* Người ta nói Quảng Nam là “quê hương” của một loại vải có tên là xi-ta. Loại vải này được dệt như thế nào và vì sao lại có tên như thế? (Trần Văn Dũng, Thăng Bình, Quảng Nam).
Quảng Nam nổi tiếng nghề ươm tơ dệt lụa với các làng dệt từng đi vào câu thơ của Tường Linh trong bài “Hai miền thương”: “Sáng Duy Xuyên, tơ vàng giăng nghẽn lối/ Chiều Điện Bàn, xe đạp nước thay mưa”. Tuy nhiên, người làm nên loại vải có tên là xi-ta lại là một phụ nữ không phải người của các làng dệt nổi tiếng này.
Nghề dệt vải của Quảng Nam được phục dựng tại làng lụa Hội An. Ảnh: V.T.L |
Tác giả Lê Minh Quốc trong bài “Vài thổ âm, thổ ngữ của người Quảng (3)” đăng trên VnExpress.net cho biết đó là bà Trần Thị Khương (1906 - 1965), thường gọi theo tên chồng là bà Tân, xuất thân trong một gia đình giỏi nghề dệt vải ở làng La Thọ, xã Điện An, thị xã Điện Bàn. Theo chồng về Đà Nẵng được một thời gian, đến năm 1946, bà cùng gia đình về lại La Thọ vì giặc Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, lấy nhà bà làm lô-cốt. Mặt trận mở rộng, lại chạy tiếp vào An Phú, Tam Kỳ, làm nghề bánh tráng.
Khi Đảng và Nhà nước kêu gọi tự cung tự cấp phục vụ kháng chiến cứu quốc, sẵn nghề trong tay, bà khôi phục một số khung cửi tay, dạy cả nhà cùng kéo sợi, dệt vải. Nhờ một số tiểu thương ở chợ Vạn góp vốn, bà đóng thêm một số khung đạp chân, tuyển thêm thợ ở An Phú. Bà nghiên cứu cải tiến bàn quay chỉ, đánh một lúc được 5-6 cặp, sau nâng lên 20-30 cặp, chuyển từ quay tay sang đạp chân để tăng năng suất.
Báo Quảng Nam, trong bài: Vải xi-ta "Made in Tam Kỳ" cho biết thêm, từ vài xưởng dệt thủ công ở làng An Phú, 5 tháng sau hầu như cả khu vực Tam Kỳ nơi nào cũng có cơ sở dệt vải. Từ xóm Đoan Trai, An Hà đến xóm Hàng, chợ Vạn… nhà nhà đều sắm khung cửi, quay sợi dệt vải. Bà Tân vào Quảng Ngãi thuê nhân công và mua bông hạt về cho trồng ở nhiều nơi - từ Tam Phú cho đến Tam Thái ngày nay. Nghề trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, kéo sợi từ đó cũng “ăn theo” phát triển mạnh trong nhiều vùng quê của Tam Kỳ. Nhờ đó, không chỉ nhân dân trong vùng có “của ăn, của để” mà các cơ sở dệt bà Tân còn chủ động được nguồn nguyên liệu, vật liệu cho vải xi-ta.
Hàng đẹp, năng suất tăng, chồng bà lên Trung Phước chào hàng với Công ty Việt Thắng (đang hoạt động kinh tài cho Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng), được công ty chấp nhận bỏ vốn đặt hàng. Công ty yêu cầu bà nhuộm vải màu tro bằng than để may quân phục. Không những thế, để phục vụ kháng chiến, bà và những thợ giỏi đã được Công ty Việt Thắng mời đi truyền nghề cho thợ của các tỉnh phía nam. Loại vải xi-ta Bà Tân ra đời ở Khu 5 từ đó, sợi nhỏ, mặt vải mịn, màu tro đẹp và bền.
Có thể nói những người thợ dệt Quảng Nam có công lớn trong việc chế tạo ra loại vải xi-ta một thời rất nổi tiếng. Trong kháng chiến chống Pháp, loại vải này được chọn may trang phục, làm chăn đắp cho bộ đội. Không những thế, quân dân Quảng Nam còn may bộ quân phục bằng vải này để kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nay vẫn còn trưng bày tại Bảo tàng Quân đội. Gọi là vải xi-ta vì vải dệt ra chắc bền, mặt vải mịn, trơn, phơi mau khô không thua gì chất lượng của loại vải Socièté Industrielle de Trxlile d’Annam do Pháp sản tại Việt Nam (viết tắt là S.I.T.A) mà người dân thường đọc trại thành xi-ta.
ĐNCT