Những trải nghiệm trong chiến tranh, những khoảnh khắc giữa sống và chết nhiều vô kể trong chiến tranh đã khiến những người lính như anh Khương Thế Hưng hiểu được giá trị của mỗi phút sống, của mỗi ngày còn được sống. Vì thế, họ không muốn lãng phí cuộc đời có thể rất ngắn ngủi vào những tham sân si nhỏ bé. Sống là một niềm vui bát ngát, riêng điều được sống giữa những người thân yêu cũng là quá đủ.
Những thế hệ thanh niên đã góp phần viết nên những trang sử xanh nối tiếp bề dày truyền thống đóng góp cho Tổ quốc của tuổi trẻ. Ảnh: TTXVN |
Năm 1968, mùa xuân Tổng tiến công Mậu Thân, nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng có một bài thơ ngắn:
"Nghe tin mùa xuân Tổng tiến công
Con tiến vào thị xã quê hương
Qua cây đa đầu thôn
Con nhớ thét thật to
Cho cha ông nghe tiếng
Rằng thằng Hưng
Con già Khương
Đã về!"
Một bài thơ không che giấu niềm tự hào, nhưng lại giấu được nỗi đau của một người cha. “Thằng Hưng” trong bài thơ của bác Dụng, là anh Khương Thế Hưng, con trai thứ của bác. Người anh cả của Hưng, liệt sĩ Khương Thế Xương đã hy sinh từ ngày kháng chiến chống Pháp. Bác Dụng chỉ có hai người con trai và anh Hưng cũng đã vào bộ đội từ năm 16 tuổi, từ lúc anh đang ngồi ghế nhà trường Lê Khiết (Quảng Ngãi).
Duyên may, trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, anh Hưng đã có thời gian đóng quân ở cực Nam Trung Bộ, và ở đó, anh đã gặp những điệu hát Chàm, những vũ điệu Chàm. Như một thức tỉnh từ thẳm sâu, chàng trai 20 tuổi đã nhập vào những khúc hát Chàm, những vũ điệu Chàm, và khi tập kết ra Bắc, có thời gian chung sống với các chiến sĩ quê cực Nam, trong đó có rất nhiều người gốc Chàm, anh Khương Thế Hưng đã sáng tác được phần âm nhạc của điệu múa Chàm-rông nổi tiếng. Điệu nhạc Chàm-rông có những nét của dân ca Chàm, nhưng là tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo của một người, nhưng anh Hưng đã không ký tên, cũng không hề có ý định “giữ bản quyền” khúc nhạc múa ấy, nên khi điệu múa Chàm-rông đã nổi tiếng trong và ngoài nước, người ta vẫn không biết và không nhớ ai là tác giả của phần nhạc. Cho đến những năm cuối đời, anh cũng không hề “thắc mắc” gì về “bản quyền” tác phẩm của mình. Tôi là một trong số ít người được anh Hưng kể về lai lịch bản nhạc, nhưng là kể cho vui vậy thôi.
Rất nhiều chiến công của anh Hưng trong chiến tranh, nhất là thời gian anh làm cán bộ chính trị ở Tiểu đoàn 48 khét tiếng của Quảng Ngãi, anh cũng không bao giờ kể, nếu có, chỉ là kể những kỷ niệm, những gương hy sinh của đồng đội, những nỗi đau xót trong chiến tranh mà anh từng chứng kiến. Đó là người gần như không biết “báo công”, dù rất có công. Có thể đó là do bản tính khiêm nhường. Nhưng từ ngày được gần anh, chơi với anh như một đứa em, như một bạn vong niên, tôi mới hiểu vì sao anh Hưng thường thản nhiên trước vòng danh lợi. Là người từng vào sinh ra tử, những năm sau chiến tranh anh Hưng đã chuyên chú nghiên cứu, thâm nhập vào Kinh Dịch, vào những lẽ “sắc không”, “âm dương” của trời đất, của con người, và ở đó, anh đã học để hiểu sự vô thường của cuộc đời, về những gì có thể mất đi và còn lại. Có thể tất cả chỉ là phù vân, nhưng con người sống trong trời đất phải có trách nhiệm làm người, có trách nhiệm và tấm lòng với đồng loại của mình. Những gì mình làm được cho đời, kể cả những công tích trong chiến tranh cũng là quá nhỏ bé so với những gì lớn lao hơn mà bao người đã làm được, mà cuộc đời đã làm được.
Cách xử sự của anh Hưng với bản nhạc Chàm-rông của mình là cách ứng xử mà anh học được từ Kinh Dịch. Khi ta biết, ta sẽ bình thản hơn. Có lẽ, anh Hưng đã biết. Cuộc đời một người lính sau chiến tranh với những hậu quả của chiến tranh mà anh phải mang trong người, từ những vết thương đến bệnh tật. Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ anh Hưng than thở hay ca cẩm gì về bệnh tật của mình. Anh lặng lẽ chống chọi, lặng lẽ đau, và lặng lẽ vượt lên để mỗi ngày sống là mỗi ngày thanh thản, những ngày vui với anh em bè bạn, với gia đình.
Anh Hưng biết những năm mình sống sau chiến tranh là những năm “sống lãi”, những năm được “sống thêm”. Bao nhiêu bạn bè, đồng đội đã không bao giờ còn được “sống thêm” như thế nữa. Vậy mình hãy còn là may mắn. Nếu hỏi đời người lính qua chiến tranh được gì, thì có lẽ là được cái suy nghĩ như thế. Những trải nghiệm trong chiến tranh, những khoảnh khắc giữa sống và chết nhiều vô kể trong chiến tranh đã khiến những người lính như anh Khương Thế Hưng hiểu được giá trị của mỗi phút sống, của mỗi ngày còn được sống. Vì thế, họ không muốn lãng phí cuộc đời có thể rất ngắn ngủi vào những tham sân si nhỏ bé. Sống là một niềm vui bát ngát, riêng điều được sống giữa những người thân yêu cũng là quá đủ.
Sau ngày anh Hưng mất, tôi được đọc bức thư gửi viếng anh của những người bạn lính từng vào sinh ra tử với anh ở Tiểu đoàn 48, tiểu đoàn hai lần anh hùng, và tôi hiểu, sự lựa chọn cách sống của anh Hưng là đúng. Xin được trích một đoạn thư, do anh Hồ Tất Toàn viết: “Trong cán bộ tiểu đoàn với nhau, ai cũng thương Hưng vì Hưng là học sinh, Hưng xuất thân trong một gia đình trí thức, được ăn học, mà ra đi chịu đựng cực khổ như anh em tôi là nông dân mặc áo lính, nhất là những lúc ác liệt, khó khăn gian khổ vô cùng, Hưng đều ráng chịu như anh em mà vẫn lạc quan động viên nhau… Càng nhắc, càng thương yêu, quý trọng Hưng vô cùng”...
Có thể nếu anh Hưng còn sống, anh Toàn chắc chưa viết bức thư ấy. Nhưng khi anh Hưng mất, thì những hình ảnh yêu thương về anh lại bừng sáng trong tâm trí những người bạn lính một thời của anh. Đó phải chăng là những gì còn lại, sau một đời người? Còn lại những điều tốt đẹp, lành sạch trong trí nhớ những người bạn, những người thân đang sống, còn lại trong một bản nhạc mà người ta đã quên tên hay không biết tên tác giả. Là con trai một nhà thơ lão thành nổi tiếng nhưng anh Hưng biết tìm cách riêng, con đường riêng của mình để thể hiện với đời. Anh đã sống tận cùng những điều anh nghĩ. Sống được như thế, đã là sống thiền, và khi đó, mỗi hành động của anh, mỗi điều dù nhỏ bé anh quan tâm đến người khác, giúp đỡ người khác, đều hàm ẩn một nhắn gửi, cuộc đời này ngắn ngủi lắm, hãy sống trong tình yêu thương nhau, hãy cố làm được chút gì cho bạn bè, đồng đội, cho những người mà mình có thể hướng tới. Sống như một lời cảm ơn cuộc đời, như một lời xin lỗi về những gì lẽ ra đã có thể làm được mà chưa làm được. Trong một bài thơ viết khi đang nằm bệnh viện, viết trước khi mất khoảng nửa năm, anh Khương Thế Hưng đã thầm ước:
Ngước nhìn trời xin một chút mông lung
Cúi nhìn đất xin bình yên tĩnh lặng
(Tơ trời và ngọn gió)
Người ta có thể cầu xin nhiều thứ, riêng anh Hưng chỉ “nhìn trời xin một chút mông lung” và với đất anh “xin bình yên tĩnh lặng”. Mông lung và tĩnh lặng, là anh đã dự kiến trước cho bước ra đi của mình rồi. Mông lung và tĩnh lặng, là những gì mà một người đi xa có thể nhắc những người còn ở lại: hãy yêu đến tận cùng cuộc đời này, và hãy thanh thoát. Như tơ trời, như ngọn gió.
Khương Thế Hưng đã sống tận cùng những điều anh nghĩ. Mỗi hành động của anh, mỗi điều dù nhỏ bé anh quan tâm đến người khác, giúp đỡ người khác, đều hàm ẩn một nhắn gửi, cuộc đời này ngắn ngủi lắm, hãy sống trong tình yêu thương nhau, hãy cố làm được chút gì cho bạn bè, đồng đội, cho những người mà mình có thể hướng tới. Sống như một lời cảm ơn cuộc đời, như một lời xin lỗi về những gì lẽ ra đã có thể làm được mà chưa làm được. Chính cách sống của anh Hưng, tấm lòng của anh, chứ chưa phải những trang viết của anh, đã có một sức cuốn hút thật khó quên với những người có dịp quen biết anh. |
THANH THẢO