Chúc nhau hạnh phúc đầu năm

.

Hạnh phúc đơn giản là mỗi ngày được quây quần bên gia đình nhỏ để cùng sẻ chia những khó khăn vất vả, được ăn bữa cơm sum họp cùng ba mẹ sau thời gian xa quê... Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải ai cũng có được niềm an vui đó.

Với gia đình chị Phước Ly, niềm hạnh phúc trong năm mới là cả gia đình luôn nắm chặt tay nhau đi qua bao vui buồn của cuộc sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với gia đình chị Phước Ly, niềm hạnh phúc trong năm mới là cả gia đình luôn nắm chặt tay nhau đi qua bao vui buồn của cuộc sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau bao thăng trầm cuộc sống, chị Lê Phước Ly (quận Hải Châu) cảm nhận rõ hạnh phúc luôn hiển hiện trong những điều bình dị hằng ngày. Đó là khi công việc buôn bán tại quán hải sản của gia đình đông khách và người chồng bị liệt nửa người sau vụ tai nạn giao thông cách đây 7 năm được mạnh khỏe, bình an.

Chị Ly cho hay, chị và chồng là anh Văn Thành kết hôn 10 năm, có hai con nhỏ. Sau vụ tai nạn, anh Thành phải “làm bạn” với chiếc xe lăn. Từ đó, một mình chị Ly cáng đáng công việc buôn bán, nhà cửa, chăm sóc con cái... Nhiều lúc, chị Ly ước mình “ba đầu, sáu tay” để có thể chu toàn mọi việc. Thế nhưng, đằng sau những tất bận lo toan, đằng sau những thử thách mà cuộc sống đưa đến, vợ chồng chị Ly vẫn cảm thấy may mắn, hạnh phúc vì gia đình nhỏ luôn gắn bó, yêu thương nhau.

Với họ, hạnh phúc chính là sau những phút giây mệt nhoài được quây quần bên nhau, cùng chuyện trò, cùng ăn bữa cơm gia đình.

Chia sẻ về niềm mong ước trong năm mới, chị Ly nói chỉ cần chồng phục hồi tốt hơn, cả nhà mạnh khỏe, với chị đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. "Những ngày đầu năm mới, tôi thích được nhận lời chúc hạnh phúc từ mọi người. Bởi tôi nghĩ, chỉ cần bản thân, gia đình hạnh phúc, thì mọi năng lượng tốt đẹp cũng sẽ theo về", chị Ly vui vẻ nói.

Còn với anh Nguyễn Bá Đạt (quê tỉnh Quảng Trị), nhân viên một ngân hàng tại Đà Nẵng, niềm hạnh phúc trong năm mới chính là những giây phút được về bên gia đình. Hơn 15 năm đi học, đi làm xa quê, nhưng năm nào anh Đạt cũng về quê ăn Tết. Với anh, Tết chỉ vui khi được về nhà, nơi có ba mẹ mong ngóng những đứa con xa nhà. Bởi lẽ, guồng quay hối hả của cuộc sống khiến thời gian ở bên ba mẹ của những đứa con ngày càng ít đi.

Anh Đạt nhẩm tính, nếu bản thân chỉ trở về nhà trong 7 ngày Tết, mỗi ngày ở bên ba mẹ 10 giờ đồng hồ thì trong 20 năm, thời gian anh ở bên cạnh họ chỉ 1.400 giờ, tương đương gần 60 ngày.

"Nghĩ đến đó tôi thấy chạnh lòng. Vì thế với tôi, dù đi đâu, làm gì, thì Tết cũng là dịp để trở về. Tết chính là khoảnh khắc ở bên gia đình, cha mẹ. Hạnh phúc đơn giản là những phút giây được gần gũi với người thân. Trong cuộc đời một người, "có già có trẻ" không phải là gánh nặng, mà chính là hạnh phúc. Với tôi, còn cha còn mẹ chính là hạnh phúc”, anh Đạt đúc kết.

Dẫu vậy, không phải ai cũng có thể trở về, quây quần bên người thân trong những ngày đầu năm. Không ít người con làm ăn xa quê, vì nhiều lý do không thể sum họp cùng gia đình.

Nguyễn Viết Nhuận (22 tuổi, quê Hải Dương) hiện đang làm việc tại một tiệm cắt tóc nam ở Đà Nẵng là trường hợp như thế. Vì kinh tế gia đình khó khăn, cha mẹ già không có thu nhập, gánh nặng kinh tế dồn lên đôi vai chàng trai trẻ. Năm nay, Nhuận quyết định không về quê ăn Tết mà ở lại Đà Nẵng làm việc, mong kiếm thêm thu nhập gửi về quê phụ giúp gia đình. Không được tận hưởng phút giây sum họp trong năm mới, nhưng chàng trai quê Hải Dương cho hay, em vẫn cảm thấy vui, hạnh phúc vì công sức của mình phần nào giúp bố mẹ vơi bớt nỗi lo cơm áo.

NGÂN HÀ

;
;
.
.
.
.
.