Các nước Đông Á có chi phí nuôi con đắt nhất thế giới

.

Ba quốc gia có chi phí nuôi một đứa trẻ đến 18 tuổi cao nhất thế giới lần lượt là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, chi phí ở Hàn Quốc cao gấp 7,79 lần so với GDP/người, ở Trung Quốc cao gấp 6,3 lần và ở Nhật Bản cao gấp 4,26 lần.

96% số người được hỏi ở Hàn Quốc cho rằng, việc nuôi con rất tốn kém, trong khi 88,8% bày tỏ sự lo lắng về tương lai của con cái. Ảnh: The Chosun Daily
96% số người được hỏi ở Hàn Quốc cho rằng, việc nuôi con rất tốn kém, trong khi 88,8% bày tỏ sự lo lắng về tương lai của con cái. Ảnh: The Chosun Daily

Đầu tư cho giáo dục

Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu dân số YuWa cho biết, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ ở Trung Quốc đến 18 tuổi tốn khoảng 538.000 nhân dân tệ (74.600 USD), bao gồm phí thuê người chăm sóc, chi phí giáo dục, chi phí hoạt động ngoại khóa… Theo đó, khoản tiền này cao gấp 6,3 lần GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc. Nếu tính cả chi phí học đại học, con số tăng lên 680.000 nhân dân tệ (94.500 USD). Riêng các thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải có chi phí nuôi dạy con cái cao nhất - với con số trung bình lần lượt khoảng 936.000 nhân dân tệ và 1,01 triệu nhân dân tệ.

Cộng đồng mạng ở Trung Quốc không đồng tình với báo cáo nói trên. Hàng loạt bình luận trên nền tảng Weibo nhận định: 680.000 nhân dân tệ không đủ để nuôi con ở các thành phố lớn, con số thực tế phải lên đến hàng triệu nhân dân tệ. Nhiều ý kiến cho rằng, chi phí nuôi dạy con ở Bắc Kinh và Thượng Hải không chỉ 936.000 nhân dân tệ và 1,01 triệu nhân dân tệ, mà còn cao hơn thế. “Chi phí nuôi con ở Bắc Kinh khoảng 2 triệu nhân dân tệ”, một người dùng mạng Weibo tiết lộ.

Chi tiêu cho giáo dục chiếm phần lớn trong tổng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc. Điều này xuất phát từ quan điểm của hầu hết người dân rằng, giáo dục tốt là yếu tố quan trọng để thành công. Chi phí nuôi con tính theo GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vượt xa các quốc gia khác như Nhật Bản (4,26 lần), Mỹ (4,11 lần), Pháp (2,24 lần) và Úc (2,08 lần). Song, Hàn Quốc mới là quốc gia đứng đầu với chi phí gấp 7,79 lần GDP bình quân đầu người, còn Nhật Bản xếp thứ ba. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu YuWa, các bậc cha mẹ ở Hàn Quốc phải chi khoảng 332 triệu won (hơn 245.000 USD) để nuôi một đứa trẻ đến khi trưởng thành.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu dân số YuWa cho rằng, với những lý do như chi phí nuôi con cao, trong đó có việc chạy đua để tìm nền giáo dục tốt; phụ nữ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc, nên mức độ sẵn lòng sinh con của người dân Trung Quốc và Hàn Quốc thấp nhất thế giới.

Không chỉ là tiền

TS. Zhao Litao dẫn một cuộc khảo sát của chính phủ Trung Quốc thực hiện năm 2017 cho biết, việc thiếu người chăm sóc gia đình là một trong những lý do hàng đầu khiến phụ nữ không muốn sinh thêm con. Các yếu tố mà “các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi dạy con cái” phải tính đến bao gồm: thời gian nghỉ thai sản, thời gian cần thiết để trông trẻ và đón trẻ, thời gian kèm con học và làm việc nhà.

Phụ nữ nghỉ thai sản có thể bị đối xử bất công tại nơi làm việc như phải chuyển sang nhóm khác, bị giảm lương hoặc bỏ lỡ cơ hội thăng tiến. Thời gian làm việc được trả lương của phụ nữ giảm, chủ yếu trước khi trẻ lên 4 tuổi, nhưng thời gian làm việc được trả lương của nam giới không thay đổi khi có con. Theo báo cáo, ở Trung Quốc, mỗi đứa trẻ được sinh ra đồng nghĩa với việc lương của phụ nữ sẽ giảm 12-17%.

GS. Gietel-Basten, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) phân tích: Do thiếu cân bằng trong vai trò giới tính, thiếu sự hỗ trợ, nhiều phụ nữ buộc phải rời khỏi thị trường lao động vì phải làm mọi việc ở nhà.

Trong khi đó, GS. Yuko Kawanishi về Xã hội học tại Đại học Lakeland ở Tokyo (Nhật Bản) tin rằng, hệ thống việc làm - gồm seiki (lao động toàn thời gian) và hiseiki (lao động hợp đồng) - là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhân khẩu học của Nhật Bản. Số bà mẹ có con tham gia lực lượng lao động tăng lên, đạt 76% vào năm 2021, cao hơn 20 điểm phần trăm so với năm 2004. Tuy nhiên, chỉ có 30% tổng số bà mẹ có việc làm lâu dài. “Đây là vấn đề kinh tế vĩ mô rất nghiêm trọng vì nhiều phụ nữ trẻ lo lắng về việc rơi vào tình trạng không có việc làm ổn định. Có sự chênh lệch giữa seiki và hiseiki, về sự ổn định, phúc lợi và tiền lương…”, GS. Yuko Kawanishi nói.

Nhiều yếu tố khiến người Hàn Quốc không muốn sinh con

Kết quả khảo sát do Hiệp hội dân số, y tế và phúc lợi Hàn Quốc thực hiện đối với 2.000 cá nhân trong độ tuổi từ 20-44 cho thấy, 96% thừa nhận rằng việc nuôi con rất tốn kém, trong khi 88,8% bày tỏ sự lo lắng về tương lai của con cái. Gánh nặng tài chính trong việc nuôi dạy con cái, kết hợp với sự không chắc chắn về tương lai của trẻ, được coi là những yếu tố quan trọng ngăn cản người Hàn Quốc làm cha mẹ.

KHÁNH LINH

;
;
.
.
.
.
.