Đi qua những ngày tháng Tư rực đỏ màu cờ và hân hoan niềm vui của kỳ quốc lễ kỷ niệm thống nhất dải đất hình chữ S, từ mùa xuân 1975, tôi tin trong lòng muôn triệu người Việt vẫn còn có một dấu ấn khác cũng khắc cốt ghi tâm, đó là trận chiến thắng được vinh danh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ.
Những ngày này, đông đảo người dân đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: ST |
Thấm đẫm sự tự hào dân tộc
Trong trí nhớ của thế hệ 198X chúng tôi vẫn thuộc lòng bài thơ: “Một chiều hè lịch sử”: “Bố kể chuyện Điện Biên/ Bộ đội mình chiến thắng/ Lũ Tây bị bắt sống/ Ta giải đi từng hàng/ Tướng Đờ Cát xin hàng/ Bốt đồn đều san phẳng/ Cờ quyết chiến quyết thắng/ Tung bay trên nóc hầm/ Chiều mùng bảy tháng năm/ Một chiều hè lịch sử". Bài thơ ngắn gọn, và nhịp nhàng vần điệu nên hầu hết đám học trò chúng tôi được dạy từ những năm cấp 1. Cho đến khi vào cấp 2, chúng tôi bắt đầu học mở rộng qua môn sử để hiểu thêm về công cuộc kéo pháo, biết được sự mưu trí tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đọc thêm những cứ liệu lịch sử về hy sinh mất mát của các chiến sĩ trong trận đánh đó.
Tôi nhớ trong một bài tập làm văn phát biểu cảm nghĩ của mình về chiến thắng Điện Biên Phủ mà cô giáo ra đề kiểm tra 1 tiết vào năm lớp 7, những đứa trẻ sinh ra trong thời bình như chúng tôi trút lên lên giấy trắng học trò là một cảm xúc rất đỗi hồn nhiên từ tâm trí mình. Thời đó, chúng tôi đã ý thức được hai chữ “hòa bình” mà mình được thụ hưởng đó chính là một phần máu thịt của thế hệ cha ông đã đánh đổi.
Thế hệ này đi qua, thế hệ khác tiếp nối, nhưng trận đánh kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp sẽ luôn được lưu truyền bằng các bài học lịch sử, các tác phẩm văn chương và những ngày 7-5 kỷ niệm. Đó không chỉ là niềm tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam mà còn là một sự tri ơn với chính những xương máu đã đổ xuống trên đất nước này cho những thế hệ sau này được sống trong bình yên và thụ hưởng sự phát triển. |
Năm 1994, lúc đó tôi học lớp 7, trường chúng tôi cử một đội tuyển văn đi thi thuyết trình về chiến thắng Điện Biên Phủ toàn thành phố. Chúng tôi miệt mài dựng lại hình ảnh kéo pháo, chèn pháo rồi trận đánh ác liệt của đồi A1 và kết thúc là cấm lá cờ lên nóc hầm chỉ huy của tập đoàn cứ điểm. Chúng tôi năm đó 11 tuổi, với sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn đã gần như dành những buổi tối sau giờ học chính quy để ở lại bên trong thư viện cùng nhau làm kịch bản, tập thoại và dựng vở diễn. Tôi nhớ hôm thi toàn thành, một buổi sáng đầu tháng Năm, thành phố hâm hấp nóng, thế nhưng cả mấy ngàn học sinh tập trung lại để cùng cổ vũ, hò reo và cũng lắng đọng lại trong mỗi giây phút trận đánh được tái diễn. Ký ức đó mãi theo tôi đến tận bây giờ, tròn 30 năm, tôi ngày ấy đã đứng giữa đám đông để kể lại câu chuyện mà như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Thấu hiểu giá trị hòa bình
Thiên anh hùng ca Điện Biên ngày đó kỳ thực vẫn cứ vọng vang mãi theo thời gian, bởi trong trái tim của mỗi người Việt luôn có một Điện Biên Phủ lẫy lừng. Tôi nói điều này bởi hôm rồi trong lễ hội “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” ở thành phố mang tên Bác, một buổi tọa đàm nói về dòng văn học chiến tranh trong lòng bạn đọc trẻ ngày nay đã thu hút rất nhiều người tham dự. Ngoài các sinh viên khoa sử, các học giả, các nhà nghiên cứu hay thầy cô thì buổi sáng hôm đó có rất nhiều bạn trẻ ngang qua hội sách ngẫu nhiên và đứng lại, họ say mê nghe.
Khi NXB Kim Đồng giới thiệu tuyển tập “Những ký ức Điện Biên”, rất nhiều người đã chọn mua cuốn sách. Những người trẻ áng chừng là thế hệ 9X, 2K có mặt hôm ấy đã lật từng trang sách ngay tại hàng cây ven đường, quán cà phê trong lễ hội, thậm chí họ đứng tựa vào một cây xanh và đọc. Điện Biên Phủ và chiến thắng vĩ đại mang tầm vóc lịch sử của nhân loại luôn là một dấu son của lịch sử nước nhà mà tôi tin, bất cứ người nào cũng háo hức để tìm hiểu.
Thế hệ này đi qua, thế hệ khác tiếp nối, nhưng trận đánh bắt sống bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm, buộc tướng Christian de Castries chỉ huy xin hàng và kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp sẽ luôn được lưu truyền bằng các bài học lịch sử, các tác phẩm văn chương và những ngày 7-5 kỷ niệm. Đó không chỉ là niềm tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam mà còn là một sự tri ơn với chính những xương máu đã đổ xuống trên đất nước này cho những thế hệ sau này được sống trong bình yên và thụ hưởng sự phát triển. Bằng cách này, hay cách khác, mỗi người Việt vẫn sẽ luôn nhớ đến trận chiến này, nhớ đến vị đại tướng tài ba Võ Nguyên Giáp và hơn hết là nhớ đến ngày 7-5 hằng năm. Đó sẽ là một sự nhớ cần thiết và mãi mãi bởi tính dân tộc trong người Việt ta lúc nào cũng cao ngút và bất khuất mãnh liệt.
Lớp trẻ ngày nay, dẫu chỉ biết Điện Biên Phủ qua các bài học, hay các thước phim tư liệu nhưng tình yêu đất nước đã khiến cho cảm xúc của họ về trận đánh này luôn dạt dào. Trong tập sách “Những ký ức Điện Biên” mà tôi mua về đọc, lẫn trong các nhà văn gạo cội như Nguyễn Đình Thi, Chu Phác, Vũ Cao, Hồ Phương thì có một tác giả thuộc thế hệ 9X tham gia với tác phẩm “Về dưới bóng thông reo”, đó là Lê Đình Trung, một cây bút trẻ sinh năm 1995. Tác phẩm cảm xúc, thông điệp hậu chiến đẹp, và nêu cao lên giá trị của hạnh phúc sau cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc thông qua câu chuyện về lại chiến trường Điện Biên năm xưa. Đó là một tín hiệu mừng khi người trẻ qua góc nhìn thấm đẫm sự tự hào dân tộc đã thấu hiểu giá trị hòa bình.
Nếu nhắc đến chiến tranh trên đất nước mình, có hai mốc son chói lọi mà bất kỳ một người Việt nào cũng nhớ, đó là chiến dịch Hồ Chí Minh nối liền Bắc Nam trọn vẹn hình hài đất nước và trận chiến 56 ngày đêm đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - “Pháo đài bất khả xâm phạm”, niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Từ buổi chiều lịch sử ngày 7-5-1954 cho đến bây giờ đã là 70 năm, thời gian càng làm dày thêm ba chữ “Điện Biên Phủ” trong tim của người Việt mình.
TỐNG PHƯỚC BẢO