Nghe cảnh báo về các tác hại với môi trường do các loại nhựa PE (nguyên liệu sản xuất áo mưa tiện lợi), tôi chợt nghĩ đến chiếc áo tơi của cha ông, nay chỉ còn trong hoài niệm...
Chạnh lòng nhớ chiếc áo tơi. Ảnh: T.Đ.T |
1. Cách nay từ lâu lắm, từ thời khi đất nước chưa thống nhất, người làng tôi vẫn ra đồng, đi chợ với chiếc áo tơi. Lúc ấy, tôi vẫn nghe mẹ hát ru em bằng những câu: "Trời mưa thì mặc trời mưa/ Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi". Sau này, nhà thơ Đặng Bá Tiến, gốc Hà Tĩnh có bài thơ "Áo tơi" khá hay: "Ai cười thì cứ mặc ai/ Áo tơi giờ vẫn quàng vai ra đồng". Hai câu cuối, anh viết như một tổng kết: "Bước từ trong bóng tơi ra/ Bao người con của quê ta rỡ ràng!".
Điều này ở quê tôi thì rất xác thực. Quê tôi là làng quê cổ đã được Dương Văn An ghi trong Ô Châu cận lục từ giữa thế kỷ XVI với tên làng Kim Quất. Sau bao thăng trầm giờ là làng Thanh Quýt ở thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Làng không chỉ có nghề trồng lúa, dệt vải mà còn là làng chuyên canh thuốc lá. Bao thế hệ ông cha đều choàng lên người cái nón và chiếc áo tơi chằm bằng lá. Ở ngôi chợ làng có hẳn vài hàng bán áo tơi quanh năm, cùng với gióng, rổ, mủng, thúng. Áo tơi thì có đủ cỡ, ngắn dài; có cái ngắn cho thiếu niên ra đồng phụ giúp cha mẹ ngày mưa gió. Có cái dài tận chân cho người lớn đi cuốc ruộng, gánh phân. Tấm áo tơi bằng lá cọ, lá nón đan bằng sợi mây, chỉ cột sợi dây mây phía trên cổ, đầu đội chiếc nón lá. Đó là loại áo tơi ống, thẳng đuột từ trên xuống dưới. Khi có gió mưa phía trước thì người dùng xoay phần sau lưng lại. Còn có thêm loại áo tơi cánh. Phía dưới hai vai, người ta chừa một lổ trống và chằm vào đó hai miếng lá như hai cái cánh để xỏ tay vào. Loại tơi cánh này thuận lợi cho người cuốc đất hoặc có các thao tác bằng tay ngoài ruộng...
Mẹ tôi gánh đôi bầu nan đánh dầu rái, mỗi ngày xuống phía biển mua mắm đi bán dạo hay gánh gạo đi bán cho các vạn ghe cũng choàng chiếc áo tơi ống đó trên suốt hành trình hơn chục cây số. Lúc về nhà bà treo chiếc áo tơi ấy vào cái mắc tre mà cha tôi làm sẵn trước lối cửa vào bếp. Đi đâu về, nhìn cái áo tơi mắc trước cửa, bọn nhỏ tôi biết mẹ đã về nhà...
Những hôm gặp mưa giữa đồng, chiếc áo tơi ấy lại được mở ra, đậy nồi cơm, trã cá mang theo cho bữa trưa, thật tiện lợi.
Cho đến năm 1965, khi gia đình tôi tản cư ra thành phố, thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp nhiều người ở quê ra, vẫn còn mang chiếc áo tơi ấy cùng gánh hàng rong đi bán dạo trên các lối phố. Dù cho lúc ấy, áo đi mưa bằng ni-lông đã bắt đầu xuất hiện. Nhiều người đạp xích lô luôn sắm tấm ni-lông, xếp gọn. Khi có mưa thì mở ra, cột chéo vào cổ cho đến khi trời tạnh. Nhưng theo lời những người lớn tuổi, mặc chiếc áo tơi vẫn thấy ấm áp hơn khi đi đường trong mùa gió chướng...
Chúng tôi ra phố, những ngày mưa gió đến trường vẫn thủ sẵn tấm ni-lông đi mưa ấy. Dọc phố đã bắt đầu xuất hiện mấy chiếc bàn, bên cạnh cái lò than và một cây que bằng sắt hơ lửa, làm dịch vụ “dán, vá áo mưa” cho khách đi đường... Dưới thời bao cấp nghèo khó, “dịch vụ” ấy vẫn còn rải rác trên các đường phố.
2. Sau ngày đất nước hòa bình vài năm, tôi được ra miền Bắc. Có vài lần phải ở lại Nghệ An và Hà Tĩnh vì công việc, tôi lại bắt gặp những chiếc áo tơi ấy đi ra đồng, đến chợ hoặc của những công nhân làm thủy lợi ở Thạch Hà, Can Lộc, Đô Lương…
Một cụ già mang tơi vừa bưng trên tay cái nồi lửa bằng đất nung để sưởi ấm, một đứa trẻ choàng chiếc áo tơi ngắn đến bắp vế, tay cầm đoạn con cúi bằng rơm đang đỏ lửa ngồi trên lưng trâu giữa gió rét. Đó là những hình ảnh dễ bắt gặp lúc ấy ở vùng Bắc Trung bộ. Giữa mùa hè nắng và gió Lào, chung quanh như có hơi lửa táp vào da thịt, những thiếu nữ vẫn mang tơi ra đồng cấy lúa, nhiều thanh niên đi đào kênh thủy lợi vẫn làm bạn với chiếc áo tơi... Sau chiến tranh, miền Bắc còn nhiều khó khăn như vậy đấy!
Một người quen của tôi làm thợ may ở chợ Cày, gần cầu Thạch Thượng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, kể rằng ở vùng Can Lộc vẫn có một làng chuyên làm áo tơi bán khắp Nghệ Tĩnh vào các tháng tư, tháng năm âm lịch. Ở đó, học sinh đi học về vẫn giúp cha mẹ may áo tơi để có tiền mua sách vở và phụ vào tiền chợ búa. Người lớn thường ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về, họ đến các vùng đồi núi có các loại cây đùng đình, cây lá nón để cắt lá, phơi cho héo rồi bó lại mang về. Tối đến, vợ chồng con cái cùng nhau ngồi đan tơi. Khi đã đủ số tơi cần thiết, lại đưa ra chợ cho các hàng quen...
“Ở xứ mình, cái áo tơi không chỉ dành cho mùa mưa mà cả mùa nắng nóng, ở vùng gió Lào, rất tiện dụng. Làng nào ở đồng bằng không sẵn nguyên liệu thì đi mua. Ở các chợ huyện hay như trong chợ thị xã Hà Tĩnh, chợ Vinh đều có các hàng bán áo tơi, bao nhiêu cũng có...”, anh bạn ấy kể. Mà quả vậy, trong mùa hè, tôi đến các gia đình quen biết tận Con Cuông, Diễn Châu, Đô Lương ở Nghệ An, đều thấy các chiếc áo tơi treo sẵn đâu đó! Đến mùa gió Lào, ở nhà thì đóng sập rèm cửa, ra ngoài lại choàng áo tơi cho mát…
Anh bạn kể, làng nghề áo tơi ở quê anh cũng đã có đến 300 năm tuổi rồi. Tôi nhớ lại ở quê Quảng Nam vùng tây Duy Xuyên, Nông Sơn ngày xưa, người nông dân vẫn hằng ngày lên núi cắt lá nón về chằm áo tơi, vừa để dùng vừa bán ra chợ. Có lẽ hình ảnh chiếc áo tơi ấy nay chỉ còn lại trong bài thơ Mẹ tôi của Xuân Tâm: "Mẹ tôi mảnh dẻ thấp người/ Từng nghèo mà vẫn nụ cười trên môi/ Suốt đời vất vả ngược xuôi/ Nuôi năm con được nên người lớn khôn/ Từ bình minh đến hoàng hôn/ Ngày ngày cực nhọc đâu còn nghỉ ngơi/ Mưa dầm thấm ướt áo tơi/ Rét run thấm cả vào người Mẹ tôi". Nhà thơ Xuân Tâm quê Quảng Nam, đó là hình ảnh người mẹ Quảng Nam trước năm 1945, mà ông đã nhớ lại…
Vậy thì chiếc áo tơi là vật che mưa nắng của người Việt từ Nam chí Bắc bao nhiêu đời nay trước khi “nền văn minh ni-lông” ào tới. Nghĩ đến chiếc áo tơi, một sản phẩm che mưa nắng truyền thống của ông cha, từ chất liệu thảo mộc trong tự nhiên, tôi bỗng thấy chạnh lòng...
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG