Vào đêm 27-4-1916, các lãnh tụ của Việt Nam Quang phục hội đã tổ chức một cuộc họp quan trọng tại nhà Thái Phiên ở làng Nghi An. Đây được xem là phiên họp “trù bị” và cũng là cuộc họp cuối cùng của cuộc khởi nghĩa sẽ diễn ra một tuần sau đó.
Tượng Thái Phiên tại Trường THPT Phái Phiên (ảnh trái) và nhà thờ ông tại khối phố Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
Ngôi làng của thời mở cõi
Làng Nghi An (nay là khu phố Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) là một trong những ngôi làng cổ và nổi tiếng xứ Quảng. Làng nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, phía sườn đông của dãy núi Phước Tường. Theo truyền khẩu, làng được thành lập bởi hai vị tiền hiền là Nguyễn Văn Thắng và Trương Văn Dương, vốn là những chiến binh trong đạo quân Nam chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471. Sau chiến thắng, các vị được bố trí ở lại để khai thác vùng đất mới thuộc đạo Thừa tuyên Quảng Nam.
Sách Lịch sử đấu tranh cách mạng của xã Hòa Phát (NXB Đà Nẵng, 2006) cho biết: “Theo một số tộc phả của các tộc họ, các tiên dân của Đại Việt từ đồng bằng Thanh - Nghệ đã di cư vào đây rất sớm. Một vị quan lãnh binh có công phò vua Lê Thánh Tông mở cõi phương Nam đã định cư khai khẩn đất đai lập làng Phước Tường. Các vị quan khác theo phò Lê Thánh Tông cũng theo chân vị lãnh binh đến khai canh lập ấp ở các làng Đông Phước và Nghi An. Lúc đầu làng có tên là Tân An, đến cuối đời Gia Long đầu đời Minh Mạng, Tân An được chia thành hai làng Đông Phước và Nghi An…”. Tuy nhiên, tra vào sách cổ Ô châu cận lục của Dương Văn An (viết năm 1553) ta không thấy tên Tân An trong số 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong.
Phải đến Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (viết năm 1776) ta mới tìm thấy địa danh Tân An là một trong số 24 xã của tổng Hà Khúc huyện Hòa Vang. Theo Địa bạ Gia Long (soạn trong khoảng 1812-1818), Tân An là một trong 26 làng của tổng Phước Tường Thượng (Nguyễn Đình Đầu, Tìm hiểu Địa bạ triều Nguyễn, Dinh Quảng Nam, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Tra chiếu sách Đồng Khánh địa dư chí (soạn trong khoảng 1887-1890) và Tạp chí B.A.V.H (thời Khải Định, năm 1919), làng Nghi An không có gì thay đổi so với Địa bạ Gia Long (chỉ có tổng Phước Tường Thượng đổi thành Phước Tường).
Suốt thời Việt Minh (1945-1954) và Việt Nam Cộng hòa (1954-1975) Nghi An phần lớn thuộc xã Hòa Phát, huyện/quận Hòa Vang. Từ tháng 8 năm 2005, khi thành lập quận Cẩm Lệ, Nghi An là khối phố thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Nghi An đã trải qua 550 năm lịch sử và là ngôi làng đánh dấu thời bình Chiêm, mở cõi hào hùng của dân tộc ta.
Cuộc họp cuối cùng trước ngày khởi nghĩa
Sau đêm “tụ nghĩa” trên sông Yên vào đêm 21-4-1916, các lãnh tụ của Việt Nam Quang phục hội đã triệu tập một cuộc họp quan trọng hơn vào ngày 27-4. Theo báo cáo của Khâm sứ Trung Kỳ Le Marchand de Trigon gửi Toàn quyền Đông Dương ngày 10-7-1916 (*), cuộc họp diễn ra tại làng Miếu Bông (nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) vào tối ngày 27-4. Phan Thành Tài lại cho rằng họp ở nhà tú tài Đỗ Tự ở làng Miếu Bông từ sáng đến chiều ngày 27-4 và tiếp tục họp suốt đêm tại nhà Thái Phiên ở làng Nghi An. Đây được xem là cuộc họp cuối cùng trước khi tổng khởi nghĩa với những nội dung chính:
Thứ nhất, công bố chiếu chỉ của vua Duy Tân gửi quan lại ba miền kêu gọi mở cuộc chiến đấu tổng khởi nghĩa lấy tên là “Nghĩa” vào đêm 2 rạng sáng ngày 3 tháng Tư năm Bính Thìn tức đêm 3 rạng ngày 4-5-1916. Bản chiếu chỉ này đã được Thái Phiên và Trần Cao Vân mang về Đà Nẵng hôm 18-4, với câu mở đầu: “Thuận theo ý Trời, Trẫm ban bố chiếu chỉ phục hưng đất nước!”.
Thứ hai, bổ nhiệm 4 nhân vật cao cấp nhất của cuộc khởi nghĩa: Trần Cao Vân, Cố vấn tối cao, người bảo vệ nhà vua, phụ trách về quân sự; Thái Phiên, phụ tá cố vấn tối cao phụ trách kinh tế tài chính; Lâm Nhĩ, thống chế; Nguyễn Siêu, Tổng quản Kinh đô và Hoàng cung. Chiếu chỉ bổ nhiệm được gửi trực tiếp đến cho từng người.
Thứ ba, nêu những phương hướng cơ bản về tổ chức một Nhà nước mới gồm ba Hội đồng: Hội đồng Quân sự, Hội đồng Tài chính và Hội đồng Hành chánh.
Thứ tư, bổ nhiệm một số chức sắc: Phan Thành Tài, phó vương, phụ trách Quảng Nam và Quảng Ngãi; Lê Dương: Tổng đốc Quảng Nam; Cử nhân Nguyễn Suyền: Phó vương phụ trách hai tỉnh Bình Định, Phú Yên; Tú Hiệp: Phó vương, phụ trách hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận; Võ Hàng, Phó vương, phụ trách hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Thứ năm, duyệt lại lần cuối và thông qua bản Tuyên ngôn khởi nghĩa (còn gọi là Hịch khởi nghĩa) gửi Quốc dân đồng bào toàn quốc do Thái Phiên và Mai Dị lo việc soạn thảo. Thái Phiên đã nhờ tú tài Võ Hàng chấp bút, có sự góp ý của Lê Ngung, Nguyễn Thụy sau đó được cử nhân Mai Dị tu chỉnh, nhuận sắc thêm. Bản tuyên ngôn này sẽ được công bố rộng rãi khi cuộc khởi nghĩa nổ ra. Toàn văn bản tuyên ngôn dài 1.240 từ là một “bản văn hùng hồn, cảm động” hiện còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence (Hồ sơ 71, 72) và được đăng lại trong tác phẩm quan trọng của Nguyễn Trương Đàn Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới (NXB Đà Nẵng, 2017) trang 198-200).
Sau cuộc họp, hai lãnh tụ Thái Phiên và Trần Cao Vân vội vàng lên tàu ra Huế. Các đại biểu về lại vị trí được phân công để chuẩn bị thực hiện một… đại sự! Rất tiếc, đại sự đã… không thành!
LÊ THÍ
---------------------
(*) Tài liệu số 273, Hồ sơ 4199 hiện còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hải ngoại (Archives Nationales d'Outre-Mer, viết tắt ANOM) của Pháp tại tỉnh Aix-en-Provence - dẫn lại Nguyễn Trương Đàn trong Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới, NXB Đà Nẵng, 2017.