XUÂN ĐẾN MỌI NHÀ

Mùa xuân yêu thương

.

Cuối năm cũng là thời điểm thành phố tập trung chăm lo Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo… trên địa bàn với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, “để ai cũng có Tết”. Những món quà, những sự hỗ trợ, sẻ chia mang đến niềm vui cho mọi người trước thềm mùa xuân mới đang về.

Công nhân, người lao động mua sắm tại Chợ Tết Công đoàn 2024. Ảnh: X.S
Công nhân, người lao động mua sắm tại Chợ Tết Công đoàn 2024. Ảnh: X.S

1. Trong căn nhà nhỏ ở con hẻm trên đường Trường Chinh, chị Phạm Bích Quân (SN 1968, tổ 23 phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) vừa cặm cụi dọn dẹp nhà cửa vừa trông nom các con. Gia đình có 5 miệng ăn, thuộc diện hộ nghèo của phường. Hai vợ chồng chị Quân trang trải mọi thứ bằng nguồn thu nhập vỏn vẹn vài triệu đồng mỗi tháng. “Tôi làm giúp việc nhà cho người ta nhưng không ổn định, ai gọi thì mình đi, tháng thu về đâu tầm 3 triệu đồng. Con trai lớn sinh năm 2005 ra Tết sẽ đi nghĩa vụ quân sự, con trai út sinh năm 2008 đang học lớp 10, còn con giữa sinh năm 2006, như anh thấy đó, cháu… không bình thường”, chị Quân chia sẻ.

“Không bình thường” - đồng nghĩa ánh mắt buồn của người mẹ khắc khổ khi nhìn về người con trai. Em không nói được, thỉnh thoảng quay sang nhìn mẹ cười đầy vô tư. Suốt 10 năm qua, đều đặn mỗi ngày chị đưa con theo học tại Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm (quận Ngũ Hành Sơn), rồi lại đưa con đến Bệnh viện Tâm thần lấy thuốc. Năm ngoái, nhà trường khuyên chị đưa con về nhà chăm sóc vì tình trạng của em quá nặng. Vậy là, vừa mưu sinh, chị phải vừa ngóng chừng cậu con trai có thể bộc phát động kinh bất cứ lúc nào.

Vì hoàn cảnh như thế, mà nhiều năm qua, chị Quân xem Tết cũng như ngày thường, không sắm sửa, không áo quần mới. Điều động viên đặc biệt của gia đình, như lời chị, trong những dịp lễ, Tết, 20-10 hay 8-3 là sự quan tâm, sẻ chia của tổ dân phố, bà con chòm xóm, các cấp hội, đoàn thể, chính quyền địa phương… “Tổ dân phố vừa thông báo cho gia đình chuẩn bị nhận quà Tết hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ khó khăn đây. Cả năm chật vật, mỗi dịp Tết Cổ truyền đến, niềm vui nhiều khi đến từ chai dầu ăn, chai nước mắm, túi gạo… được hỗ trợ từ địa phương. Mình bớt một phần lo lắng, vì biết rằng không bị bỏ lại phía sau”, chị Quân nói.

2. Giữa khuôn viên Nhà Văn hóa lao động thành phố, anh Phạm Viết Thắng (SN 1990, quê ở xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hào hứng gọi điện thoại về nhà khoe với gia đình về túi quà Tết vừa nhận được tại Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ" và phiên chợ Tết 2024 do Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp; Liên đoàn Lao động các quận Hải Châu, Cẩm Lệ; Nhà Văn hóa Lao động thành phố phối hợp tổ chức.

Với Thắng, niềm vui lúc này là túi quà Tết dành cho đoàn viên lao động khó khăn trên tay, là những phần tiền nhỏ tích cóp sau một năm vất vả làm việc, có cả những háo hức được về quê ăn Tết. Chưa có gia đình riêng, mọi thu nhập của Thắng đều tập trung cho sinh hoạt thường nhật và gói ghém gửi về gia đình ở quê nhà. Một ngày của anh là 2 công việc. Ban ngày, anh làm việc tại Công ty TNHH TTTI Đà Nẵng ở Khu Công nghiệp Đà Nẵng. Chiều tối, cởi tấm áo công nhân, Thắng khoác lên mình chiếc áo xanh của tài xế  công nghệ. Những hôm nhiều khách, anh chạy xe đến 8-9 giờ tối rồi về trọ. Thu nhập ở công ty cơ bản cũng đủ trang trải cá nhân, nhưng khi có nhiều thứ cần lo hơn, anh nghĩ đến việc tích cóp thêm nguồn thu khi bản thân còn trẻ, còn sức.

“Bây giờ nhận quà xong là mình chạy về chở khách tiếp. Đây là lần đầu tiên mình nhận được quà Tết từ Công đoàn thành phố. Món quà này có thể giá trị không lớn nhưng với mình nó ấm áp vô cùng, bởi mình cảm nhận được sự quan tâm của thành phố với công nhân, người lao động. Ăn Tết có thể không quá đủ đầy nhưng có thêm một phần quà là thêm một niềm vui, thêm một sự động viên, để mình cũng như những anh chị em khác an tâm làm việc và đón Tết”, anh Thắng chia sẻ.

3. Với nhiều người lao động, Tết đồng nghĩa với… những nỗi lo thường trực. Ở đó, có những trăn trở về tấm vé xe về quê, lo món quà Tết biếu ông bà sau một năm làm lụng ở thành phố hay tấm áo mới cho con trẻ.

Cũng có khi vì chật vật, có người chọn ở lại, đón cái Tết ở đất khách trong khắc khoải nhớ quê. Đó là câu chuyện của gia đình chị Phan Thị Sương (SN 1986, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Cầm trên tay số tiền hỗ trợ và túi quà Tết từ Công đoàn cho người lao động khó khăn, chị Sương thông báo ngay cho bà con ở quê biết là mình có quà Tết từ thành phố để… mọi người vui lây. Chị làm nhân viên cho một khách sạn, chồng là lao động tự do. Năm rồi, cả nhà ăn Tết ở Đà Nẵng trong căn trọ nhỏ trên đường Phan Kế Bính. Năm nay, có sự hỗ trợ, thêm phần nhỏ tích cóp, hai vợ chồng quyết tâm mua vé xe… về quê ăn Tết vào ngày mùng 3. “Riêng tiền vé xe về Tết cả 2 lượt ra-vào đã gần 2 triệu đồng cho 4 người. Con số này không hề nhỏ, nhưng Tết mà, phải về”.

Quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, năm nay cậu thanh niên Phạm Văn Tình (SN 2001, người lao động Công ty TNHH Lafien Vina, Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng) háo hức chờ ngày về quê ăn Tết theo chương trình “Chuyến xe Công đoàn”. Đã làm việc ở Đà Nẵng được 3 năm nhưng đây là lần đầu tiên Tình đăng ký về nhà theo chương trình này. Hào hứng khoe tấm phiếu mua hàng được tặng tại chương trình “Chợ Tết Công đoàn 2024”, Tình cho biết: “Em đang chờ đến 24 tháng Chạp Âm lịch để nghỉ Tết. Với phiếu này, em sẽ mua sắm những thứ cần thiết để mang về nhà cho gia đình. Với em, những hoạt động chăm lo Tết của Công đoàn, của thành phố giải quyết rất nhiều vấn đề cho công nhân, người lao động. Một chuyến xe miễn phí, một túi hàng ưu đãi cũng giúp em bớt một phần khó khăn khi Tết về…”.

4. Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phan Thị Thúy Linh, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” theo phương châm “Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”. Có nhiều hoạt động diễn ra như chương trình Chợ Tết Công đoàn, tặng 30.000 phiếu mua hàng cho đoàn viên, người lao động khó khăn; “Tết không xa nhà” - giao lưu với người lao động nhiều năm không về quê đón Tết; “Hành trình Tết Công đoàn” hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay và tổ chức chuyến xe miễn phí đưa đoàn viên về quê ăn Tết; đồng hành đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với hơn 19.900 người được hỗ trợ với mức chi 500.000 đồng/người, tổng trị giá gói hỗ trợ gần 10 tỷ đồng.

Trong khi đó, với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, chương trình “Xuân yêu thương - Giáp Thìn 2024” hỗ trợ người nghèo, người khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đón mùa xuân ấm áp, vui tươi với sự sẻ chia, đùm bọc của toàn xã hội đã trao 18.417 suất quà Tết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 9,2 tỷ đồng được chi từ nguồn vận động các đơn vị, cá nhân.

Những con số ấm áp trên, đã góp phần mang lại hơi ấm cho người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn… trong những ngày se lạnh cuối năm. Năm hết, Tết đến, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau khi mùa xuân mới đang về.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.