Một áng thơ về nghề và nghiệp

.

Nhạc cổ điển cho tới hôm nay vẫn còn là lĩnh vực nghệ thuật chưa được thưởng thức phổ biến ở nước ta. Ấy vậy mà từ 20 năm trước, một cô giáo trẻ ở Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đã dám “ôm mộng lớn”: tổ chức các buổi hòa nhạc cộng đồng để phổ biến loại hình âm nhạc này, đem nó tới với tất cả mọi người, nhất là người trẻ, bất chấp những khó khăn tài chính và bao bộn bề lo toan của cuộc sống gia đình.

Cô giáo trẻ ấy, giảng viên piano Nguyễn Thúy Uyển, giờ đã là một phụ nữ trung niên ở độ tuổi ngoài 50, nhưng lòng nhiệt thành, say sưa với giấc mộng lớn năm xưa thì vẫn còn nguyên, thậm chí còn lớn hơn nữa sau khi thấm thía đủ mọi ghềnh thác của nghề và nghiệp mà chị gắn bó gần nửa đời người. Cuốn sách mới ra mắt của chị với tựa đề “Piano, nhạc cổ điển và tôi - Hồi ký về một chương trình hòa nhạc” là “bản tóm tắt” cho một chặng đời đã qua với tất cả thanh xuân của chị dành cho âm nhạc và cho khát vọng “ươm mầm” tình yêu âm nhạc, tình yêu cuộc sống với thế hệ trẻ.

"Càng về sau tôi càng nghiệm ra rằng, kỹ thuật piano chỉ là một phần nhỏ trong hành trình phát triển nghệ thuật âm nhạc của bản thân. Để truyền tải âm nhạc một cách tốt hơn cần rất nhiều yếu tố khác như vốn sống, kiến thức, sự lắng nghe, sự hiểu biết. Có một lúc tôi phát hiện tiếng đàn của mình trở nên mềm mại hơn, lung linh hơn không phải do luyện tập nhiều mà do sự lắng nghe sâu sắc và thấu hiểu điều mình muốn diễn đạt. Kỹ thuật piano chỉ là phương tiện để mình diễn đạt âm nhạc, nếu mình không thực sự hiểu và cảm nhận đủ về cảm xúc muốn thể hiện thì có kỹ thuật cũng chẳng giải quyết được gì”

Nghệ sĩ piano Nguyễn Thúy Uyển

Tình cảm chân thành, trong sáng, niềm đam mê với âm nhạc và một cảm hứng sống, làm việc hết mình với con đường đã chọn là những gì người đọc sẽ nhận thấy xuyên suốt trong cuốn sách này, thông qua những chia sẻ giản dị, trung thực và đầy nhiệt thành của người viết. Có lẽ đây là một trong số ít những cuốn sách nói về nghề và nghiệp của một người trong cuộc thuộc về lĩnh vực đặc thù là âm nhạc cổ điển được xuất bản ở nước ta cho tới nay. Bởi âm nhạc vốn dĩ đã là một nghệ thuật không lời, bởi người nghệ sĩ biểu diễn piano cũng thường muốn đắm mình vào dòng cảm xúc chảy tràn trên những ngón tay hơn là việc phải giãi bày cảm xúc đó trên trang giấy.

Nhưng khi cảm xúc đó đã trở nên sâu đậm tới mức thành đường thành nét riêng trong cảm nhận của người nghệ sĩ, người đọc sẽ bất ngờ, bởi hóa ra âm nhạc không hoàn toàn là một nghệ thuật không lời. Viết tới đây tôi nhớ tới những trang tác giả chia sẻ cảm nhận của chị về hành trình học nghe nhạc, khi chị nhận ra những “bè âm thanh cuộc sống” được tái tạo trong tác phẩm của Bach hay chất hồn nhiên trong các bản nhạc của thần đồng Mozart…

Như tựa sách đã nhấn mạnh ở phần “tít phụ”: “Hồi ký về một chương trình hòa nhạc”, cuốn sách dành một dung lượng đáng kể để nói về hành trình từ lúc bắt đầu cho tới những cột mốc đáng nhớ 15 năm rồi 20 năm của những buổi hòa nhạc cho cộng đồng với các tên gọi được điều chỉnh vài lần theo thời gian, từ Giai điệu cổ điển được yêu thích cho tới Hòa nhạc cho thính giả trẻ.

Khởi đầu từ ước muốn tạo ra sân chơi, đất diễn cho các nghệ sĩ nhạc cổ điển như mình trong bối cảnh cơ hội biểu diễn gần như không có, các chương trình hòa nhạc do chị Thúy Uyển tổ chức đã dần dà trở thành những chương trình thường thức về nhạc cổ điển, mang tính dẫn nhập cho bất cứ ai vốn đã muốn “chạm” vào nó mà từ lâu còn ngại ngùng chỉ dám “ngắm nhìn” từ xa. Và trong số những khán giả kỳ vọng của các chương trình này, chị chờ đợi nhất là những gương mặt trẻ, bởi chị muốn chính những người trẻ chị đang “ươm mầm” tình yêu âm nhạc hôm nay sẽ tiếp tục nối dài tình yêu đó với các thế hệ sau của họ.

Với 20 năm kiên trì đeo đuổi các chương trình hòa nhạc cho thính giả trẻ, không ngạc nhiên khi đây là phần có nhiều kỷ niệm và cảm xúc đáng nhớ của người viết hơn cả. Nhưng như tác giả đã chia sẻ ngay từ đầu rằng chị không gọi đây là cuốn hồi ký của chị, mà là hồi ký về một chương trình hòa nhạc. Bởi trong đó, xoay quanh những lần tổ chức chương trình từ năm 2004 tới nay là câu chuyện về tất cả những thành viên đã đồng hành cùng chị ở mọi khâu: thiết kế áp-phích, lên kịch bản, dẫn chương trình, biểu diễn…, những người mà nếu không có sự giúp sức của họ sẽ không có những dấu mốc kỷ niệm 5 năm hay 10 năm, đừng nói là 20 năm. 

Khi khép lại trang cuối của cuốn sách, tôi đã nghĩ, cuốn sách này không chỉ dành cho những người đang và muốn học nhạc chuyên nghiệp, mà nó thực sự hữu ích với tất cả mọi người. Bởi ngoài lĩnh vực chuyên môn đặc thù của tác giả là một người được đào tạo về piano, hành trình để vươn tới một sự nghiệp có thành tựu như chị sẽ là câu chuyện truyền cảm hứng với bất cứ ai, dù ở ngành nghề nào. Chính chị Thúy Uyển tự nhận mình là một người không thực sự nổi bật thời còn đi học, chị cũng tự thấy mình không thật nhanh nhạy trong nắm bắt các kỹ thuật chơi piano, nhưng bằng lòng kiên trì, nỗ lực vượt qua hạn chế bản thân, chị đã dần khắc phục những nhược điểm để rồi chinh phục thành công các nấc thang cao hơn trong nghề. Ngẫm ra, có lĩnh vực chuyên môn nào trong đời mà không đòi hỏi sự nỗ lực và dày công như thế nếu ta muốn làm được một điều gì đó ở một trình độ điêu luyện và thành thục đỉnh cao của nghề?

Nghệ sĩ piano Nguyễn Thúy Uyển sinh năm 1971 tại Bạc Liêu. Chị tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh năm 1995 và trở thành giảng viên trong biên chế của nhà trường từ năm 1997 đến 2019. Chị lấy bằng cao học biểu diễn piano tại Đại học Monash (Úc). Ngoài giảng dạy piano, chị tham gia biểu diễn và tổ chức nhiều chương trình hòa nhạc cho cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Chị là thành viên sáng lập chương trình Hòa nhạc cho thính giả trẻ, nhóm hòa tấu Saigon Duo, Saigon Trio, Saigon String Orchestra.

D. KIM THOA

;
;
.
.
.
.
.