Vun trồng điều nhỏ bé

.

Mong muốn vun trồng hạt mầm kiến thức đến những mảnh đời thiếu may mắn, Đội Công tác xã hội Trường Đại học Bách khoa và Đoàn Trường Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông Việt - Hàn (VKU) thuộc Đại học Đà Nẵng thành lập lớp học tình thương, giúp học sinh khiếm thị tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng và học viên Trung tâm Hướng nghiệp Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng có động lực, niềm tin vẽ ước mơ trên chặng đường học tập tương lai.

10 năm qua, các thành viên đội CTXH miệt mài gieo trồng con chữ đến học sinh khiếm thị tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Ảnh: H.V
10 năm qua, các thành viên đội CTXH miệt mài gieo trồng con chữ đến học sinh khiếm thị tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Ảnh: H.V

Trong dịp kỷ niệm 10 năm dạy học cho học sinh khiếm thị tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, Lê Thị Thùy Trang (sinh viên năm 3, khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa), Trưởng ban dạy học đội Công tác xã hội (CTXH) bày tỏ, suốt 1 thập kỷ, đội xác định việc tình nguyện dạy học là xuyên suốt và lâu dài, giúp các em nắm vững kiến thức trong quá trình học tập. Vì vậy, vượt qua nhiều khó khăn và thử thách, đội đồng hành, chứng kiến sự phát triển không ngừng trong học tập của các em. Ngoài dạy học, đội thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ, tạo khoảnh khắc vui chơi, giúp các em mạnh dạn, tự tin và cảm nhận sự yêu thương nhiều hơn từ mọi người.

“Đội chọn dạy học sinh khiếm thị nội trú bởi đối với các em, quá trình tiếp nhận kiến thức sẽ khó khăn hơn. Đa số thành viên trong đội không quen dạy bằng chữ nổi và chỉ trao đổi thông qua lời nói nên đôi lúc cũng lúng túng, bù lại các em rất chăm chỉ, ham học, chịu khó nên dần dà tiếp thu nhanh, dễ dàng. Kim chỉ nam của đội là mỗi ngày góp nhặt từng kiến thức nhỏ bé, để trong tương lai các em sẽ tích lũy kiến thức lớn hơn. Riêng em học được cách giao tiếp và đón nhận cuộc sống tích cực hơn, đặc biệt là cách tôn trọng sự khác biệt, những điều mà chúng ta khó có được từ những trải nghiệm trong thực tế”, Trang bộc bạch.

Theo Đội trưởng Đội CTXH Lê Văn Lịch, hằng tuần, đội dạy hai buổi vào thứ Hai và thứ Năm, từ 19-21 giờ, mỗi buổi sẽ huy động khoảng 20 sinh viên dạy học. Thông thường, học sinh cấp 1 và cấp 2, đội dạy phương pháp 1 kèm 1, đối với học sinh cấp 3, kiến thức khó hơn thì 2 kèm 1. Mỗi buổi học, đội dạy những bài học trong sách giáo khoa nếu các em chưa hiểu sâu. Hiện nhiều em đã tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 như những bạn cùng lứa tuổi để sớm chạm tay đến ước mơ của riêng mình.

“Hành trình 10 năm qua, những con chữ nổi trên trang sách ngày càng rực sáng và những nụ cười, sự cố gắng của các em là phần thưởng to lớn dành cho tất cả thành viên. Trong tương lai, đội sẽ tiếp tục hành trình dạy học với mong muốn mang lại nhiều giá trị, tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống các em. Đội hy vọng không chỉ dạy học mà còn truyền cảm hứng làm thay đổi tư duy, giúp các em nhận ra rằng mình có thể làm được nhiều hơn nữa”, Lịch chia sẻ.

Cùng niềm mong mỏi giống những thành viên đội CTXH, vừa qua, Đoàn Trường VKU phối hợp Hội Chữ thập đỏ thành phố khai giảng lớp tin học cơ bản cho học viên tại Trung tâm hướng nghiệp từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng nhằm giúp học viên nắm bắt những kỹ năng tin học văn phòng, tìm kiếm và chọn lọc các thông tin trên internet, tìm hiểu về cổng dịch vụ công thành phố và tạo fanpage bán đồ thủ công… Anh Nguyễn Bảo Tích, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường VKU cho biết, VKU là trường chuyên dạy công nghệ thông tin nên đó là thế mạnh để sinh viên có thể hướng dẫn kỹ năng tin học cơ bản cũng như nâng cao cho các học viên tại trung tâm.

Cụ thể, Đoàn trường tổ chức dạy lớp tin học cơ bản 3 buổi trong tuần vào các thứ Hai, Ba và Tư. Riêng máy tính phục vụ buổi học, Đoàn trường sẽ vận chuyển đến trung tâm, ngoài ra, Đoàn trường còn hỗ trợ máy chiếu, các thiết bị mạng, điện… bảo đảm đầy đủ phương tiện máy móc cho lớp học. Hiện tại, lớp có 15 học viên, đa dạng độ tuổi. “Xã hội đang phát triển không ngừng thông qua mạng điện tử, vì vậy, việc trang bị kiến thức tin học cho các học viên là điều cần thiết. Thông qua các buổi học, lớp tin học cơ bản tại trung tâm nhận những phản hồi tích cực từ học viên, các bạn đã mạnh dạn, tự tin trao đổi với sinh viên những kiến thức. Đó là tín hiệu đáng mừng để thời gian đến chúng tôi cũng như các sinh viên tạo ra một không gian lớp học bổ ích, lan tỏa những điều ý nghĩa đến mọi người xung quanh”, anh Tích nói.

HUỲNH VŨ

;
;
.
.
.
.
.