Những ngày cận Tết Giáp Thìn, khi từng nhánh mai, cành đào đang vươn mình khoe sắc, tỏa hương rực rỡ dưới nắng xuân thì những gia đình có công cách mạng lại nhân đôi niềm vui từ những món quà của Đảng, Nhà nước, thành phố trao tặng nhằm tri ân sự đóng góp lớn lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Món quà giúp họ đón Tết trọn vẹn và thêm phần tự hào về một thời anh dũng chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Máu xương đã hòa cùng đất nước
Từ lâu, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) là cái nôi cách mạng trong những tháng ngày kháng chiến chống giặc, có biết bao người cha, người mẹ, người chồng, người con… hy sinh, nhà cháy, giặc phá từng bụi tre, vách đất, mái chòi, đường quê, thậm chí, đến nay, những đau thương vẫn còn găm chặt vào cơ thể, tâm hồn họ. Khi những ngày xuân đang chớm đến hiên nhà khắp mọi miền Tổ quốc, tôi lại về mảnh đất Hòa Tiến anh hùng để thăm những người cán bộ thời ấy may mắn sống sót, khi đã dành một phần máu xương tuổi trẻ cho độc lập dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Tằm nhớ lại những ngày tháng hoạt động cách mạng và vui mừng với những chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho người có công. Ảnh: H.T.V |
Trong gian nhà khang trang vừa xây mới với sự hỗ trợ 60 triệu đồng của thành phố dành cho những người có công, bà Nguyễn Thị Tằm (80 tuổi, thôn Yến Nê 2), nguyên cán bộ phụ trách phong trào phụ nữ xã Hòa Tiến, thương binh 4/4, bị bắt tù đày hơn 3 năm tại nhà lao Hội An những năm 1970, nhớ lại, bà có ba mẹ hoạt động cách mạng và các anh chị em trong gia đình cũng sớm giác ngộ, đi theo con đường cách mạng. Lúc nhỏ, ba mẹ bà nuôi giấu cán bộ trong vùng, sau này bà bị giặc bắt và giam giữ hơn 3 năm tại nhà lao Hội An (3 năm không liên tiếp). Sau khi vào nhà lao, cơ thể bà bị giặc tra tấn mỗi ngày, bà kể, có những hôm chúng nhét vỏ chai thủy tinh trong miệng, từng mảnh chai vỡ ra găm vào cổ, tứa máu, bà cứ nghĩ trong đầu rằng sẽ hy sinh, rồi tiếp tục chuỗi ngày chúng treo bà lên, dùng cây gỗ dội vào hai chân bà đến rệu rã, chân cứ gãy rồi lại lành.
Trong 3 năm, bà chịu biết bao nhục hình dã man, tàn bạo nhưng vẫn một lòng trung thành với Tổ quốc, vẫn hiên ngang đầy tự hào dẫu cái chết cận kề. Sau năm 1975, một ngày trước khi Hội An giải phóng, quân ta đã chủ động tấn công nhà lao và giải phóng cho hàng ngàn tù nhân chính trị yêu nước, trong đó có bà.
Ngày về, bà vẫn vượt khó và công tác tốt phong trào phụ nữ tại xã đến ngày nghỉ hưu năm 1999. Cũng bởi hoạt động chính trị khi còn nhỏ, đến lớn bị tù đày và cần mẫn công tác sau ngày trở về, bà chưa một lần nghĩ đến chuyện lập gia đình, mãi đến tuổi trung niên đã quá muộn nên bà sống đơn thân. Tôi đến thăm, khi hai chân bà đã bị liệt hơn năm qua và phải nhờ đến các cháu chăm sóc, hỗ trợ việc ăn uống, đi lại. Bà nói rằng, do hai chân bị đánh đập mỗi ngày khi ở tù nên sau này chân bà yếu, đi lại phải có người dìu, một năm trở lại đây chân bà liệt hoàn toàn, sinh hoạt phải phụ thuộc vào người cháu ruột sống cạnh nhà. Không chỉ thế, những hôm trái gió trở trời, ngoài đôi chân thì khắp cơ thể bà lại đau nhức, thậm chí, nằm trở mình qua lại cũng là điều kinh khủng. Thế nhưng trong suy nghĩ, bà chưa bao giờ ngừng sự tự hào bởi truyền thống dân tộc, dẫu có đau đớn hay hy sinh thì bà cũng chưa một lần sợ hãi, chùn mình. “Tôi vui khi được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ chế độ dành cho thương binh mỗi tháng. Không những thế, Tết đến lại nhân đôi niềm vui từ những món quà của các cấp, ban, ngành, đó là niềm động viên để tôi cố gắng sống vui, sống khỏe”, bà Tằm xúc động chia sẻ.
Đối với ông Ngô Trường Tư (74 tuổi, thôn Thạch Bồ), hiện sinh sống tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), thương binh 1/4, được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì thì những tháng ngày chiến đấu đến cuối đời cũng không thể nào quên. Hoạt động từ nhỏ tại cái nôi cách mạng thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), ông Tư không đếm nổi số lần bị giặc bắt, tra tấn, hành hạ, đến nỗi, cơ thể ông hiện vẫn có hơn 10 mảnh mìn. Ông nhiều lần được hỗ trợ can thiệp y tế từ các cấp, ban, ngành nhưng vì lý do ảnh hưởng sức khỏe nên vẫn chưa lấy hết mảnh mìn ra khỏi cơ thể. Ông cho biết mình đã không thể nằm ngủ hơn mươi năm và chỉ có thể ngồi thiếp đi vài ba giờ mỗi ngày do mảnh mìn ở đầu khiến đầu ông lúc nào cũng đau đớn.
Ông Ngô Trường Tư chia sẻ về cuộc đời và vui mừng khi những chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước giúp ông vượt lên khó khăn, xây dựng cuộc sống tốt hơn. Ảnh: H.T.V |
“Gần 50 năm sau ngày đất nước giải phóng, đồng đội tôi đa số đã hy sinh, đến nay, chỉ còn một vài người, nghĩ lại, tôi thấy mình quá may mắn khi được thấy đất nước hòa bình. May mắn hơn, luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho thương binh giúp tôi trang trải cuộc sống. Dịp Tết đến hằng năm lại thêm phần xúc động khi được trao tặng những món quà ý nghĩa để đón Tết trọn vẹn”, ông Tư nói.
Chăm lo gia đình chính sách, người có công
Những ngày này, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đang khẩn trương triển khai các hoạt động chăm lo cho gia đình người có công, thân nhân người có công. Ông Lâm Tiến Sĩ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang cho biết, mỗi dịp xuân về, huyện lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động như lập danh sách nhóm người có công cách mạng nhận quà của Chủ tịch nước cho 4.411 người; nhóm người có công với cách mạng nhận quà theo Nghị Quyết 275/2019/NQ/HĐND của HĐND thành phố với 8.297 lượt người và quà tặng thành phố cho người có công cách mạng với 6.240 người. Ngoài ra, huyện tổ chức thăm hỏi gia đình chính sách khó khăn của huyện, trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng, đặt vòng hoa Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang, Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong, Khu căn cứ Huyện ủy, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố… “Hằng năm, Huyện ủy chăm lo cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn chu đáo bởi ngoài sự quan tâm thì đó còn là niềm tri ân to lớn đến với những gia đình chính sách để họ đón xuân vui vẻ, hạnh phúc hơn”, ông Sĩ thông tin.
Theo ông Nguyễn Thế Tuân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, tổng số lượt người có công toàn thành phố đang hưởng trợ cấp hằng tháng hơn 17.000 lượt, mức sống cơ bản ổn định. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, sở chủ động chuẩn bị cũng như tham mưu lãnh đạo thành phố trực tiếp đi thăm, tặng quà chu đáo, kịp thời. Đồng thời, đốc thúc triển khai việc tặng quà Tết, chi trả trợ cấp cho người có công, thân nhân người có công và đối tượng xã hội trên địa bàn bảo đảm chính xác, đúng đối tượng.
“Số liệu thống kê tặng quà năm 2024 dành cho người có công từ nguồn ngân sách Trung ương hơn 7.670 tỷ đồng, tặng quà cho 25.000 người có công và thân nhân người có công, người thờ cúng liệt sĩ với 2 mức hỗ trợ là 600 ngàn đồng/người và 300 ngàn đồng/người, tùy đối tượng. Riêng nguồn ngân sách thành phố tặng quà theo Nghị quyết số 275/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định đối tượng, mức quà tặng nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm đối với người có công cách mạng, thân nhân, đại diện gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố cho 42.488 lượt người, mức hỗ trợ cao nhất 2.500 ngàn đồng/người và thấp nhất 550 ngàn đồng/người, tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ thêm mức quà tặng tiền mặt 500 ngàn đồng/hộ/người”, ông Tuân chia sẻ.
HUỲNH TƯỜNG VY