Chim trời

.

Có một cô giáo dạy Văn, nhà ở quận Ngũ Hành Sơn, sau khi nghỉ hưu về vui với công việc gia đình. Con cháu ở xa, chỉ có hai vợ chồng chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa, hằng ngày vào ra vui với cảnh nhàn. Thế rồi một hôm, mưa to, nhìn mấy con chim co ro trên cành, chị vào lấy nắm gạo đem ra cho chim. Và từ đó, từng bữa, mưa hay nắng chị đều cho chim ăn, khi thì gạo, khi thì cơm nguội… đều đặn từng ngày. Riết thành quen, “tiếng lành đồn xa” chim mỗi ngày thêm đông.

Thấy chị làm việc hay, bạn bè góp vào. Người vài trăm ngàn, thức ăn cho chim không còn cơm nguội mà là gạo, bắp, lúa… Mỗi sáng nhìn hàng trăm sẻ, bồ câu bình yên và mãn nguyện quanh tròn tíu tít trong sân mà chị vui. Chẳng khi nào chị kể, hàng xóm ban đầu cũng có chút tò mò nhưng sau quen ai cũng cảm thấy vui với công việc của chị.

Tôi không biết ở thành phố này có mấy người có việc làm nho nhỏ nhưng đầy trắc ẩn như chị, nhưng những người bán chim, ăn thịt chim, buồn thay lại không ít. Cứ mỗi mùa mưa, trên những con đường về quê thấy hàng chục lồng chim đủ loại được bày bán, nhiều chùm chim treo ngược trên xe. Nghe đâu họ dùng rất nhiều cách như quây lưới ngoài đồng, bẫy nhựa, dùng súng... để tận diệt chim trời. Trên những cánh đồng ngập lụt, họ khâu mắt những con cò lại để làm mồi dụ, hay họ cột chân những chú sẻ thành chùm để sập lưới sẻ trời. Chỉ nghe thôi cũng ray rứt trong lòng.

Rồi đây đó trên những con đường xuất hiện những hàng quán chim đồng trưng gọi công khai thực khách và hình như có phần hãnh diện đặc sản. Ai ăn? Nhiều lắm, một đĩa lưỡi chim sẻ, chim mía vài ba trăm ngàn, còn những gà nước, cu cườm… thì tùy theo mức độ mà có giá khác nhau. Từng ngày họ rủ nhau đến quán, nghe đâu mồi chim đồng được khen là đượm, là ngon nhất.

Có một nơi “tiêu thụ” chim trời cũng khá nhiều là những ngôi chùa, trước sân chùa có nhiều người bày bán đủ loại chim trời nhốt trong lồng. Từ một ý nguyện cao cả và đầy từ hạnh là cứu cảnh tù hãm cho những chú chim chẳng may lâm cảnh cá chậu chim lồng, nhưng việc phóng sinh biến chứng thành ác mộng cho chim trời. Tôi nghe một vị xuất gia khuyến cáo: Mong thiện nam tín nữ đừng tổ chức việc phóng sinh nữa. Không thể chấp nhận cảnh mở lồng thả chim nhưng ngay sau lại có người chực sẵn để bắt chim, và chẳng có lòng từ bi nào khi làm phước lại đi đặt trước những nơi bắt hàng trăm con chim để sau đó phóng sinh!

Có người nói, người mình cái gì cũng ăn, cũng uống được. Trong nhà có hũ rượu rắn hổ mang càng to càng chứng tỏ tầm cỡ chủ nhân, rồi những bìm bịp, tắc kè, ong chúa, ong thợ… thi nhau vào hũ. Họ uống rượu, uống luôn cả tiếng chim hót, cả lòng trắc ẩn. Ngày trước với quân thù “Xiềng xích chúng bay không khóa được/ Trời đầy chim và đất đầy hoa/ Súng đạn chúng bay không bắn được/ Lòng dân ta yêu nước thương nhà” (Đất nước, Nguyễn Đình Thi), nhưng thời bình chính ý thức chúng ta lại đang làm mất đi những bầu trời đầy chim ấy.

Ứng xử với chim muông, thú rừng là biểu hiện hàng đầu của một xã hội văn minh. Bảo vệ môi trường được xem là bảo vệ đạo đức, bởi môi trường là chính cuộc sống, là ý nghĩa nhân văn. Phát triển nhanh có thể không khó bằng phát triển bền vững, mà để bền vững thì phải bắt đầu từ việc thương yêu cây cỏ chim muông. Vui khi thấy ngày nay những chú chó mèo nuôi trong gia đình có giá hàng triệu hay hàng chục triệu đồng một con, được chăm sóc chu đáo, có bác sĩ, bệnh viện riêng, được đi spa, có khách sạn cho thú cưng… nhưng cũng không vui khi có nhiều người ứng xử không phải với tự nhiên, họ đang tận diệt thú rừng, chim muông. Còn gì buồn và kinh khủng hơn khi bầu trời này thiếu tiếng chim?

Bạn có khi nào nghe được tiếng chiền chiện hót lưng trời? Bạn có khi nào giữa trưa lắng lòng theo tiếng chim gù? Được nhìn và nghe trong tự nhiên tiếng chim hót là một hạnh phúc. Chuyện lớn vĩ mô quản lý môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, giữ gìn tiếng chim… cần lắm sự phê phán và ngăn chặn kịp thời của các cơ quan chức năng, riêng tôi, việc không ăn chim trời, không tẩm bổ bằng rượu rắn, rượu ngâm bìm bịp, ong rừng... phải là mệnh lệnh từ trái tim mỗi người. Cuộc sống này cần lắm những tấm lòng. Hãy quý những việc làm đơn giản nhưng đầy trắc ẩn như cô giáo dạy Văn về hưu kia.

NHÃ ĐAN

;
;
.
.
.
.
.