ở chỗ, mặt tranh gần như tuyệt đối phẳng, không gian tạo hình không nổi bật lên trước mắt người xem mà tạo hiệu ứng sâu thăm thẳm, hun hút. Trên nền vóc đen bóng của then hay đỏ của son, nổi bật lên những họa tiết được dát vàng, dát bạc lộng lẫy cùng vỏ trứng rạn nứt li ti dàn theo một bố cục có tính nhịp điệu rất rõ nét.

“Để hoàn thành một bức tranh sơn mài là một điều gian khó, yêu cầu người họa sĩ phải có trình độ nghệ thuật, trình độ kỹ thuật rất cao cùng với sự kỳ công. Thời gian từ lúc phác thảo ý tưởng đến hoàn thiện một bức tranh sơn mài đơn giản cũng phải mất từ 15 đến 20 ngày. Những tác phẩm lớn có khi phải mất vài tháng, vài năm. Điều này thử thách sự kiên nhẫn và niềm đam mê của người họa sĩ, nhất là những họa sĩ tuổi đời còn non trẻ thì không phải ai cũng dám “đối mặt” với dòng tranh này, chưa kể tới việc chuyên tâm đeo đuổi nó”, họa sĩ Thân Trọng Dũng thật lòng chia sẻ.

“Cuộc rong chơi trong nghiêm túc”

Tranh sơn mài với sự hấp dẫn từ chất liệu độc đáo, vừa bền chắc vừa sang trọng, lộng lẫy; màu sắc được sử dụng ở tranh sơn mài luôn có độ đằm thắm, sâu thẳm và đậm chất truyền thống Á đông; vừa thể hiện bản sắc dân tộc vừa mang âm hưởng của nghệ thuật tạo hình đương đại. Riêng với những người hoạt động ở lĩnh vực hội họa nói riêng và người yêu nghệ thuật nói chung thì tranh sơn mài luôn là niềm tự hào vì lịch sử lâu đời đã đưa sơn mài từ chất liệu thủ công truyền thống trở thành chất liệu đặc sắc của nền hội họa Việt Nam. Chính bởi vậy, dù chưa phải dòng tranh thế mạnh (so với tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu và acrylic) nhưng tranh sơn mài vẫn luôn thu hút các thế hệ họa sĩ thành phố nghiên cứu tìm tòi, thử nghiệm.

Họa sĩ Lê Ngân Thủy và một bức tranh đang hoàn thiện. Ảnh: K.H
Họa sĩ Lê Ngân Thũy và một bức tranh đang hoàn thiện. Ảnh: K.H

Những họa sĩ đang đeo đuổi dòng tranh này chia sẻ, đây là cuộc “thử nghiệm” tốn kém và không phải ai cũng đủ khả năng để đeo đuổi lâu dài vì giá nguyên liệu đắt đỏ; sơn để vẽ cũng đắt hơn gấp nhiều lần so với sơn thường lại phải vẽ tới vẽ lui nhiều lần lại tốn nhiều thời gian, công sức. Để có tiền mua những vật liệu đắt đỏ như vàng 24k, đá ngọc (nghiền ra để pha tạo sắc xanh cho màu sơn)… họa sĩ Lê Ngân Thũy phải dành dụm tiền từ việc bán tranh vẽ bằng những vật liệu thông thường khác.

Hay như họa sĩ Hà Châu (SN 1990, tỉnh Quảng Nam), sinh sống ở Hội An nhưng vẫn đều đặn đi về giữa Đà Nẵng - Hội An để đeo đuổi những tác phẩm tranh sơn mài tại xưởng vẽ thực nghiệm. Sau hơn 1 năm miệt mài tại xưởng vẽ, đến nay, các họa sĩ đều đã có những bức tranh sơn mài được khách hàng trong và ngoài nước yêu chuộng, có người còn ấp ủ mục tiêu triển lãm bộ sưu tập.

“Không phải ai cũng đủ mạnh dạn và nhẫn nại để dấn thân vào con đường vẽ tranh sơn mài nhưng bù lại, sự bí ẩn từ tầng tầng lớp lớp chất liệu được phủ lên bề mặt để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh có chiều sâu và tính thẩm mỹ rất cao, đôi khi gây ngỡ ngàng vì đẹp hơn so với tưởng tượng luôn là hấp lực đối với người vẽ”, họa sĩ Hà Châu bày tỏ.

Được nhìn nhận là xưởng vẽ thực nghiệm tranh sơn mài chuyên nghiệp và quy mô hàng đầu ở Đà Nẵng hiện nay nhưng họa sĩ Thân Trọng Dũng khiêm tốn nói rằng, tranh sơn mài là dòng tranh đỉnh cao của hội họa Việt Nam, được thế giới quan tâm nhưng vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều họa sĩ ở thành phố. Tranh sơn mài đương đại vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiện và tìm tòi mới mang đậm dấu ấn và tính sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ.

Nhưng cho dù thể hiện theo phong cách hay xu hướng nào thì tranh sơm mài vẫn luôn hiện rõ nét đẹp bản sắc của văn hóa - nghệ thuật truyền thống. Đó là thứ nghệ thuật được kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa nghệ thuật Đông - Tây; là biểu hiện cho tâm thế rộng mở, sáng tạo của người họa sĩ. Sự góp mặt của xưởng vẽ là “cuộc rong chơi trong nghiêm túc” của anh và nhóm các họa sĩ trẻ với mong muốn góp phần tạo thêm sự phong phú trong đời sống mỹ thuật thành phố nói chung, hội họa nói riêng.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.