Một buổi chiều sau Tết, tiễn cháu sang nước ngoài sau vài ngày về thăm gia đình, trong tôi bỗng ngổn ngang nhiều suy tư, xúc cảm. Bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, tốt nghiệp đại học y loại giỏi, được nhiều bệnh viện ở nước ngoài tiếp nhận về làm việc - biết đâu nếu “đầu quân” cho ngành y trong nước, sẽ có thêm một bác sĩ giỏi để góp phần cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân. Đây có lẽ chỉ là một trường hợp nhỏ đơn cử cho rất nhiều trường hợp đã lựa chọn môi trường nước ngoài sinh sống và làm việc sau thời gian học tập, nâng cao kiến thức, tay nghề. Mỗi khi đọc, nghe hay chứng kiến “chất xám” ra đi mà chưa hẹn ngày về như vậy, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm thấy tiếc và không khỏi trăn trở về xu hướng di chuyển của nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những số liệu cho thấy khoảng 70% sinh viên du học không trở về nước sau khi tốt nghiệp, hay như trong số 22 quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia, đến nay chỉ có 3 người quay trở về nước lập nghiệp sau khi hoàn thành chương trình học bổng tại nước ngoài. Thông thường, mục đích di chuyển của những lao động trí thức, tay nghề cao là để có được môi trường làm việc hiện đại hơn với mức thu nhập cao hơn và có điều kiện phát huy trí tuệ, năng lực nhiều hơn.
Điều đó đồng nghĩa với việc, môi trường trong nước ít nhiều còn chưa đáp ứng được kỳ vọng của đội ngũ nhân lực chất lượng cao, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” sang các quốc gia phát triển khác, thậm chí là “chảy máu chất xám tại chỗ” khi nhiều cán bộ, công chức kỳ cựu, có chuyên môn, kinh nghiệm đã rời bỏ khu vực công để sang làm việc ở những khu vực tư nhân hay khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hệ lụy xảy ra là tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng, ảnh hưởng nguồn ngân sách công, gây lãng phí những nguồn lực đã đầu tư cho giáo dục và tạo nên tâm lý muốn rời đi theo kiểu “dây chuyền” trong các cơ quan Nhà nước.
Thực tế thời gian qua, nhiều tỉnh, thành cũng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch thu hút nhân tài để ngăn dòng chảy thất thoát của “chất xám”. Tuy nhiên, những chính sách đó vẫn chưa đủ sâu, chưa đủ mạnh, chưa tạo được sự hấp dẫn thật sự để người lao động có trình độ tìm về và muốn gắn bó. Có thể kể tới như: môi trường làm việc còn nhiều gò bó, khả năng phát triển và thăng tiến ít, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu, chế độ lương thưởng và đãi ngộ chưa tương xứng, cơ hội có một vị trí việc làm ổn định và phù hợp còn bị hạn chế bởi các chính sách về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy… Từ đó, không ngạc nhiên khi tình trạng “chảy máu chất xám” ngày càng phổ biến và trở nên đáng lo ngại.
Vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là hệ thống giải pháp ngăn sự di chuyển của “chất xám”, mà còn là sự ứng xử phù hợp để chất xám đi nhưng sẽ quay lại cùng với bao nhiêu kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được. Thật ra “chảy máu chất xám” là hiện tượng chung của nền kinh tế thị trường, một khi hội nhập toàn cầu, tất yếu sẽ có sự chuyển dịch lao động giữa các nước và các khu vực. Điều quan trọng là mỗi quốc gia phải làm sao để “dòng chảy chất xám” không chỉ trôi theo một chiều mà phải trở thành một vòng tuần hoàn đi và về, bảo đảm chất xám đi nhưng sẽ quay về góp phần phát triển đất nước.
Muốn vậy, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phải được đổi mới theo hướng đa dạng, thực chất, có nhiều phương án đãi ngộ để người lao động lựa chọn theo nhu cầu cá nhân; thường xuyên theo sát, hỗ trợ người lao động trình độ cao trong quá trình làm việc để bảo đảm họ được tạo điều kiện cống hiến hết mình và được ghi nhận xứng đáng; áp dụng những quy định ưu tiên về biên chế, vị trí việc làm, khích lệ bằng những ưu đãi cụ thể về nhà ở, tiền lương, chi phí đi lại; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thu hút, trọng dụng và bảo vệ nhân tài…
Bên cạnh đó, có thể kết nối và hình thành nhiều tổ chuyên gia theo từng lĩnh vực, bao gồm những lao động trình độ cao ở khắp các quốc gia, từ đó tập hợp những người đang làm việc ở nước ngoài để tham vấn, tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn cho đội ngũ nhân sự trong nước. Bằng cách này, chúng ta có thể tận dụng được nguồn lực chất xám dù ở trong hay ngoài nước.
Con người - nguồn nhân lực là điểm xuất phát, và cũng là đích đến của mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Sự phát triển về mọi mặt đều đến từ những nỗ lực gầy dựng của con người và suy cho cùng cũng là để phục vụ chính con người. Vì vậy, nguồn lực con người là điều kiện tiên quyết, cũng là điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển bền vững. Việc thu hút - giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ cấp thiết để tăng cường sức mạnh nội lực và lợi thế cạnh tranh cho mỗi quốc gia.
ĐỖ LAN HƯƠNG