Ôi kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường ...
(Chế Lan Viên)
Trong thơ ca hiện đại Việt Nam, Chế Lan Viên là nhà thơ có nhiều câu thơ, bài thơ hay về đề tài Điện Biên Phủ. Trong bài "Nghĩ về thơ", Chế Lan Viên viết: "Phải đặt kẻ trồng hoa sau người trồng lúa/ Đặt tất cả" những bài thơ thiên tài về Điện Biên sau “những Điện Biên". Đúng vậy. Nếu không có Điện Biên Phủ sẽ không có những bài thơ hay, những bản nhạc hay viết về Điện Biên. Song, cũng chính qua thơ, chiến thắng đó lại càng chói lòa hơn, sáng rỡ hơn và vinh quang hơn. Và, cũng từ chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (Tố Hữu), nhân loại càng hiểu và yêu hơn Việt Nam.
Điện Biên Phủ luôn là đề tài và nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác văn học. Ảnh tư liệu |
Chế Lan Viên nói về, nghĩ đến Điện Biên Phủ hơn là mô tả những nỗi gian lao, vất vả của chiến dịch. Từ chiến thắng Điện Biên, nhà thơ khắc họa thế đứng, tầm nhìn của dân tộc, chân lý của thời đại, nhất là, so sánh các tương quan sự kiện lịch sử của dân tộc, từ đó, nâng tầm dấu son này của chiến thắng. Chỗ này, Chế Lan Viên khác với các nhà thơ cùng thời viết về đề tài Điện Biên Phủ.
Có thể nói, bảy mươi năm qua (1954-2024), Điện Biên Phủ đã và luôn trở thành địa chỉ, một nguồn cảm hứng lớn cho thơ ca nói riêng và nhiều loại hình nghệ thuật khác nói chung, trong đó, có thơ Chế Lan Viên.
*
Chế Lan Viên là nhà thơ gắn bó sâu nặng với chủ đề này. Ông viết về Điện Biên Phủ dưới nhiều góc nhìn. Mỗi góc nhìn đưa lại một một phát hiện độc đáo và lý thú. Chúng ta biết, Bế Văn Đàn hy sinh ngày 23-11-1953 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình ảnh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trở thành một trong những biểu tượng anh hùng trong chiến tranh giữ nước của nhân dân và quân đội Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Đó là một tấm gương chiến đấu dũng cảm. Sự hy sinh của Bế Văn Đàn tạo nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ làm thơ, viết nhạc.
Với nhân vật lịch sử này, Chế Lan Viên có bài thơ "Nhớ Bế Văn Đàn", đi về một khía cạnh chính luận khác, sắc sảo nhưng trữ tình, ông viết: "Ngã xuống ở Mường Pồn anh đâu biết có mùa cam/ Anh chỉ thấy dây thép gai đồn giặc/ Tôi yêu những người chửa hình dung ra hạnh phúc/ Lúc đồng đội cần, dẫu chết chẳng từ nan".
Bài thơ nằm trong tập Ánh sáng và Phù sa (1955-1960). Vẫn là cách viết Chế Lan Viên, nghĩ về cái giá của hạnh phúc, rộng hơn, độc lập tự do cho dân tộc, "chẳng từ nan", "lúc đồng đội cần". Không có những con người như vậy, lịch sử không sang trang mới. Bế Văn Đàn đâu biết, nơi anh nằm xuống, quả ngọt của những mùa cam ra đời. Chọn phương thức đối lập, Chế Lan Viên khắc họa được nội dung tư tưởng của bài thơ.
Cũng nhắc lại những tuổi tên như Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, song Chế Lan Viên có những suy tư riêng, những bài học riêng về mỗi cuộc đời.
Đây là cách định nghĩa về tình yêu đất nước theo kiểu Chế Lan Viên: "Mỗi câu thơ che một trận tuyến tâm tình/ Một Phan Đình Giót, một Bế Văn Đàn “lấp những lỗ châu mai tàn phá”/ Khi đã có hướng rồi, đừng sợ đời hết lửa/ Khi đã có gió rồi, cuộc sống tự nhiên lên" (Khi đã có hướng rồi). Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai từ buổi ấy: "Nay còn che bao hỏa điểm trong hồn tôi/ Che những đàn em sau mang mặt trời tiến tới" (Cho cả những ai trong đạn lửa muốn lùi!), "Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng/ Súng thơ tôi, tôi kê lên xác đời anh/ Tôi đâu dám tủi buồn quên nhiệm vụ/ Mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình" (Nhật ký một người chữa bệnh).
Sau 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cuối năm 1963 đầu năm 1964, Chế Lan Viên có dịp thăm lại chiến trường xưa và có bài thơ "Trước hầm Đờ Cát". Bài thơ ngắn, chỉ 4 khổ, 21 câu, nghĩ về Điện Biên, khi đứng trước hầm của De Castries (1902-1991), sĩ quan chỉ huy người Pháp, một bại tướng. Bài thơ có điểm hay là, với những dòng thơ nói về đạn lửa chiến tranh, về căn hầm Đờ Cát sắt rỉ nát, nơi trước đây, dưới tầm đạn tiểu liên, có pháo sáng trên đầu, thế nhưng, cung bậc chủ đạo lại là tình cảm: "Có gì đâu hỡi em?/ Dù buổi ấy chưa quen/ Ta đã từng chiến đấu/ Trên mỗi chiến trường riêng / Ta đã từng đổ máu/ Cho đất này Điện Biên". Cái đích cuối cùng của bài thơ là tình yêu đôi lứa.
Một bài khác, nặng nghĩa tình đất nước, gắn bó với Điện Biên, đó là "Thóc mới Điện Biên" (1963). Bài thơ là sự bộc lộ ân nghĩa, nói về những ngôi mộ. Chung quanh bao ngôi mộ ấy, về với đời thường, cuộc đời người lính hy sinh cho Điện Biên, lại sống trong lòng dân: “Nghĩa trang/ Chói chang/ Sắc vàng/ Một mùi hương vời vợi/ Đang bay đầy nghĩa trang/ Nhà dân chật/ Dân lên đây phơi thóc/ Thóc của dân/ Che kín mộ anh hùng". Sự sống và cái chết đan cài vào nhau: "Các anh đi đánh giặc/ Bảo vệ mùa/ Về sống ở trong dân.../ Tô Vĩnh Diện, Trần Can/ Mộ anh Giót, anh Đàn/ Năm trăm mộ anh hùng ngời chói thóc".
Cả năm trăm ngôi mộ chói ngời sắc vàng của thóc và dưới xa kia pháo thù gục mặt. Cái bình dị và anh hùng, cái hạnh phúc và sự hy sinh, dễ thường qua năm tháng mới nhận ra. Mấy dòng thơ cuối làm tăng thêm ý nghĩa đó: "Nghĩa trang.../ ...Thời gian.../ Hát thóc/ Nên vàng/ Như tình của nhân dân ủ ấp/ Cầm hạt thóc trên tay/ Nặng máu người đã khuất/ ... Lại nghĩ về phương Nam".
Cần chú ý rằng, trong đoạn thơ, tác giả có ý thức trong việc tạo ra các dấu chấm lửng (...). Qua các dòng thơ, ta nhận ra khoảng cách thời gian, ý nghĩa sự sống, về đạo lý ở đời và cái giá đang trả nơi chiến trường miền Nam.
Những địa danh và những con người gắn với chiến dịch Điện Biên, theo Chế Lan Viên, bao giờ cũng mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện suy nghĩ sâu xa về thế đứng của dân tộc, xu thế của thời đại, về lòng biết ơn của các thế hệ: "Qua Điện Biên, Ấp Bắc đừng quên" (Cách mạng, chương đầu).
Chế Lan Viên là nhà thơ có ý thức chọn những chiến công hiển hách trong lịch sử giữ nước của dân tộc như Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa, Rạch Gầm để so sánh và làm nổi bật chiến thắng Điện Biên, nhất là ở những bài thơ dài, đậm chất chính luận như: Cách mạng, chương đầu, Đường sáng tuyệt vời, Nghĩ suy 68, Thời sự hè 72, bình luận, Ngày vĩ đại...
*
Chế Lan Viên có nhiều bài thơ, câu thơ hay viết về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn sáng tạo lớn cho thơ ca, một địa chỉ tìm về của dân tộc, của bao thế hệ, trong đó, có Chế Lan Viên, như nhà thơ từng viết: "Mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình...".
HUỲNH VĂN HOA