1. Cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tháng 4-2024) do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật làm chủ biên. Cuốn sách mở đầu bằng bài tổng luận “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”, là những nét phác thảo đầu tiên, cơ bản nhất về cuộc đời và sự nghiệp hơn 80 năm hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài bài tổng luận, nội dung cuốn sách gồm 3 phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim nhân dân và bạn bè quốc tế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, một trong những học trò xuất sắc, cộng sự thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh - dù trái tim lớn đã ngừng đập, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng đã trở nên bất tử. Bằng con mắt tinh tường, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra cốt cách, bản lĩnh, tài năng thiên bẩm ở Võ Nguyên Giáp từ rất sớm và dìu dắt, rèn luyện, nhờ đó Đảng ta, dân tộc ta có được một vị đại tướng văn võ song toàn, đặc biệt xuất chúng như vậy. Vì lẽ đó, các tác giả cuốn sách đã dành phần thứ nhất để làm rõ tình cảm, mối quan hệ giữa hai con người vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
2. "Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” là tác phẩm do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (NXB Trẻ, tái bản 1-2024) biên soạn. Nội dung cuốn sách được tổ chức thành hai phần: tiểu thuyết “Bốn năm sau” kể về công cuộc tái thiết Điện Biên của các chiến sĩ sư đoàn 316, bốn năm sau ngày giải phóng (tác phẩm đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật) và những trang nhật ký của tác giả, cùng thư từ gửi về cho gia đình, bạn bè văn nghệ trong chuyến đi thực tế dài hơn bốn tháng (tháng 8 đến tháng 12-1958) ở Điện Biên. "Điện Biên lẫn lộn giữa hoang vu và bàn tay người, giữa gian khổ và cố gắng, giữa hỗn độn và tổ chức, giữa chiến tranh và xây dựng, giữa cái cổ sơ (trâu bò, lợn rông) và cái khoa học (máy cày, điện), giữa cái đang lùi và cái đang lên, giữa cái nghèo nàn túng thiếu và tương lai đầy triển vọng, tất cả đều ở trong một sự hỗn độn, ngổn ngang, chờ đợi, vươn lên...".
Nguyễn Huy Tưởng là người dẫn đoàn nhà văn đầu tiên lên Điện Biên Phủ (“Tổ Điện Biên”) kể từ sau ngày chiến sự; tham gia vào mọi công việc lao động thường nhật của các chiến sĩ xây dựng mảnh đất Tây Bắc lịch sử này. Tác phẩm được thai nghén chính trong cái khó khăn, vất vả của một đời sống xây dựng chuyên cần, vị lai, không ngưng nghỉ một phút giây nào ấy. Một ấn bản được biên soạn công phu và giàu tâm huyết, như một việc làm ý nghĩa và thiết thân để kỷ niệm sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
MẪU ĐƠN