Giếng làng tượng trưng cho sự dồi dào, sung mãn, sức sống của dân làng; là “báu vật”, là “linh hồn” của làng. Bởi vậy, câu chuyện về bảo vệ, gìn giữ giếng làng của người Quảng chưa bao giờ cũ, dẫu bây giờ không còn nhiều người dùng đến nước giếng…
Giếng làng ở thôn Giáo Tây (nay thuộc thôn 4, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) và tấm bia giếng ghi rõ “Khoán giới” bằng chữ Hán. Ảnh: V.T |
Lập khoán giới
Theo quan niệm dân gian, mạch đất chứa nước chính là long mạch, một phần máu thịt của các vị tiên thánh dòng dõi Lạc Long Quân, những người có công lập nước và truyền lại cho đời sau. Vì vậy, tự đào giếng lấy nước mạch để nấu ăn là điều cấm kỵ. Muốn đào giếng phải có bậc cao tăng làm phép cầu khấn và phí tổn cho việc đào giếng là không nhỏ so với mức sống của người dân. Cho nên, người xưa rất coi trọng việc bảo vệ, gìn giữ giếng làng. TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam) cho hay: “Khi đặt các hệ thống giếng vào trong bối cảnh mà chúng tồn tại, chúng tôi phát hiện ra một nét văn hóa của những chủ nhân của các giếng cổ: sự trân trọng với từng hạt nước - hạt ngọc qua từng tầng nấc sử dụng ở giếng mở, hay sự hào phóng với ruộng đồng, nơi làm ra những hạt gạo trân quý ở giếng nửa mở. Ngày xưa con người ứng xử với thiên nhiên đẹp thế đấy”.
Ở đất Quảng xưa, đã từng có “khoán giới”, được xem như “lệ giếng” mà mọi người dân trong làng phải nhất mực tuân thủ. Tại làng Giáo Tây (nay thuộc thôn 4, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) vẫn còn giữ được một giếng nước mặt hình vuông, đáy hình tròn, cạnh đó là tấm bia giếng ghi rõ “Khoán giới” bằng chữ Hán, lập vào ngày tốt tháng Năm năm Ất Mùi, được phiên âm như sau:
… Do tư bổn ấp tài hữu tạo tác tỉnh,… dụng thủy mạch tinh khiết. Phàm hà nhân phụ nữ bất đắc đáo thử tỉnh mộc dục, tẩy ô. Hà nhân bất vi khoán giới tróc phạt vạ trư nhất khẩu, giá tiền nhất quan nhất mạch,… si thập ngũ…
Dịch nghĩa:
… Nay bổn ấp mới tạo dựng giếng nước,… có mạch nước thanh khiết. Phàm phụ nữ nào cũng không được đến giếng này tắm rửa, ô uế. Người nào làm trái lời khoán này sẽ bị bắt phạt vạ một con heo, giá tiền một quan một mạch, đánh thêm 15 roi…
Mặc dù luật tục này quá khắt khe với phụ nữ nhưng cũng cho thấy rằng nguồn nước quả có tầm quan trọng đặc biệt đối với người xưa. Thời nay, giếng làng ít được sử dụng, song bài học về bảo vệ nguồn nước vẫn tươi nguyên giá trị và có tính thời đại sâu sắc.
Bảo vệ quy định về giếng làng
Phan Khôi (1887-1959) là học giả, nhà văn nổi tiếng, quê làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là người sớm có tư tưởng Duy Tân, từng là tác giả Vè cúp tóc (viết năm 1906) để cổ động cho phong trào cắt tóc ngắn hồi đầu thế kỷ XX: “Tay trái cầm lược, tay phải cầm kéo. Cúp hè! cúp hè!...”. Nổi tiếng trên “trường văn trận bút” trong Nam, ngoài Bắc; đấu tranh không khoan nhượng với các tập tục hủ lậu ở nông thôn thời xưa là thế, song Phan Khôi lại là người tích cực ủng hộ việc bảo vệ các quy định về giếng làng.
Trong cuốn Nhớ cha tôi Phan Khôi (NXB Đà Nẵng, 2017), tác giả Phan Thị Mỹ Khanh, con gái nhà văn Phan Khôi, kể lại rằng: Cậu ruột của bà Khanh có một người con trai tên S., năm ấy (1937) khoảng ngoài hai mươi tuổi, cao lớn, khỏe mạnh, đẹp trai nhưng tính ngang tàng, bướng tỉnh. Mẹ mất sớm, anh ta không muốn ở nhà cùng mẹ kế nên bỏ học, đi học nghề may. Sau đó, vào Sài Gòn đăng ký đi lính thủy. Trong một dịp nghỉ phép, từ Hà Tân (nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc), S. xuống nhà bà Khanh chơi trong sắc phục lính thủy thật oai.
Dạo ấy Phan Khôi đang ở quê nhà. Biết tính ông nghiêm khắc, anh lính này cũng kiêng nể, không dám ngông nghênh. Khi thấy bà Khanh ra giếng xóm gánh nước, S. theo ra chơi, giành lấy chiếc gàu múc nước, nói: “Chị cho tôi múc thử!”. Trong lúc giành chiếc gàu, không may làm rơi chiếc lắc bằng vàng tây dưới nước. Tức thì, không hỏi ai, anh ta cởi áo may-ô, chỉ mặc chiếc quần đùi, nhảy ào xuống giếng, quơ một hồi, lấy được chiếc lắc.
S. vừa mới lên khỏi giếng, người còn ướt sũng, bất ngờ có ông Tú Võ vừa đi đến, nhìn thấy, quát hỏi: “Mi là đứa nào, ở đâu tới đây, sao lại được xuống giếng xóm, làm ô uế giếng hử?”. Thấy ông Tú râu tóc bạc phơ, S. cũng lễ phép thưa: “Dạ, tôi là cháu ông Tú Khôi, ra đây chơi, lỡ rớt cái lắc vàng, xuống giếng, tôi xuống kiếm”. Ông Tú quát: “Cháu ông Tú chớ cháu ông Trời cũng không được làm ngang rứa! Tau đi báo Trưởng xóm chừ đây”. Tính ương bướng nổi lên, S. nói to: “Gì mà ông làm dữ vậy. Tôi xuống lấy rồi lên liền chứ có quậy phá gì đâu”. Anh ta vừa đi vừa nói đến cổng nhà bà Khanh. Ông Tú đi theo, quát nạt thêm mấy câu nữa, thành ra một cuộc cãi vã ồn ào, thêm đàn bà, trẻ con quanh giếng cùng đi theo, náo loạn cả xóm.
Phan Khôi đang đọc sách trong nhà, nghe được, liền bảo con trai ra xem thử. S. được lôi vào nhà ngang. Phan Khôi ở nhà trên gọi: “S. đâu, lên đây tau biểu”. Ông giảng giải: “Bác Tú Võ nói đúng. Giếng nước dùng chung cho cả xóm, có quy ước rõ ràng. Mi tự động xuống giếng, không xin phép ai là có lỗi rồi, lại sừng sộ với người cao tuổi là vô phép. Đáng lẽ mi phải xin lỗi bác Tú”. S. làm thinh không dám nói gì với Phan Khôi mà xuống nhà nói với anh em bà Khanh: “Sợ dượng Tú (tức Phan Khôi) quá, bữa sau không dám xuống nữa”.
Câu chuyện cụ Phan Khôi bảo vệ quy định về gìn giữ giếng làng cho thấy: Hành động nêu gương của người có uy tín trong xã hội luôn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện hương ước hoặc quy định của cộng đồng. Điều này không chỉ đúng cho thời xưa mà còn cho ngày nay!
VÂN TRÌNH