Thông tin về việc cán bộ nhận hối lộ và bị bắt những ngày qua xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đối tượng nhận hối lộ đương nhiên là cán bộ, là người có chức quyền, ở các cấp khác nhau. Điều này khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến.
Tất nhiên, có người nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ. Mà mục đích của mỗi người là rất khác nhau, nên những người đưa và nhận hối lộ cũng rất khác nhau, cho thấy sự phức tạp, tinh vi, khó lường của loại hình phạm tội gây bức xúc trong xã hội này. Có những người nhận hối lộ đơn lẻ, có những vụ việc nhiều người cùng nhận hối lộ. Thật đau xót, đáng buồn và đáng lên án!
Theo Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015, nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ... Theo quy định, người nhận hối lộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nhận của hối lộ là lợi ích phi vật chất; tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa xóa án tích mà còn vi phạm.
Luật quy định rõ ràng thế, nhưng con số nhận hối lộ lớn hơn rất nhiều. Xin lấy một ví dụ gần đây. Ngày 3-4, thông tin về tiến độ điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn tại họp báo Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đang tiếp tục tiến hành điều tra mở rộng. Đến thời điểm hiện tại, các bị can vụ đã nộp lại 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD (khoảng 95 tỷ đồng). Đó là chưa kể đến những tài sản có giá trị đang rà soát kê biên, phong tỏa để phục vụ công tác thu hồi khắc phục hậu quả.
Một ví dụ khác, trong vụ án Việt Á, bị cáo Phan Quốc Việt đã hối lộ các cựu quan chức hơn 106 tỷ đồng. Thông qua quá trình xét xử tại phiên tòa, cùng với số tiền các bị cáo đã khắc phục, viện kiểm sát ghi nhận tổng số tiền các bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả đến tháng 1-2024 là hơn 77 tỷ đồng và 2,65 triệu USD. Tại vụ án Vạn Thịnh Phát, con số còn kinh hoàng hơn nhiều khi đã có hàng nghìn tỷ đồng và tài sản được bị can xin nộp lại để khắc phục hậu quả…
Ấy là những vụ đại án, những vụ diễn ra trong thời gian gần đây, còn đang mở rộng điều tra, chưa tiến hành xét xử. Nhưng chỉ điểm qua thế thôi, cũng đủ thấy việc cán bộ nhận hối lộ là hết sức nghiêm trọng, rung những hồi chuông báo động khẩn thiết, bởi đây là hình thức tham nhũng liên quan trực tiếp đến những người có chức vụ, quyền hạn, không khu biệt ở vị trí công việc nào, ở đơn vị, tập thể, bộ, ban, ngành, địa phương nào.
Rất nhiều vụ án có liên quan đến tội đưa và nhận hối lộ đã bị khởi tố, đưa ra xét xử. Rất nhiều bị can là cựu cán bộ đã ra phải đứng trước vành móng ngựa, đang trong trại tạm giam, trại giam thụ án. Tôi bất chợt nhớ hình ảnh một số bị cáo lấy tờ báo che chiếc còng số 8 trên tay khi bước vào phòng xử án, những bị cáo cúi mặt tránh ống kính phóng viên và cả người dân, những bị cáo lầm lũi bước lên xe chở phạm nhân… Hẳn là trong mỗi bị cáo khi ấy, sự ăn năn, nuối tiếc, sự day dứt, dằn vặt, trở trăn, sự xấu hổ dấy lên. Bao nhiêu công lao phấn đấu, những thành tích đạt được cho cá nhân và tập thể, cho gia đình và dòng họ bỗng chốc tan biến, sụp đổ không cách nào vớt vát lại.
Như ly nước đã hắt đi. Như tấm gương đã vỡ. Hẳn đó là những “tấm gương tày liếp” cho những cán bộ có chức vụ, quyền hạn nào còn những giao động về tư tưởng, thiếu tu dưỡng rèn luyện, chưa hội đủ ý chí, phẩm chất của một người cách mạng ngẫm ngơi, soi chiếu để rút ra những bài học đích đáng, sát sườn trong quá trình công tác. Sự nghiêm minh “không có vùng cấm”, những bản án đủ sức răn đe của pháp luật, những hình ảnh nhói lòng của bị cáo và gia đình họ, tiếng xấu để đời chắc chắn sẽ đánh thức không ít cán bộ, giúp họ đủ tỉnh táo, bản lĩnh để thoát tránh những “viên đạn bọc đường” mà rời xa tiền bạc.
Chỉ có sự kết hợp đồng bộ ấy, nhất là sự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp mới không xuất hiện thêm những cán bộ nhận hối lộ và số tiền khổng lồ nộp lại sau khi vướng vòng lao lý. Bởi, suy cho cùng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh rằng: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.
NGUYỄN TRI THỨC