SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH

Không gian sách thành phố

.

Người Đà Nẵng luôn mong ước về một không gian sách với đầy đủ các tiện ích để việc đọc sách không chỉ là niềm yêu thích của riêng một cá nhân hay hội/ nhóm nhỏ mà có thể lan tỏa ra cả cộng đồng rộng lớn. Một phố sách hay đường sách được tổ chức quy mô, bài bản vẫn là đích đến đáng được mong đợi với những ai vẫn luôn trăn trở về văn hóa đọc.

Khách hàng say sưa bên trang sách tại cà phê sách Đông Tây. Ảnh: K.H
Khách hàng say sưa bên trang sách tại cà phê sách Đông Tây. Ảnh: K.H

Những thử nghiệm dài hơi…

Nằm nép mình ở số 133 đường Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu), quán cà phê sách Đông Tây là một “thành viên” của chuỗi cà phê sách do ông Đoàn Tử Hoan, Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây (đơn vị sở hữu chuỗi cà phê sách Đông Tây ở thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa) làm kiến trúc sư trưởng. Đã có hàng trăm đầu sách được đầu tư với số tiền lên đến nửa tỷ đồng cho không gian đọc này. Từ đầu năm 2023 đến nay, điểm đến vốn quen thuộc với người yêu sách này phải tạm đóng cửa để tìm giải pháp cứu vãn tình hình. Phương án được ông và các cộng sự lựa chọn đó là giao “đứa con do mình sinh ra” cho một người chủ khác có sự gắn bó sâu sắc và am hiểu về đất và người Đà Nẵng, phải có niềm đam mê thực sự đối với sách và mong muốn gìn giữ văn hóa đọc.

Ông Đoàn Tử Hoan bộc bạch: “Sau một năm đi vào hoạt động, chỉ có khoảng 20% khách hàng tìm đến để vừa gặp gỡ, giao lưu và đọc sách, tỷ lệ khá thấp so với đại đa số khách đến để uống nước giải trí như những quán cà phê bình thường khác.

Cà phê sách Đông Tây không phải là thử nghiệm đầu tiên tại Đà Nẵng về mô hình giải trí đi kèm đọc sách, tìm hiểu về sách, mà trước đó đã có nhiều thử nghiệm nhưng chỉ duy trì được sức hút trong một thời gian ngắn rồi nhanh chóng “giảm nhiệt”. Thói quen đọc sách, mua sách, trao đổi sách của người Đà Nẵng vẫn là ở những không gian sách truyền thống như Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố, hệ thống các nhà sách lớn như: Bạch Đằng, Nhã Nam, Việt Văn, Fahasa, Kim Đồng… Lùi lại xa hơn còn có những tủ sách, quán sách, hiệu sách nhỏ, có tuổi đời hàng chục năm, nằm nép mình khiêm tốn ở các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng (đoạn đối diện cổng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Ngô Quyền…

Nhìn từ quá khứ đến hiện tại để thấy rằng, văn hóa đọc nói chung, việc đọc sách nói riêng đã hình thành và thấm sâu trong mỗi tế bào, qua bao nhiêu thế hệ người dân Đà Nẵng, bất kể tầng lớp nào… Dẫu vậy, sự đọc vẫn chỉ mới dừng lại ở niềm yêu thích cá nhân mà chưa mở tung được cánh cửa để dòng chảy của văn hóa đọc, tri thức của những con người có niềm đam mê sự đọc đến gần hơn với công chúng.

Như một quy luật của sự phát triển, khi không gian của văn hóa đọc chuyển dần sang các nền tảng mạng xã hội hiện đại thì sự tồn tại của những hiệu sách/ quán sách nhỏ dần dần mất hút. Dẫu vậy, không ít người yêu sách, đam mê đọc sách bày tỏ rằng, họ vẫn dành sự yêu thích nhất định đối với văn hóa đọc truyền thống. Vẫn “nghiền” cảm giác sung sướng khi sở hữu một cuốn sách hay, giá trị và mỗi ngày lại lần giở đọc từng trang một để mỗi trang viết cứ thấm sâu vào trong từng ngóc ngách suy nghĩ, như thể một chân trời mới được mở rộng ngay trước mắt.

Cũng có người lại thích xúc giác giữa đầu những ngón tay khi lần giở từng trang giấy, hít hà để cảm nhận thật rõ mùi thơm của thứ mực mới in hay nền giấy mềm mượt như một dãi lụa của công nghệ giấy hiện đại. Nhưng những người đọc sách thực thụ mà tôi may mắn được gặp đều có chung nếp nghĩ, đó là tri thức cần được chia sẻ thì tri thức đó mới thực sự sống, còn tri thức nếu chỉ bưng bít trong cảm nhận của một cá nhân, về lâu dài sẽ là sự phiến diện. Sự đọc vốn dĩ vẫn luôn kỳ diệu như vậy.

Mơ về những trạm đọc, phố sách, đường sách…

Đứng trước nguy cơ  văn hóa đọc truyền thống đang dần mai một, chấn hưng văn hóa đọc theo tinh thần hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là vấn đề lớn được các cấp ngành và người dân quan tâm. Giờ đây, văn hóa đọc cần được “cởi tung chiếc áo đã cũ” để vươn mình đến gần hơn với đại chúng nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.

Qua tìm hiểu của người viết bài, thấy rằng, ở hầu hết những quốc gia phát triển, đang phát triển trên thế giới đều có sự quan tâm nhất định đến việc đầu tư cho văn hóa đọc. Nhiều mô hình về những trạm đọc, phố sách, đường sách hình thành, trở thành điểm nhấn tiêu biểu cho phong trào đọc. Thậm chí có nơi còn trở thành biểu tượng đáng tự hào về văn hóa của một địa phương, một vùng đất. Khi viết bài này, chúng tôi thật sự ấn tượng khi tìm thấy mô hình phố sách Paju (Hàn Quốc).

Phố sách Paju là tổ hợp giao lưu văn hóa với nhiều hoạt động như quán cà phê, hiệu sách, nhà xuất bản… Khoảng 250 nhà xuất bản đặt trụ sở tại phố sách Paju và có 10.000 người làm việc trong nơi này. Nó được chia thành ba khu vực: xuất bản, in ấn và hỗ trợ. Sách tại đây chủ yếu được viết bằng tiếng Hàn, xếp sau là tiếng Anh và tiếng Nhật.

Ngoài ra, phố sách Paju còn thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu, sự kiện, câu lạc bộ… thu hút hàng nghìn độc giả. Hay thị trấn sách Bellprat (thuộc vùng Catalonia, Tây Ban Nha). Bellprat là thị trấn sách đầu tiên ở Catalonia (thứ hai của Tây Ban Nha, sau Urueña). Từ khi ra đời (năm 2008) đến nay, Bellprat đã bán hơn 20.000 cuốn sách cho các du khách. Nơi này có hơn 20 hiệu sách lớn nhỏ. Vào tháng 6 hằng năm, tổ chức L'Associacio d'Amics de Bellprat (đơn vị sở hữu) sẽ tổ chức lễ hội đổi sách, hội thảo hoặc đấu giá, cùng với các hoạt động giao lưu nghệ thuật và văn học… Những mô hình kể trên đều trở thành điểm đến yêu thích của nhiều độc giả, khách du lịch.

Nhìn về Đà Nẵng, hình thành nên những đường sách, phố sách… được tổ chức và vận hành một cách bài bản, chuyên nghiệp vẫn là niềm mong mỏi của nhiều người từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Thành, Giám đốc NXB Đà Nẵng chia sẻ, trong xu thế văn hóa đọc bị tác động mạnh mẽ của công nghiệp giải trí và công nghệ số, cũng như đứng trước sự sa sút của văn hóa đọc hay sự “chết yểu” của không ít những mô hình tiên phong kết hợp giữa văn hóa đọc với giải trí như mô hình cà phê sách thì có lẽ, đã đến lúc cần hình thành nên sự liên kết như những mô hình về phố sách Paju (Hàn Quốc) hay làng sách Bellprat (Tây Ban Nha) để tạo thành phong trào đọc thay vì chỉ như những “đốm lửa nhỏ” như hiện nay. Tất nhiên, trong xã hội hiện đại, văn hóa đọc muốn tồn tại thì không thể tách rời yếu tố kinh tế, mà ngược lại sẽ bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Đà Nẵng là thành phố du lịch, là thành phố đáng sống thì thiết nghĩ mong mỏi về một đường sách hay phố sách là điều không quá ảo tưởng.

Ở góc nhìn của người kinh doanh mô hình quán cà phê sách tích hợp các dịch vụ giải trí đi kèm, ông Đoàn Tử Hoan cho rằng, Đà Nẵng có đủ các điều kiện để hình thành nên một đường sách hoặc phố sách, vấn đề là sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư bước đầu của địa phương. Về các đơn vị kinh doanh, nếu được tham gia sẽ xây dựng ý tưởng hình thành nên hệ sinh thái đọc sách gồm các dịch vụ giải trí, cho thuê sách, đọc sách tại chỗ, tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi sách hằng tháng…

"Có như vậy, độc giả mới đến với sách vào bất cứ lúc nào, thời gian nào thay vì chỉ thỉnh thoảng ghé mua vài cuốn sách hoặc chỉ đến cuối tuần mới cùng gia đình đến cà phê sách như hiện nay", ông Hoan nói.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.