Tuần qua, một triển lãm diễn ra tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan tại New York, Mỹ (còn được gọi tắt là “MET”) lần đầu tiên chọn chủ đề trưng bày những tác phẩm là minh chứng cho lối vẽ tranh chân dung nhiều mặt (multisided portraits) từng nở rộ vào thế kỷ XV và XVI.
Bức "Chân dung một người đàn ông" của họa sĩ Marco Marziale có một bức tranh phong cảnh mang tính ngụ ngôn ở mặt sau được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Daniel Arnaudet/RMN-Grand Palais/Art Resource, NY |
Tranh chân dung nhiều mặt là loại tranh trong đó bức chân dung được thể hiện trên nhiều mặt hoặc nhiều góc độ khác nhau của cùng bức tranh. Lối vẽ này khá phổ biến trong thời kỳ Phục Hưng và thường được sử dụng để thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của tính cách, ngoại hình hoặc địa vị xã hội của người được vẽ. Kiểu tranh này ẩn chứa trong nó rất nhiều bí mật mà ngay cả tới hôm nay vẫn còn chưa khám phá hết. Chẳng hạn, người ta đã phát hiện thấy “tranh trong tranh” khi có những bức họa được vẽ “chìm” bên dưới bức tranh mà số đông quan sát thấy, hay có những bức chân dung tự họa được giấu kín trong một chân dung khác...
Khám phá mới về tranh nhiều mặt
Tại triển lãm tranh chân dung nhiều mặt thời Phục Hưng có tên “Những khuôn mặt ẩn giấu: Các chân dung bị che phủ của thời Phục Hưng” (Hidden Facecs: Covered Portraits of the Renaissance), nhà tổ chức muốn khám phá một lớp nghĩa khác ít người biết tới. Theo đó, họ mang tới người xem nhiều bức trong số các tranh chân dung nhiều mặt, vốn được che đi dưới một lớp phủ, đặt trong một chiếc hộp, hay thể hiện bằng một định dạng (thiết kế) hai mặt mà khi xoay ngược sang mặt còn lại của bức tranh, người ta sẽ thấy một hình ảnh hoàn toàn khác so với mặt trước.
“Chân dung là hình ảnh chính”, bà Alison Manges Nogueira - nhà giám tuyển của triển lãm - giải thích với tạp chí Smithsonian. “Nhưng đó không phải là hình ảnh đầu tiên được nhìn thấy. Đi trước nó sẽ là một hình ảnh khác, và chúng ta nên suy ngẫm nhiều hơn về ảnh hưởng của hình ảnh kia với bức tranh chân dung trong một tổng thể chung”, bà tiếp.
Trưng bày 60 tác phẩm chân dung nhiều mặt của các họa sĩ như Hans Memling (Đức), Titian (hay Tiziano Vecelli, người Ý) và Lucas Cranach the Elder (Đức), triển lãm nhấn mạnh bản chất tương tác của các bức chân dung bị che đi, những chân dung “thường được giấu đi ở một nơi khác và chỉ lộ ra trong những lần xem đặc biệt”, bà Nogueira nói.
Vì sao phải che đi?
Việc triển lãm cùng lúc cả hai mặt của một bức tranh trong không gian trưng bày truyền thống của một gallery thông thường là điều khó khả thi. “Thường có những bức chân dung được treo lên trong bảo tàng như một tác phẩm một mặt, nhưng thực tế chúng còn có một bức tranh nữa ở mặt sau”, nhà giám tuyển Nogueira cho biết.
Lại có những trường hợp mà bức chân dung và phần tranh đóng vai trò là lớp che phủ bị tách ra vào một thời điểm nào đó trong quá khứ và giờ lại thuộc hai bộ sưu tập khác nhau. Chẳng hạn, ngay trong triển lãm ở MET, đã có cuộc “đoàn tụ” của hai phần này trong bức tranh của họa sĩ người Ý Lorenzo Lotto: Một phần vẽ cảnh tượng ngụ ngôn đang thuộc bộ sưu tập của Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia ở Washington, D.C, và một phần là chân dung một người phụ nữ đang thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Dijon ở Pháp. Chính những bức thư trao đổi thời đó của danh họa Lotto đã giúp hậu thế hiểu thêm về truyền thống vẽ tranh nhiều mặt thời Phục Hưng.
Bên cạnh việc hạn chế tiếp cận với tác phẩm, những bức chân dung nhiều mặt cho phép họa sĩ có điều kiện bình luận về nhân vật của họ khi vẽ thêm những cảnh trí ngụ ngôn phản ánh tính cách của người được vẽ ở phần che phủ vốn có thể gỡ ra, hoặc ở mặt sau của bức tranh.
Việc che đi các bức họa chân dung cũng làm tăng trải nghiệm của người xem khi chiêm ngưỡng chúng, bất kể bức tranh mang tính lãng mạn hay chính trị (mặc dù cũng có những lý do thực tế, chẳng hạn như nhằm để bảo vệ tranh trong lúc vận chuyển vì nhiều bức là quà tặng). Ngoài ra, bà Nogueira cho rằng cách vẽ tranh nhiều mặt cũng đã được khởi nguồn và tuân theo “một truyền thống lâu đời” là che đi hình ảnh thiêng liêng, nhằm “nâng cao tính thần thánh của một vật thể”.
TRẦN ĐẮC LUÂN