Thế mạnh vượt trội của nhiếp ảnh là nghệ thuật khoảnh khắc. Một bức ảnh đẹp sẽ chạm vào trái tim, tâm khảm của công chúng, từ đó tạo hiệu ứng xã hội, góp phần quảng bá vẻ đẹp văn hóa, con người, mảnh đất Đà Nẵng đến du khách trong và ngoài nước.
Đà Nẵng có nhiều thắng cảnh đẹp cùng các hoạt động phong phú trong cuộc sống người dân giúp khơi nguồn cảm hứng sáng tác của các nhiếp ảnh gia. Ảnh: ĐẶNG TÚ |
1. Trở về từ lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà, NSNA Nguyễn Xuân Tư (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng) nhận xét, so với ảnh phong cảnh thì ảnh lễ hội văn hóa, có con người hoạt động nên rất sinh động, do đó đòi hỏi người chụp phải bắt được khoảnh khắc và chú ý đến bố cục, ánh sáng, góc chụp. Như sáng nay, khi đi tác nghiệp ngoài biển có gió mạnh, trời tối, việc bay flycam sẽ gặp nhiều bất lợi nên rất khó để bắt được khoảnh khắc đẹp nếu không có kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp ảnh.
Người trong nghề báo thường ví bức ảnh báo chí là "một bức ảnh hơn ngàn con chữ". Nhìn bức ảnh báo chí đúng nghĩa, bạn đọc có thể hiểu được toàn bộ câu chuyện. Trong khi ảnh báo chí mạnh ở thông tin thì ảnh nghệ thuật bắt buộc phải khơi gợi được cảm xúc. Người chụp phải có tư duy và cách nhìn để chuyển tải nội dung thông điệp, đồng thời sáng tạo theo ý tưởng của mình. Do đó, những nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn tìm tòi, khám phá những góc ảnh, những khoảnh khắc đẹp, mới lạ mang tính nghệ thuật nhằm lan tỏa những cái hay, cái đẹp đến với cộng đồng.
Từ một nhà báo chuyên chụp ảnh minh họa cho bài viết, NSNA Nguyễn Xuân Tư chuyển hẳn sáng tác ảnh nghệ thuật, đặc biệt sau này anh tập trung chụp nhiều đề tài về du lịch, phong cảnh, những công trình kiến trúc đẹp và các lễ hội văn hóa như lễ hội cầu ngư, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. “Muốn lan tỏa, quảng bá hình ảnh thành phố thì trước hết bức ảnh phải đẹp và chất lượng. Thời gian qua, thành phố tổ chức nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật từ cấp quận đến thành phố. Đặc biệt, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng có hội đồng nghệ thuật có chuyên môn cao để thẩm định tác phẩm khi chấm giải. Qua đó, sàng lọc và chọn ra những tác phẩm đẹp để lan tỏa. Một bài viết có thể ít người đọc nhưng một bức ảnh đẹp thì nhiều người xem và chia sẻ. Nhờ đó, hình ảnh của thành phố được lan tỏa rộng rãi đến công chúng”, NSNA Nguyễn Xuân Tư cho biết.
2. Có mặt tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên lần thứ 29 diễn ra tại Đà Nẵng, NSNA Phạm Phùng (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng) chia sẻ với chúng tôi rằng, anh có niềm đam mê chụp ảnh phong cảnh và động vật hoang dã, may mắn, đây cũng là lĩnh vực mà thành phố có ưu thế để anh và các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi anh chụp voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà. “Để bắt được khoảnh khắc đẹp về voọc, tôi đã ở suốt cả ngày trên Suối Ôm để canh khoảnh khắc hiếm mà không ai có thể chụp được. Trong chùm ảnh về voọc gửi cuộc thi ảnh đa dạng sinh học năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, ban giám khảo đã chọn bức ảnh một chú voọc chà vá chân nâu nằm thản nhiên trên một thân cây để trao giải nhất bởi bức ảnh cho thấy không gian môi trường sống của loài voọc không bị làm xáo động”, anh Phạm Phùng nhớ lại.
NSNA Phạm Hùng cũng thường xuyên lên Bà Nà để săn ảnh, nhất là vào mùa xuân. Bởi theo anh, đây là thời điểm hoa đào chuông bung nở, thiên nhiên đầy sức sống và có nhiều chim đến hút mật hoa. NSNA Phạm Phùng cho biết, thành phố Đà Nẵng có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và phong phú, đa dạng như sông, núi, biển… để sáng tác ảnh. Nhờ vậy, đến với ảnh nghệ thuật hơn 10 năm nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy bí đề tài. Ngoài việc tham gia các cuộc thi, anh cũng tham gia cộng tác cho một số tờ báo trung ương và địa phương, nhất là tạp chí Heritage, qua đó quảng bá hình ảnh đẹp của thành phố đến bạn đọc trong và ngoài nước.
NSNA Lê Vấn (Hội Nhiếp ảnh tỉnh Quảng Nam), người vừa nhận Giải thưởng Nhà nước với tác phẩm “Ngày trở về” cũng cho rằng, các anh em nghệ sĩ Đà Nẵng có lợi thế khi sống ở thành phố đáng sống, nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, khơi nguồn cảm hứng để sáng tác, cụ thể là trong Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm nay có rất nhiều tác phẩm về Đà Nẵng đoạt giải. Đà Nẵng cũng là địa phương dẫn đầu về số ảnh lọt vào vòng triển lãm và xét giải với 35 tác phẩm của 25 tác giả.
Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển đã hỗ trợ phương tiện kỹ thuật máy móc hiện đại cho người chụp ảnh thuận lợi hơn, đặc biệt là chụp từ trên cao nhờ flycam. Cùng với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, Đà Nẵng không chỉ đẹp về ban ngày mà còn đẹp về ban đêm khi thành phố lên đèn. Đây là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ chụp ảnh thành phố về đêm từ trên cao. Khi những khoảnh khắc đẹp về thành phố Đà Nẵng được các nghệ sĩ nhiếp ảnh bắt trọn sẽ tạo cảm xúc cho người xem và lưu lại ấn tượng đẹp.
Đó có thể là nụ cười thân thiện của người dân bán hàng rong trên phố, hay ánh mắt hiền từ của phật tử trong lễ hội Quán Thế Âm, gương mặt rạng rỡ của du khách trong đêm hội pháo hoa quốc tế, hoặc những gương mặt tinh nghịch của những chú khỉ, voọc chà vá chân nâu trên báo đảo Sơn Trà và hàng trăm bức ảnh đẹp khác về các loài hoa đào chuông, thàn mát, chò, lim xẹt… lung linh trong nắng sớm hay lúc hoàng hôn buông xuống sau đỉnh núi. Những hình ảnh ấy như chạm vào trái tim của du khách gần xa, để họ thầm ao ước được một lần đến Đà Nẵng tận mắt mình chứng kiến và trải nghiệm.
Khi những khoảnh khắc đẹp về thành phố Đà Nẵng được các nghệ sĩ nhiếp ảnh bắt trọn sẽ tạo cảm xúc cho người xem và lưu lại ấn tượng đẹp. Những hình ảnh ấy như chạm vào trái tim của du khách gần xa, để họ thầm ao ước được một lần đến Đà Nẵng tận mắt mình chứng kiến và trải nghiệm. |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG