ĐỂ RỪNG THÊM XANH

Vui dưới tán rừng

.

Trong mạch kết nối của chính quyền địa phương và những người làm du lịch cộng đồng ở Hòa Vang, chưa bao giờ vắng khía cạnh hài hòa giữa bảo vệ thiên nhiên với khai thác tài nguyên bản địa. Ở đó, ứng xử tốt với núi rừng, với thiên nhiên là kim chỉ nam cho du lịch bền vững.

Núi rừng Hòa Bắc là tài nguyên quý giá của du lịch cộng đồng ở huyện Hòa Vang. Ảnh: X.S
Núi rừng Hòa Bắc là tài nguyên quý giá của du lịch cộng đồng ở huyện Hòa Vang. Ảnh: X.S

“Không phải cứ làm du lịch là xây villa hoành tráng, vẫn có thể đón du khách bằng những giá trị giản dị, gần gũi từ thiên nhiên, núi rừng…”, ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc nhấn mạnh, khi đề cập câu chuyện làm du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ thiên nhiên ở địa phương này.

Du lịch gắn với giữ rừng

Không phải đến bây giờ, câu chuyện đó mới được người dân xã Hòa Bắc manh nha thực hiện, khi các địa danh như: Nam Yên, Tà Lang, Giàn Bí, sông Cu Đê… vốn đã có tên trên bản đồ du lịch thành phố nhiều năm nay, thuộc 1 trong 3 cụm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang cùng với Túy Loan - Thái Lai (xã Hòa Nhơn) và Trung Nghĩa - Đông Sơn - Hòa Trung (xã Hòa Ninh). Theo thống kê của xã, toàn địa phương có 5 điểm du lịch sinh thái và 16 điểm du lịch cộng đồng, mỗi năm đón trung bình 30.000 lượt khách… Tất cả nằm trong chủ trương phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của lãnh đạo huyện.

Trong làn sóng du lịch khởi phát từ nguồn tài nguyên kết hợp giữa thiên nhiên với bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ tu, HTX Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc góp phần lớn. Hoạt động từ tháng 3-2023, đơn vị có 19 thành viên chính thức và 275 thành viên liên kết đã kết nối các tổ nông nghiệp, tổ nghề truyền thống, văn hóa truyền thống Cơ tu, ẩm thực, lưu trú, tham quan… ở 7 thôn thành một khối, với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống; giữ gìn giá trị bản địa, tạo sinh kế cho cộng đồng, hướng tới giữ rừng đầu nguồn, phát triển thiên nhiên bền vững.

"Hòa Vang chọn du lịch cộng đồng trong đó có du lịch học tập là hướng đi đúng, tiến đến phát triển bền vững. Đây là xu hướng văn minh trên thế giới, phù hợp với nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Quan trọng nhất là bảo vệ được thiên nhiên, tạo gắn kết giữa xã hội, con người và hệ sinh thái tự nhiên. Có sự gắn kết đó thì mới có bảo tồn hướng đến hệ sinh thái bền vững”.

Ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường thiên nhiên Đà Nẵng

Ngồi lại cùng nhau, họ đồng thuận, ai làm nghề dệt vẫn dệt, ai làm nông vẫn làm nông, ai nấu ăn vẫn nấu ăn, ai đi rừng vẫn đi rừng… Khác ở chỗ, những điều đó gắn liền hoạt động du lịch, trở thành câu chuyện để kể với du khách. Họ được nâng cao năng lực làm du lịch qua các đợt tập huấn về nghiệp vụ ẩm thực, buồng phòng của Sở Du lịch hay tập huấn truyền thông từ Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Với sản phẩm trung tâm là du lịch cộng đồng, sau 1 năm hoạt động, HTX đón gần 5.000 khách.

Chị Đỗ Thị Huyền Trâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc - người con mảnh đất Hòa Bắc nói, ngày xưa khi diện tích rừng tự nhiên nhiều, bà con sống dựa vào rừng. Rừng cho vỏ cây để đan lát; cho thức ăn, cây thuốc; nước tưới, nước uống cũng chảy về từ rừng. Bây giờ, việc trồng keo ảnh hưởng chất lượng các lớp đất sinh trưởng bởi cây keo không giữ được nước. Khi “nước không còn là của trời”, đất vơi sự màu mỡ, đời sống con người ảnh hưởng theo.

Từ đó, mô hình “đồi giữ nước” được HTX triển khai, phân rừng ra các tầng. Nước từ tầng đỉnh là rừng tự nhiên; xuống dưới một chút, nước tưới cho tầng cây ăn quả; rồi nước chảy về tầng đất trồng rau của bà con, chảy vào ao cá, ra ruộng tưới mát cây lúa… Song hành là chủ trương khuyến khích trồng cây gỗ lớn theo Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố nhằm phủ xanh rừng. Trong ám ảnh về những quả đồi trọc, người Hòa Bắc dặn nhau: “Nước là động lực của sự phát triển - Muốn có nước thì phải giữ rừng”. Họ hiểu, nếu thiếu nước hay nước ô nhiễm, ai là những người chịu thiệt đầu tiên.

Ứng xử tốt với thiên nhiên

“Để an toàn cho khách và tránh phá vỡ sự yên tĩnh của rừng, mỗi chuyến trekking do bên mình tổ chức luôn gói gọn dưới 15 người”, anh Ngô Khải Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Dịch vụ Wildtrek chia sẻ. Với loại hình trekking dưới những cánh rừng thuộc khu vực huyện Hòa Vang và tỉnh Quảng Nam, đơn vị lồng ghép các câu chuyện về hệ thực vật rừng phong phú với hướng dẫn kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã, nhấn mạnh tầm quan trọng của rừng với hệ sinh thái và con người. Du khách được lưu ý mang hết vật dụng ra khỏi rừng, đặc biệt là rác thải nhựa. Anh Hoàng nói, có những chuyến đi, họ kết hợp dọn rác do người đi rừng bỏ lại.

Ứng xử tốt với thiên nhiên cũng là tiêu chí ra đời của Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Banarita Glamping Farm (xã Hòa Phú) - sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của Đà Nẵng. Không gian rộng 5ha với cây ăn quả, vườn rau, chuồng nuôi, ao cá kết hợp khu vui chơi, cắm trại… thu hút 2.000 - 3.000 du khách mỗi tháng,  từng là mảnh đất trồng keo giữa núi rừng.

Bệ phóng cho mô hình này là Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Anh Lê Thanh Tuấn, quản lý điểm đến này cho hay, mô hình ở đây ra đời khi nhu cầu tìm về vùng ven để nghỉ ngơi, thư giãn cùng thiên nhiên ngày một lớn. Trên tinh thần tôn trọng thiên nhiên, anh và những người đồng hành giữ nguyên hiện trạng những triền dốc, mảnh vườn nhấp nhô hay con đường ngoằn ngoèo ở nông trại.

Ứng xử tốt với thiên nhiên là “kim chỉ nam” cho du lịch gắn với phát triển bền vững. Nhìn nhận câu chuyện làm du lịch cộng đồng ở Đà Nẵng từ Hòa Bắc, Tiến sĩ Nguyễn Bá Long (Trường Đại học Lâm nghiệp) chia sẻ, cái hay của vùng đất này là phát triển điểm đến đồng bộ với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc địa phương, tránh tình trạng “mỗi người xây mỗi kiểu” sẽ phá vỡ không gian. Về lâu dài, cần có quy hoạch tổng thể từ chính quyền địa phương, nơi nào cần bảo tồn và gìn giữ… để bảo đảm hài hòa các yếu tố tự nhiên và xã hội.

Trong ám ảnh về những quả đồi trọc, người Hòa Bắc dặn nhau: “Nước là động lực của sự phát triển - Muốn có nước thì phải giữ rừng”. Họ hiểu, nếu thiếu nước hay nước ô nhiễm, ai là những người chịu thiệt đầu tiên.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.