Vì mẹ chỉ có một trên đời...

.

Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ là phẩm chất đáng được trân trọng trong mỗi con người, sự hiếu thảo thể hiện từ những việc làm thiết thực hằng ngày, từ tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn.

Những cụ bà "bách niên giai lão" trong bài viết này may mắn được con cháu yêu thương, chăm sóc bằng cả tấm lòng; các cụ còn có niềm vui khi là 1 trong 83 công dân tròn 100 tuổi vừa được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi thiếp mừng thọ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mẹ già như chuối chín cây…

Phải thuyết phục nhiều lần chị Võ Thị Ngọc Yến (SN 1964) mới đồng ý tiếp tôi tại nhà để thực hiện bài viết này bởi với chị, chuyện chăm sóc, hiếu đạo với cha mẹ thì phận làm con, ai cũng như ai, không riêng gì chị. Trong căn phòng chưa tới 20m2, nằm phía sau ngôi nhà số 129 đường Nguyễn Du (phường Thạch Thang, quận Hải Châu), chị Yến ngày ngày chăm mẹ là cụ Ngô Thị Châu, năm nay đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” - 101 tuổi. Trong lời kể của chị Yến, mẹ chị điển hình của người phụ nữ Việt Nam với đức tính siêng năng, cần cù và “chịu thương chịu khó thì không ai bằng”. Thời trẻ, cụ Châu theo chồng bán buôn ở chợ Đống Đa. Cứ 5 giờ sáng là có mặt ở chợ, đến tối mịt mới về đến nhà, cuộc sống khó khăn bộn bề nhưng người mẹ ấy chưa từng để đàn con thiếu ăn, thiếu mặc. Khi ở tuổi 80, cụ Châu vẫn hằng ngày cần mẫn ra chợ, thời gian rảnh, cụ phụ giúp con cháu việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa...

Giờ đây, khi mẹ tuổi cao, sức yếu, chị Yến dành toàn bộ thời gian chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, kiên nhẫn túc trực, xoa bóp cho mẹ mỗi khi trái gió trở trời. Việc ăn uống, vệ sinh cá nhân của cụ đều do một tay chị lo liệu. Chị Yến chăm chút đều đặn ba bữa sữa, cháo hoặc súp cho mẹ. Chị nói, người già không ăn được nhiều nhưng lại kén ăn vì bụng dạ giờ đã yếu nên thực phẩm phải lựa kỹ và thay đổi thường xuyên để chống ngán. Mỗi ngày, khi nấu súp hay cháo xay nhuyễn, chị đều chú ý gia giảm bớt gia vị, những ngày trời lạnh, thỉnh thoảng chị còn giã nhuyễn chút gừng tươi, chắt lấy ít nước nấu cùng cháo hoặc súp để mẹ ấm bụng. Hôm nào cụ Châu nổi tính chướng do đau mệt trong người, chị Yến lại kiên nhẫn dỗ dành, đút cho mẹ từng thìa cháo..

Ở một ngôi nhà khác, nằm ở K38/27 đường Lê Hữu Trác (quận Sơn Trà), cụ bà Văn Thị Thiệt (SN 1923, vừa tròn 101 tuổi) đang sống chung với gia đình người con trai và cô con gái út -  chị Trần Thị Lời (SN 1967). Thời còn sức khỏe, cụ Thiệt là người “miệng nói tay làm”, bươn chải, cần mẫn lao động, tích cóp để nuôi con, vun vén gia đình. Tinh thần tích cực, lạc quan “sống vui sống khỏe”, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao và đặc biệt, không bao giờ bỏ bữa, chính là bí quyết vàng để cụ Thiệt sống thọ. Trong gia đình, cụ luôn là tấm gương để các con trong nhà noi theo. Đến nay, 6 người con của cụ đều trưởng thành, có gia đình và sự nghiệp. Nhưng rồi theo quy luật của thời gian, khi bước vào độ tuổi xưa nay hiếm, mắt cụ Thiệt chìm dần vào bóng tối, tay chân chậm chạp rồi yếu hẳn.

Hơn 20 năm qua, chị Lời lấy việc chăm sóc mẹ già là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của mình. Tuổi già khiến mẹ chị nhớ trước quên sau, lại sinh ra hay hờn giận, cáu gắt. Rất nhiều đêm chị Lời không được ngủ ngon giấc vì người già thường đi vệ sinh hoặc có khi chỉ cần cái nắm tay dỗ dành để mẹ yên tâm chìm vào giấc ngủ. Thương mẹ, chị luôn kiên nhẫn, ân cần chăm sóc, không một lời cãi lại. Điều khiến chị sợ nhất là những khi trái gió trở trời, hay những lần cụ Thiệt bị tai biến nhẹ, xót mẹ, chị Lời lại kiên nhẫn ngồi xoa bóp rồi dỗ dành bà: "Đỡ đau hơn không mẹ?". Hằng ngày, ngoài chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, thương mẹ phải chịu cảnh bí bách trong bốn bức tường nên các con cụ thay phiên nhau đẩy xe lăn, đưa mẹ đi dạo.

Tấm lòng hiếu hạnh

Ở tuổi "vạn thọ" xưa nay hiếm, các cụ Ngô Thị Châu, Văn Thị Thiệt khiến nhiều người phải ngạc nhiên bởi sự tươm tất, da mặt hồng hào, thậm chí đôi chỗ tóc vẫn còn đen bởi luôn được con cháu chăm sóc chu đáo, cẩn thận với tình yêu thương xuất phát từ tận đáy lòng. Cuộc sống còn bộn bề khó khăn, cái nghèo vẫn còn đeo bám với mức thu nhập chỉ vỏn vẹn 4-5 triệu đồng/tháng nhưng đó chưa phải là điều chị Võ Thị Ngọc Yến bận tâm nhất mà nỗi lo sợ thường trực trong chị đó là một ngày thức dậy không còn mẹ trên đời. Vậy nên, làm bất cứ điều gì cho mẹ vui, khỏe, chị đều không nề hà. Chị Yến nhẹ nhàng chia sẻ: "Đối với tôi, hạnh phúc lớn nhất là được chăm sóc, được nhìn thấy nụ cười và cả những tiếng làu bàu trong cơn mơ ngủ của mẹ. Còn ước nguyện lớn nhất bây giờ là mẹ sống thật lâu, để tôi có nhà để về, có nơi để tâm sự sẻ chia hằng ngày”.

Ngót nghét hơn 10 năm nay, chị “làm đôi mắt, đôi chân” thay mẹ. “Nhiều lúc cũng mệt mỏi, ức chế lắm chứ. Mấy lần các anh chị cũng đón mẹ về chăm nhưng rồi xảy ra chuyện nọ chuyện kia khiến mẹ buồn, chị thương quá nên không đành, quyết định từ nay để chị lo cho mẹ. Giờ đi đâu là nhớ mẹ, không yên tâm”, đôi mắt chị rơm rớm khi giải bày tâm tư của mình. Thỉnh thoảng, trong giấc ngủ chập chờn, cụ Châu lại ú ớ vài câu nói không rõ nghĩa, có lúc lại giơ tay quờ quạng như đang tìm kiếm gì đó. Mỗi lần như vậy, chị Yến vừa nắm lấy tay mẹ vừa nhỏ giọng dỗ dành.

Vẫn biết chăm người già không dễ, nhiều lúc bản thân còn chịu nhiều uất ức nhưng nhìn thấy mẹ mỗi lần vì khó chịu, đau đớn trong người mà cáu gắt, lớn tiếng, chị Trần Thị Lời càng thương hơn. Chị bảo, ngày xưa, mẹ đã vất vả một đời chăm sóc, nuôi dưỡng anh em chúng tôi mà có bao giờ kêu than. Mẹ chỉ có một trên đời, được làm chút gì cho mẹ đó là phúc. Chỉ mong mẹ khỏe mạnh, sống với con cháu lâu hơn để tôi được kề cận chăm sóc mỗi ngày. Hiếu thuận với ông bà, cha mẹ không phải là điều xa vời mà xuất phát từ những việc làm thiết thực hằng ngày, từ tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Và những tấm gương hiếu thảo vẫn luôn có sức lan tỏa, cảm hóa lớn đối với những người xung quanh.

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian qua, thành phố có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ đối với người cao tuổi như: tổ chức chúc thọ, mừng thọ, mừng sinh nhật trong đó đối với người từ hơn  100 tuổi, được Chủ tịch UBND thành phố tặng 1,5 triệu  đồng và 5 mét vải lụa. Về chế độ trợ cấp hằng tháng: người cao tuổi từ 100 tuổi trở lên, không kể có thu nhập hay không có thu nhập thì được hưởng trợ cấp hằng  tháng với số tiền 600.000 đồng/ người/ tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế  miễn phí và hỗ trợ mai táng phí khi qua đời...

MẪU ĐƠN

;
;
.
.
.
.
.