Hoa chanh vẫn nở vườn chanh

.

Đời sống phát triển theo quy luật tất yếu của nó. Làng quê bây giờ, người nông dân không chịu bó buộc sau lũy tre làng. Những cô Tấm, những Thạch Sanh đã ly nông, ly hương đi ra thành thị làm công nhân xí nghiệp hoặc ăn học thành tài rồi lập nghiệp, sinh sống, mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, gia đình và quê hương. Không cam chịu cảnh quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, dân quê mình tỏa đi khắp đất nước để làm ăn, thậm chí có giấc mơ còn sải cánh đến những phương trời xa lạ, những miền đất hứa. Có người phố muốn về quê, có người quê thì muốn ra phố. Có những gia đình đã là thế hệ f2, f3 thành người thành phố. Quê chỉ còn là cội nguồn trong giấy khai sinh. Nhưng tất thảy dân quê mình đều mang một vẻ đẹp trong tâm hồn, đó là giữ gìn và phát huy những đức tính quý báu của quê hương, những thuần phong mỹ tục của cha ông như nhà thơ Nguyễn Bính từng viết: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê” (Chân quê).

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tất nhiên không thể khư khư giữ lại tất cả những gì vốn có của quê hương. Trong cuộc sống hội nhập, giao lưu, con người phải biết hòa nhập miễn là không hòa tan. Người quê ra phố phải biết thay đổi, thích nghi cho phù hợp với cuộc sống miễn là biết chắt lọc, lưu giữ hồn cốt của quê hương. Không thể khăng khăng kiểu “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”. Hoàn cảnh, công việc buộc con người phải thay đổi nhưng điều đáng trân quý của người dân làng quê là vẫn giữ được đức tính, bản chất của người quê kể từ trong giọng nói. Còn nhớ lần vào Thành phố Hồ Chí Minh, thăm nhà người anh là láng giềng ở quê, nghe đứa con trai anh đi học về chào cha mẹ, ta chợt rưng rưng xúc động. Giữa quận 7 thành phố sôi động nhất nước, giữa bao tầng lớp người khắp miền quê, giữa đa văn hóa của những tiếng bố, ba, tía; tiếng cha quê mình mang sâu lắng cả hồn quê.

Còn nhớ lần ra Hà Nội, đứa con trai của bạn vẫn nhớ cách xưng hô, vẫn thích thú với tiếng trống trong ngày tế tổ cũng khiến lòng ta xúc động. Có người vào Tây Nguyên lập nghiệp đã mấy chục năm, hồn người đã gắn chặt với vùng đất bazan; có người theo chồng về xứ khác vậy mà giọng quê không đổi, vẫn nặng tiếng mô, tê, răng, rứa. Đi đến nơi đâu, nghe một giọng nói, thấy một đặc sản thậm chí nhìn một biển số xe quê mình, tự nhiên nỗi nhớ quê càng da diết, tình đồng hương càng sâu đậm, càng thêm yêu quê mình. Tình đồng hương rồi mở rộng ra trong tình đồng bào, dân tộc. Phải thế không mà từ tình yêu gia đình, yêu làng quê để trở thành tình yêu Tổ quốc.

Gốc đa đầu làng vẫn như ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho người biết tìm nẻo về quê. Quê vẫn còn in sâu trong hồ sơ lý lịch một đời người. Vậy thì làm sao mỗi người quê mình phải luôn biết gìn giữ, tôn vinh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của quê hương. Bởi nói như cố nhà thơ Y Phương “Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con!”. Tự hào về quê hương phải đồng nghĩa với giữ gìn vẻ đẹp của quê hương và làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ta nhớ người bạn kể đã từng khóc khi nghe bài hát về quê giữa trời mưa tuyết trắng xóa bên trời Âu. Một câu hát thôi mà bao ký ức xao xuyến tìm về: “Nghe tiếng ai quen giữa dòng người xa lạ/ Một cái bắt tay này, anh người mô đó/ Cái giọng quê ta đậm đà sâu nặng/ Tiếng nói quê mình mộc mạc mà thương/ Tiếng của quê hương về trong nỗi nhớ...”  (Giọng Nghệ tìm về - Xuân Hòa).

Quê hương ta dẫu còn nhiều gian khó, nhưng đang từng ngày từng giờ được xây đắp, hun đúc bởi những tấm lòng luôn biết hướng về nguồn cội. Biết giữ gìn bản sắc của quê hương, biết hướng về nguồn cội bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất cũng là phẩm giá tốt đẹp của người quê. Bởi suy cho cùng con người ta “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người” (Quê hương - Đỗ Trung Quân)... 

TRẦN VĂN MƯỜI

;
;
.
.
.
.
.