Vào đầu thế kỷ XX, Đà Nẵng vẫn còn là một đô thị nhỏ dọc tả ngạn sông Hàn, kinh tế thương nghiệp mới bắt đầu phát triển, cư dân lúc bấy giờ chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp, ngư nghiệp và thủ công nghiệp. Với bờ biển dài khoảng 60km, kéo vòng từ vịnh Nam Chơn qua bán đảo Sơn Trà đến bãi biển Non Nước, Đà Nẵng có nhiều lợi thế về ngư nghiệp với ngư trường rộng, nhiều loại hải sản đặc trưng của biển miền Trung. Người dân tụ cư ở vùng ven biển, một số sinh sống bằng nghề nông, một bộ phận sống bằng nghề đánh bắt hải sản, từ đó đã hình thành các làng chài như Nam Ô, Thanh Khê, An Khê, An Hải, Tân Thái, Phước Trường…
Biển Mân Thái.Ảnh: H.T |
Chuyện xưa làng biển
Cho đến những năm cuối thế kỷ XX, ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều người làm nghề đánh bắt hải sản, tuy nhiên trong quá trình đô thị hóa, phần lớn các làng chài đã biến mất, chỉ còn lại làng chài Nam Ô nằm khá biệt lập ở một góc vịnh Đà Nẵng - gần chân đèo Hải Vân; đặc biệt là làng chài Tân Thái thuộc phường Mân Thái vẫn tồn tại trong lòng thành phố.
Theo một văn bản chữ Hán viết về việc việc lập làng được lưu giữ tại gia tộc của ông Huỳnh Văn Mười (phường Mân Thái), vào năm Canh Thân (1740), 10 vị hương thân trong làng lúc bấy giờ đã trình triều đình cho tách một phần đất của xã Nam An để lập xã Tân An, được chư phái tộc Nam An thuận nhượng. Năm Quý Mão (1903), xã Tân An được đổi tên thành Tân Thái, đến ngày 5-1-1973, sáp nhập Tân Thái và Cổ Mân thành phường Mân Thái. Lại có một văn bản chữ Hán do nhà nghiên cứu Lê Minh Khiêm dịch, liên quan đến làng Tân An cho biết, vào năm Tự Đức thứ 11 (1858), quân Tây dương tấn công vào Đà Nẵng, đốt phá làng mạc ven biển, dân xã Tân An phải di cư đi nơi khác, đến năm Tự Đức thứ 13 (1860) chiến sự tạm yên, dân làng cùng nhau trở về nhưng không còn sản nghiệp, hết đường mưu sinh, may nhờ dân 2 xã An Hải và Phước Trường nhượng một phần đất để cư ngụ, làm ăn.
Lý trưởng và hương thân xã Tân An làm đơn trình quan tỉnh đường xin trước bạ phần đất được xã An Hải và Phước Trường nhượng: “Nhìn thấy chỗ tiếp giáp địa phận hai xã An Hải và Phúc Trường ở trong tổng đất còn rộng rãi, dân xã chúng tôi liền cùng nhau đến bày tỏ tình hình bức bách, khổ sở, xin ít nhiều đất bỏ hoang để ở và canh tác cho qua cơn nguy cấp. Tú tài Đỗ Đăng Khoa, Hương thân Lê Văn Thi của xã An Hải; Lý trưởng Trương Văn Đạt của xã Phước Trường đã phân tích thuyết phục các lý dịch rằng: Khắp thiên hạ không có chỗ nào không phải đất của vua, người còn thì phước sẽ từ đó mà dồi dào lên. Chi bằng bớt chỗ nhiều thêm chỗ ít, giúp nhau giữ gìn bờ cõi, lấy việc thắt chặt tình nghĩa láng giềng mà cùng ưng thuận nhượng”… Qua đó có thể thấy nghĩa tình của dân làng biển thật sâu đậm.
Hiện nay, phường Mân Thái có 4.141 hộ với 19.028 nhân khẩu, người dân địa phương sinh sống bằng nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại và nghề khai thác hải sản ven bờ. Bị chia cắt với bãi biển bởi đường Hoàng Sa, trong khu vực lại có nhiều khách sạn, nhà hàng, nhà cao tầng được xây dựng, song cơ bản nơi đây vẫn giữ được không gian làng chài với khoảng trên 100 ghe thuyền và thúng chai thường xuyên hoạt động trên biển.
Chợ cá bên chân sóng
Đa số ngư dân làng chài Tân Thái đánh bắt cá biển ngang, đây là vùng biển gần bờ nên số lượng và chủng loại hải sản không phong phú bằng những ngư trường xa bờ, đổi lại ngư dân không cần đầu tư trang bị tàu lớn công suất lớn, thời gian đánh bắt trên biển cũng ngắn, chỉ cần dùng thuyền nhỏ, thúng chai, khoảng 5-6 giờ chiều họ lên thuyền ra khơi đánh bắt suốt đêm, đến 3-4 giờ sáng hôm sau thì về bến. Tàu thuyền neo cách bờ chừng 200m, cá được vận chuyển vào bờ bằng thuyền thúng.
Trên bãi biển làng chài thường bắt gặp cảnh 2 tốp ngư dân, mỗi tốp khoảng 4-5 người, cùng nhau kéo 2 sợi dây nối 2 đầu của tấm lưới rất dài, họ cùng nhịp nhàng đi giật lùi kéo tấm lưới nặng trịch từ dưới biển lên, đó là nghề kéo lưới rùng. Nghề này có từ xa xưa, chỉ cần thả lưới theo hình cánh cung cách bờ khoảng 500m sau đó đem 2 đầu dây lưới vào bờ và bắt đầu kéo, thời gian kéo mất khoảng 2-3 tiếng đồng hồ là có thể thu hoạch. Hải sản đánh bắt bằng lưới rùng được tiểu thương thu mua và bán ngay tại bờ biển.
Thỉnh thoảng ta thấy trên biển xuất hiện những chiếc thuyền có gắn 2 cây gỗ dài với tấm lưới chỉa ra ở phía trước, đó là te lưới để xúc ruốc. Ruốc biển thường xuất hiện vào khoảng tháng 10 và kéo dài cho đến tháng Ba, tháng Tư năm sau. Những ngày trúng luồng ruốc, mỗi thuyền có thể thu được 5-7 tạ ruốc, ruốc lên bờ là tiểu thương mua hết ngay. Ruốc có thể chế biến tươi, phơi khô, làm mắm, vậy nên dân vùng biển có nghề làm mắm ruốc và muối xổi ruốc chua. Nghề te ruốc không thường xuyên nhưng mang lại cho ngư dân thu nhập đáng kể.
Nghề buôn bán cá cũng rất vất vả, từ 2 giờ sáng là các bà, các chị phải thức giấc, chuẩn bị quang gánh, chậu thau ra bãi biển chờ thuyền về để thu mua các loại cá, mực, tôm, cua… Người dân họp chợ ngay trên bãi biển Mân Thái không cần quầy, sạp, thuận đâu ngồi đó. Mỗi ngày tiểu thương mua đi bán lại cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Vì mua bán ngay bên bờ biển nên giá hải sản ở đây khá rẻ, cá tôm mới lên bờ còn tươi rói được khách hàng rất ưa chuộng. Có thể nói chợ cá Mân Thái là một trong những chợ cá độc đáo bên chân sóng, vừa là nơi mưu sinh của người dân địa phương, vừa tạo nên cảnh quan đặc trưng thu hút du khách của một làng chài trong lòng phố…
HỒ TỊNH