VĂN HÓA LÀNG BIỂN

Mong biển lặng, cá đầy khoang

.

Khắp nơi trên dải đất hình chữ S, ở đâu có đường bờ biển thì nơi đó tồn tại đa dạng nét đẹp văn hóa làng biển như lễ hội Cầu ngư, lễ Cầu an hay lễ ông Thổ… Ít ai biết rằng, nơi đây còn lưu giữ nét đẹp văn hóa tâm linh. Mỗi khi con tàu vươn khơi thì những người phụ nữ lại mòn mỏi chân trần trên cát cầu nguyện biển lặng, ngóng đợi chuyến tàu cập bờ bình an cho người thân.

Khi con tàu vươn khơi thì chừng ấy trái tim người phụ nữ gửi tâm hồn theo sóng nước. May mắn thay, họ còn có niềm tin bình an cho những chuyến tàu ra khơi bằng cách khấn nguyện trước biển, làm mâm cơm cúng hay đến đền thờ cá Ông cầu nguyện… Ảnh: S.T
Khi con tàu vươn khơi thì chừng ấy trái tim người phụ nữ gửi tâm hồn theo sóng nước. May mắn thay, họ còn có niềm tin bình an cho những chuyến tàu ra khơi bằng cách khấn nguyện trước biển, làm mâm cơm cúng hay đến đền thờ cá Ông cầu nguyện… Ảnh: S.T

Câu nói “Lấy chồng nghề ruộng em theo, lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, không phải nghiễm nhiên dân gian truyền miệng từ xa xưa, bởi vô số người phụ nữ có chồng đi biển bỗng chốc trở thành góa phụ, con thì mất cha, họ một thân một mình vượt khó nuôi con sớm tối.

Nhờ niềm tin vượt nguy nan

Tôi dạo những con đường ven biển Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa… nhìn xa xa nước biển trong xanh, từng con sóng miệt mài vỗ bạc đầu, nơi đất liền thì bãi cát trắng mịn với hàng dương liễu rì rào theo ngọn gió. Biển đẹp từ bao đời nay, giúp ngư dân khởi sắc trong đời sống cũng như thắp sáng hy vọng nhiều cuộc đời, nhưng cũng muôn vàn khắc nghiệt bởi lấy đi nhiều giọt nước mắt khó mà nguôi ngoai.

Ngồi trước biển khơi mênh mông, từng đợt gió chực chờ táp vào tôi lẫn bà Đặng Thị Mực (70 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà), bà Mực vừa với tay đội chiếc nón lá vừa kể, chồng bà là ông Nguyễn Văn Em (70 tuổi) có hơn 50 năm làm nghề biển, mươi năm trước, sức khỏe tốt thì chồng bà cùng bạn thuyền vươn khơi ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, ít thì hơn tuần, nhiều thì cả tháng mới cập bờ. Bây giờ, tuổi cao nhưng chồng bà vẫn yêu biển và cũng vì mưu sinh nên miệt mài kéo lưới gần bờ, sáng ra chiều lại về.

Gia đình chồng bà Mực có 3 đời làm nghề biển, thời trước, gia đình khó khăn, bà gửi 5 con nhỏ cho nội ngoại và cùng chồng ra khơi. Sau này, bà ở nhà chăm con, buôn bán qua ngày và lo toan gia đình để chồng yên tâm rẽ sóng. Ở nhà nhưng tâm trí bà lại hướng trọn theo mỗi chuyến đi của chồng, gửi bình an đến chồng qua nét văn hóa tâm linh của hầu hết phụ nữ miền biển.

Bà Mực bồi hồi nói, trước kia hay bây giờ, cứ sáng sáng bà đều ra biển thắp hương, cầu nguyện biển lặng sóng để chồng cũng như những bạn thuyền thuận lợi đánh bắt. Hay khi làng có lễ, có hội hay Tết, bà đều đến đền thờ cá Ông hay đền âm linh ước nguyện. Việc làm đó ăn sâu vào tiềm thức như một thói quen ăn cơm, uống nước mỗi ngày của bà. Nhờ vậy, bà tin rằng hơn mươi năm qua, chồng bà luôn vững tay chèo, trở về mạnh khỏe, cá tôm đầy khoang. “Ai đi biển thì đều không đếm nổi số lần rơi vào hiểm nguy, chồng tôi cũng vậy nhưng nhờ vào may mắn mà thoát chết đôi ba lần. Tôi biết nhờ vào công cụ liên lạc hiện đại, có bất trắc thì cơ quan chức năng cũng dễ dàng định vị hướng đi của tàu. Nhưng chúng tôi tin rằng, đôi khi nhờ vào lời nguyện, chồng thêm phần bình an và giúp tôi cũng như những người vợ ngư dân khác yên tâm hơn”, bà Mực bày tỏ.

Hơn 50 năm qua, bà Đặng Thị Mực mỗi ngày đều ra biển cầu nguyện sóng yên biển lặng để chồng kéo lưới khơi xa. Ảnh: H.T.V
Hơn 50 năm qua, bà Đặng Thị Mực mỗi ngày đều ra biển cầu nguyện sóng yên biển lặng để chồng kéo lưới khơi xa. Ảnh: H.T.V

Còn cụ bà Đặng Thị Chín (82 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) ngồi gần đó cho biết, cả quãng đời, cụ không chỉ cầu nguyện cho chồng mà còn cho hai con trai đang nối nghiệp biển của gia đình. Theo kinh nghiệm của cụ, trước khi vươn khơi, tại gia tiên, cụ bày mâm cúng bày tỏ tấm lòng thành kính trước tổ tiên cũng như trước các vị thần linh. Sau là khấn nguyện trước biển cả rộng lớn, chở che, bao bọc chuyến tàu hanh thông. Đồng thời, cụ còn dặn dò người chồng, người con khi ra khơi thì mỗi ngày cũng phải thắp hương. Theo cụ bà, đó không phải mê tín mà là nét văn hóa tâm linh đang hiển hiện khắp những làng chài ven biển có ngư dân đang bám biển vươn khơi. 

Biển là nhà, là quê hương

Hành trình bám biển đối mặt hiểm nguy nhưng nhiều ngư dân sớm coi biển là nhà, là quê hương, là hồn cốt cuộc đời, không thể bỏ càng không thể dứt. Bên cạnh những nỗi lo, tâm tư của người vợ thì những ngư dân vẫn một lòng kiên trì với nghề bởi cái nghề đã giúp vợ và các con có cuộc sống đầy đủ hơn. Như ông Lê Dũng (49 tuổi, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) sinh ra trong gia đình có truyền thống đi biển. Ba ông là ngư dân có tiếng ở làng chài Xuân Hà nên ông được ngang dọc biển cả học nghề từ nhỏ.Năm 25 tuổi, ông Dũng đã trở thành “tài cả” của con tàu công suất lớn.

“Tôi ở biển nhiều hơn ở nhà nên biển như là một phần linh hồn trong tôi. Biết mỗi chuyến đi lành ít dữ nhiều nhưng tôi không thể bỏ nghề bởi quá yêu biển, đồng thời, vươn khơi cũng là cách giữ gìn biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc”, ông Dũng nói. Hay ông Phạm Trường (70 tuổi, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) nói rằng, nhiều bạn thuyền của ông đã mãi mãi ở lại biển sâu khi gặp nạn. Có đôi lúc ông tính đường kiếm kế sinh nhai khác nhưng nghiệp biển như vận vào thân. Cứ như thế, gắn bó với biển hơn 50 năm có lẽ, ông dần quên đi sự khó khăn, lấy cá tôm làm niềm vui nơi biển xa và chỉ biết dốc lòng với nghề, với biển.

Theo kinh nghiệm của cụ, trước khi vươn khơi, tại gia tiên, cụ bày mâm cúng bày tỏ tấm lòng thành kính trước tổ tiên cũng như trước các vị thần linh. Sau là khấn nguyện trước biển cả rộng lớn, chở che, bao bọc chuyến tàu hanh thông. Đồng thời, cụ còn dặn dò người chồng, người con khi ra khơi thì mỗi ngày cũng phải thắp hương. Theo cụ bà, đó không phải mê tín mà là nét văn hóa tâm linh đang hiển hiện khắp những làng chài ven biển có ngư dân đang bám biển vươn khơi.

Theo ông Lê Văn Lễ (73 tuổi, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), Trưởng ban Nghi lễ làng Thanh Khê, ông là ngư dân có gần 30 năm oanh tạc khắp các ngư trường trên biển nên ông thấu hết sự khó khăn, vất vả của nghề. Bản thân nói chung và các ngư dân khác nói riêng khi đi biển ít nhiều đều mang một phần tâm linh dặn lưng như thuyền xuất bến hành nghề phải nhìn trời, nhìn sao, nhìn nước, nhìn mây… Không chỉ người vợ mong ngóng cầu nguyện nơi đất liền mà người chồng cũng phải hiểu rõ nét văn hóa tâm linh vùng biển để cầu mong sóng yên, biển lặng đôi nhịp.

Hiện nay, ở Đà Nẵng, các ngư dân tập trung ở quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, đông nhất là quận Sơn Trà, Thanh Khê. Theo Đại tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, số tàu thuyền trên toàn thành phố trên 6m là gần 1.300 tàu, khoảng 6.900 lao động đang hoạt động trên biển. Vì vậy, khi đi dọc những con đường ven biển, tôi dễ dàng bắt gặp nhiều miếu âm linh hay đền thờ cá Ông hướng mặt ra biển được xây dựng hàng trăm năm trước. Nơi đó, đã cứu vớt một phần tâm trí của những người vợ ngư dân bởi họ biết làm gì khác ngoài việc gửi gắm niềm tin đến khơi xa để chồng đặng bề bình an trên từng dặm biển.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.