Giữ hội, giữ làng

.

Trong cơn lốc đô thị hóa, vẫn còn đó những người cố neo giữ nếp làng, gìn giữ mảnh hồn làng trong câu hò vè, trong lễ hội, trong nghề truyền thống… Trầm tích văn hóa được bồi đắp qua nghìn năm lịch sử đều nhờ bao thế hệ quyết tâm bám trụ làng, “truyền giọng điệu mình cho con tập nói”, “đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái”…

Lễ hội Cầu Ngư được tiến hành nghiêm trang theo trình tự. Ảnh: V.L
Lễ hội Cầu Ngư được tiến hành nghiêm trang theo trình tự. Ảnh: V.L

Nhớ ơn biển cả

“… Nhớ non, nhớ biển đậm đà Nam Ô
Ghe thuyền mành mỡ ra vô đẹp trời
Quê ta Hòa Hiệp người ơi
Quảng Nam - Đà Nẵng một thời vang danh…”

Một sáng cuối tháng Ba khi xuân vẫn còn xôn xao, từ xa, tôi đã nghe tiếng hò vè ngân nga vọng lại từ Lăng Ông Ngư Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Làng chài có tuổi đời hơn 700 năm hiện lên yên bình với khung cảnh người làng ngồi quây quanh ông Lê Phô, đắm chìm trong câu hát giữa rì rào sóng vỗ. Sáu giờ sáng, trái ngược với hình dung của chúng tôi về cảnh tất bật lo toan, chỉ có sự thong dong “trà dư tửu hậu” khi những mâm lễ đã được bày biện tươm tất và ban nghi lễ, tư lễ đã sẵn sàng với áo mũ chỉnh tề. Để có được những phút giây tâm tình nô nức, hẳn những người con của vùng biển này đã phải đôn đáo từ tờ mờ sáng. Những nụ cười đôn hậu, phóng khoáng cứ như những “đóa xuân ngời” rạng rỡ trong nắng sớm mai.

Theo hàng chữ lưu ký nơi đòn tay ở chánh điện, Lăng Ông Ngư Nam Ô được xây dựng từ thời vua Gia Long yên định cơ đồ (1802). Ban đầu, lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trát vôi vữa, mái lợp lá kè. Năm Tự Đức thứ tư (1851), lăng được tôn tạo quy mô hơn. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương và người dân làng biển Nam Ô gìn giữ đến bây giờ.

Lăng Ông Ngư Nam Ô - di tích lịch sử cấp thành phố - lưu giữ nhiều dấu tích từ xa xưa phản ánh tín ngưỡng của ngư dân làng biển này, như: bài vị cổ ghi danh hiệu “Nam Hải cư tộc ngọc lân chi thần” được thờ ở hậu tẩm, biển sắc “Long ngự chính trung” (tạm dịch Vua biển ở đây) trước tiền đình (khoảng năm 1934), bức hoành Trạch Tuyết Linh (loài linh thiêng nhất trên vùng biển) vào khoảng năm 1851… Di tích hiện đang thờ cúng nhiều cốt Ông, xếp đầy trong 20 thạp.

Nam Ô vốn là vùng đất hiểm trở sát chân đèo Hải Vân nhưng sơn thủy hữu tình, người dân hiền hòa. Bao đời thăng trầm bên biển, nhuốm vị mặn mà lớn lên nên người dân làng chài luôn nhớ ơn biển cả đã cưu mang nhiều thế hệ nhờ khai thác, đánh bắt thủy hải sản và sản xuất nước mắm truyền thống - đặc sản nổi tiếng từng được tiến Vua. Cũng bởi vậy, như bao cộng đồng cư dân vùng biển khác, lễ hội Cầu Ngư hằng năm luôn là lễ trọng lớn trong tâm thức mỗi người làng Nam Ô, vừa cầu mùa - cầu ngư, tế ngư thần, bày tỏ khát vọng một năm thuận buồm xuôi gió, biển lặng trời yên, tôm cá đầy khoang.

Ông Đặng Dùng (người được mệnh danh là “người chép sử Nam Ô” với hơn 40 năm nghiên cứu văn hóa làng mình) cho hay, ca dao xưa có câu: “Tháng Giêng động rài/ Tháng Hai động tố/ Tháng Ba nồm nộ/ Tháng Tư nam non” nên từ xưa, lễ hội Cầu Ngư của người dân làng Nam Ô được tổ chức vào rằm tháng Hai âm lịch để chào đón vụ cá tháng Ba. Năm nay, lễ diễn ra trong ba ngày với phần lễ và phần hội. Trong tiếng trống rộn ràng, các nghi thức của Lễ Bến, Lễ Nghinh Ông - hai nghi lễ quan trọng của lễ hội Cầu Ngư - được tiến hành nghiêm trang theo trình tự.

Theo ông Đặng Dùng, xa xưa, trước khi bắt đầu các lễ tiết trên bờ, làng sẽ Nghinh Ông từ hòn Chảo (nằm dưới chân đèo Hải Vân) vào bờ nhưng nay đã tiết giảm vì nhiều lý do. Trong các nghi lễ chính, vị chánh bái - vị cao niên uy tín của làng chài, không mắc tang chế - sẽ dâng đồ tế lễ (không có hải sản) và đọc văn tế bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn của dân làng đối với sự che chở của Cá Ông và các bậc tiền nhân có công xây dựng và truyền lại kinh nghiệm nghề biển cho thế hệ hôm nay cũng như mong cầu những chuyến đi biển bình an, bội thu. Phần hội được mở đầu bằng cuộc thi đua thuyền truyền thống với sự tham gia cổ vũ của đông đảo người dân tại địa phương và du khách. Đây cũng là dịp để người dân vạn chài tăng tình đoàn kết, thể hiện cùng nhau quyết tâm vươn khơi bám biển trước ngày ra quân đánh bắt vụ cá nam.

Gìn giữ trầm tích văn hóa

Đứng giữa làng chài, bất chợt nhớ đến những dòng viết của nhà thơ Nguyên Hùng: “Biển là máu thịt của ta/ Nơi ông cha bao đời trên sóng nước/ Biển cho ta tuổi thơ đầy mơ ước/ Lớn khôn rồi vẫn khát những ngày xưa” (Biết làm gì gỡ tội cho biển). Cũng bởi biển đã cho lớp lớp người Nam Ô “tuổi thơ đầy mơ ước” nên dù đi đâu, làm gì, đã là người con của làng chài này thì đến hẹn rằm tháng Hai, không ai nhắc nhớ, cũng đều về để hòa niềm thương trong từng cơn sóng vỗ…

Trầm tích văn hóa không chỉ là hệ thống di sản văn hóa vật thể có thể chạm tay mà còn bao gồm cả tên làng, hội làng hàm chứa cả hành trình thăng trầm của vùng đất qua bao dâu bể thời gian. Nếu tên làng là niềm tự hào, là chốn níu giữ tâm linh, thì hội làng như sợi dây kết nối thế hệ, là dịp để người già trao truyền kinh nghiệm, để người trẻ tiếp thu và gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống. Các lễ tiết từ mấy trăm năm đến nay đều nhờ lễ hội mà các lớp hậu hiền có cơ hội tiếp xúc, lắng nghe và kế thừa, vun bồi.

Lễ hội Cầu Ngư là dịp để người dân vạn chài tăng tình đoàn kết, thể hiện cùng nhau quyết tâm vươn khơi bám biển. Ảnh: V.L
Lễ hội Cầu Ngư là dịp để người dân vạn chài tăng tình đoàn kết, thể hiện cùng nhau quyết tâm vươn khơi bám biển. Ảnh: V.L

Năm thứ 2 tham gia Ban Tư Lễ, anh Lê Văn Chinh (SN 1990) vẫn không giấu được niềm xúc động. “Bất cứ ai trong chúng tôi, sinh ra và lớn lên ở làng đều yêu thương mảnh đất này như gia đình mình. Có làng mới có nhà, có nhà mới có mình. Lễ hội Cầu Ngư năm nào, tôi cũng đều hồ hởi góp sức, nếu không trong Ban Tư Lễ thì cũng tham gia đá banh, bơi đua, phụ sửa soạn mâm cúng… Chúng tôi xem đây là trách nhiệm thiêng liêng…”, anh Chinh bày tỏ. Quả thật, có đến hội làng mới thấy rõ hồn cốt văn hóa dân tộc vẫn đang được nuôi dưỡng từng ngày!

Hồn xưa nét cũ

Mỗi bận nghe nhắc đến hai chữ “người làng”, lòng tôi bao giờ cũng khắc khoải lạ kỳ. Tôi sinh ra ở phố, lớn lên giữa những tường nhà bê-tông san sát luôn “cửa đóng, then cài”, cứ cảm giác mình thiếu hụt sự gắn kết dung dị với chòm xóm, với cộng đồng. Lúc nhỏ, tôi ganh với những đứa trẻ trong những trang sách… được tưới mát tâm hồn bởi đường làng quanh co, cây đa rợp bóng, triền đê lộng gió… Lúc lớn, nếu có dịp, tôi thường lang thang đến những hội làng, để chạm vào hồn xưa nét cũ, và say ngắm yêu thương giữa người với người trong những nụ cười…

Chồng tôi, một người làng “chính hiệu”, thường hay kể vu vơ về tháng ngày ấu thơ nơi mình sinh ra và lớn. Những mẩu chuyện bé tí bao giờ cũng ăm ắp nghĩa tình mà người kể chẳng nhận ra, chỉ có người nghe thao thức xen lẫn ước ao. Về nhà chồng, tiếng chào hỏi rổn rảng bao giờ cũng vang từ đầu ngõ đến cuối xóm. Và hội làng - chứ không phải lễ cưới, đám tang hay Tết - luôn rộn ràng hơn hết thẩy, tập trung đủ đầy người làng, từ người chưa bao giờ đi xa luỹ tre, đến người tha hương tứ xứ; từ bậc cao niên đến trẻ nhỏ còn đương ẵm bồng.

Có thể nói, hội làng mang tính cộng đồng sâu sắc, đó là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã. Có dự hội làng, ngắm nhìn những nụ cười chân phương, đôn hậu, mới thấy yêu xiết bao cái tình, cái nghĩa thấm đẫm trong từng tấc đất quê hương. Có dự hội làng, mới tường tận tâm tình của nhà thơ Hải Đường: “Người quê tiếng đục tiếng khàn/Gặp nhau mừng tủi tiếng làng thương thương” (Tiếng làng).

Nam Ô là làng cổ duy nhất của thành phố, nằm bên Vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân. Theo người dân địa phương, tên gọi Nam Ô có nghĩa là ở phía Nam của châu Ô xưa. Nơi đây còn nổi tiếng thế giới nhờ vào đoạn phim dài một phút “Le Village de Namo” của anh em Gabriel Veyre (hãng Lumière) bấm máy vào năm 1896.

Năm 2009, làng nghề nước mắm Nam Ô được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến năm 2019, Làng nghề nước mắm Nam Ô được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2020, cụm di tích lịch sử Nam Ô được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố Đà Nẵng bao gồm: Đình làng Nam Ô, Lăng Ông, Miếu Âm Linh, Nghĩa trũng Nam Ô, Miếu Bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Giếng Lăng.

VÂN LAM

;
;
.
.
.
.
.