Đầu thế kỷ XIX, Hương Cảng (Hồng Kông) nằm dưới sự cai trị của nhà Thanh, với một cộng đồng ngư dân nhỏ sinh sống. Sau thất bại của hai cuộc chiến tranh nha phiến, Trung Quốc buộc phải nhượng lại toàn bộ Hương Cảng cho người Anh. Chủ nhân mới đã nhanh chóng xây dựng thành phố, đầu tư các cơ sở thương mại quốc tế, trường học, ngân hàng…, biến Hương Cảng thành một trong những trung tâm tài chính, thương mại bậc nhất của châu Á và thế giới.
Từ trái qua: Các sứ thần Lê Đỉnh (1847-1920) và Hà Đình Nguyễn Thuật (1842-1912). Ảnh tư liệu |
Trong bài viết nghiên cứu chí hướng hiện đại hóa Việt Nam thời nhà Nguyễn nửa cuối thế kỷ XIX, Giáo sư Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) có đề cập đến mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Hương Cảng. Hai bên khá gần gũi về vị trí địa lý và có sự tương đồng về văn hóa. Hương Cảng còn là xã hội mới nổi, có sự dung hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Dưới sự cai trị của Anh, Hương Cảng có nền thương nghiệp khá phát triển.
Xem Hương Cảng như là “hình mẫu” cho quá trình hiện đại hóa đất nước, vua Tự Đức nhiều lần phái sứ thần đến trao đổi với quan chức nơi đây về thông thương, lập quan hệ ngoại giao; mua và đóng tàu, sửa tàu, tìm kiếm kỹ thuật viên điều khiển tàu; cử học trò đến học tập, phiên dịch sách báo phương Tây,… Tham gia các sứ đoàn ấy, có các nhà ngoại giao người Quảng tài năng, có ý thức khám phá, nghiên cứu Hương Cảng ngõ hầu canh tân đất nước, giữ nền độc lập.
Đó là Lê Đỉnh, tức Lê Đình Đỉnh, sinh năm 1847, quê làng Đông Mỹ (sau đổi thành La Kham), tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông là thân phụ của chí sĩ Lê Đình Dương và bác sĩ Lê Đình Thám. Năm 23 tuổi, ông thi đỗ Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên. Dưới triều Tự Đức, ông làm quan nhiều nơi trải qua nhiều chức vụ: Biện lý Bộ Công, Phó chủ khảo trường thi Nghệ An (khoa Nhâm Ngọ 1882), Tổng đốc Hà An (Hà Nội - Hưng Yên).
Tháng 2 năm Tự Đức thứ 34 (tức tháng 3-1881), Lê Đỉnh được cử làm Chánh sứ cùng các quan viên Hà Văn Trung, Phạm Bỉnh… phụng mệnh lên hai hạm thuyền quan đến thăm Hương Cảng, đem theo 12 học đồng (học sinh nhỏ) giao cho Thạch Thanh Tuyền (Ứng Kỳ) để học Anh văn, Thiên văn và Cơ khí. Trong thời gian ở đây, ông rất quan tâm tìm hiểu về chế độ chính trị, địa vị của Hương Cảng trong mậu dịch quốc tế.
Sách Đại Nam thực lục chính biên - Đệ tứ kỷ cho hay: Về nước, khi được vua Tự Đức triệu kiến và hỏi về tình hình Hương Cảng, Lê Đỉnh đáp rằng: “Người Anh đặt chức quan, tự theo mức độ và kỳ hạn, chức việc lớn nhỏ đều có người chuyên trách, binh lính thì cử người cường tráng, ngày ngày huấn luyện phép trận, phép bắn súng và chia nhau tuần phòng. Mọi công việc đều do quan tự thuê người làm, không để binh lính làm...
Sự giàu mạnh của các nước Thái Tây đều không ngoài việc buôn bán và việc quân lính, lấy sức lực tàu binh để phòng vệ tàu buôn, để như thế trước tiên cần thu thuế tàu buôn để nuôi dưỡng binh thuyền, do đó việc chỉnh đốn thông thương là cấp thiết nhất. Gần đây Nhật Bản đi theo Thái Tây, mở cửa thông thương, Thanh quốc cũng bắt chước đi theo, ở Hương Cảng thì mở ra Cục Chiêu thương chế tạo tàu thuyền vận tải hành khách và hàng hóa, lại thành lập Công ty Triệu Hưng, sang Anh buôn bán, để làm đầu mối khai mở việc thông thương buôn bán, lại cử những thiếu niên tài tuấn sang các nước học tập kỹ nghệ, hoặc mời thầy về nước giảng dạy. Hiện các nghề làm súng, đóng tàu, làm diêm, đá lửa đều lần lượt được xúc tiến, dần trở nên cương thịnh”.
Nói về quan niệm và cảm tình của người Hương Cảng đối với nước ta, Lê Đỉnh bộc bạch: “Có người nói sản vật nước ta rất phong phú, đầy đủ mỏ vàng, bạc, than đá, nhiều người tài giỏi, nếu có thể nỗ lực làm việc, thì đất nước trở nên phú cường sẽ chẳng khó khăn gì. Chỉ có điều văn thư quá phiền phức, làm việc đa phần câu nệ trở ngại mà thôi”.
Tiếc rằng, vì tư tưởng thủ cựu của các quan cận thần và sự thiếu quyết đoán của vua Tự Đức nên những thông tin quý giá mà Lê Đỉnh cung cấp về tình hình Hương Cảng cũng như ý kiến của người Hương Cảng đánh giá về nước ta đã không được triều đình tiếp thu nghiêm túc.
Cùng chí hướng khám phá, tìm hiểu Hương Cảng còn có một người Quảng khác, đó là Nguyễn Thuật. Ông tên thật là Nguyễn Công Nghệ, tự Hiếu Sinh, hiệu Hà Đình. Ông sinh năm Nhâm Dần (1842) tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình), năm Tự Đức thứ 20 (1867) đỗ Cử nhân, năm sau đỗ Phó bảng.
Làm Thượng thư đủ 6 bộ (Lễ, Binh, Lại, Hộ, Công, Hình) trải qua 8 đời vua triều Nguyễn, Nguyễn Thuật từng hai lần đi sứ sang Trung Hoa. Trong đó, lần thứ hai, vào tháng 12 năm Tự Đức thứ 35 (tức tháng 1-1883), Nguyễn Thuật cùng phái đoàn Việt Nam được cử “qua Hương Cảng, Quảng Đông công cán”. Dù thời gian lưu lại Hương Cảng không nhiều nhưng với óc quan sát tinh tế của một nhà ngoại giao, ông đã kịp cảm nhận và ghi lại những thông tin khá thú vị và chân xác về tình hình xã hội Hương Cảng lúc bấy giờ.
Theo Giáo sư Chen Ching Ho trong Vãng Tân nhật ký, Nguyễn Thuật một mặt tán đồng với phương diện kinh doanh của người Anh, song cũng chỉ ra những tệ hại trong xã hội Hương Cảng: “Nhưng thu thuế hơi nặng, vật giá khá cao. Người dân đa phần đều hoang phí quá độ, chuộng theo trào lưu phong nhã; đám người đa phần hẹp hòi, tiệm rượu, quán kỹ nữ đêm tốn hàng trăm lạng vàng. Gần đây nghe nhiều chuyện liên quan đến việc các phú thương khuynh gia bại sản. Trộm cắp nối nhau xuất hiện, giảo hoạt nhiều kỹ pháp, không biết tương lai sẽ sành sỏi đến thế nào. Những kẻ có lòng lo lắng thời cuộc, liệu có thể không cảm thán được sao?”.
Những nhận xét rất thẳng thắn ấy của Nguyễn Thuật đã cho thấy cái nhìn khá sắc sảo, toàn diện của một nhà canh tân: vừa thấy được cái hay, cái tốt của xứ người để học tập, vừa thấy được cái hạn chế, cái dở của họ để mà tránh, chứ hoàn toàn không tô hồng. Thái độ ấy đáng để lớp hậu sinh học tập và noi theo trên bước đường hội nhập quốc tế sâu rộng!
VÂN TRÌNH