Hội họa và sự hướng thiện

.

Những năm gần đây, cùng với đời sống nghệ thuật diễn ra sôi động, có một thế hệ những họa sĩ trẻ đang ngày càng thành công và khẳng định được vị trí cũng như dần định hình được bản sắc riêng trên hành trình sáng tạo nghệ thuật; được đông đảo công chúng yêu mến và đón nhận. Có thể kể đến những “tên tuổi mới”, tiêu biểu như họa sĩ Lê Ngân Thũy (SN 1993), Nguyễn Thị Đào (SN 1991), Nguyễn Việt Tiến (SN 1991)...

Tác phẩm
Tác phẩm "Hỏi đời" của họa sĩ trẻ Nguyễn Tiến Việt từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá.

Cái tôi cá tính về cảm xúc và cái đẹp

Có sự thay đổi căn bản trong tư duy nghệ thuật của những họa sĩ trẻ, đó là tinh thần đổi mới dựa trên nền tảng học tập, nghiên cứu những phương thức nghệ thuật truyền thống. Thế giới hội họa của những họa sĩ trẻ tiêu biểu thể hiện rõ nét cá tính tự do khi mạnh dạn áp dụng những phương pháp hội họa mới trong sử dụng màu sắc, kỹ thuật. Vượt qua những khuôn mẫu thông thường những sáng tác của họ mang đậm hơi thở, nguồn cảm hứng từ cuộc sống thường nhật và tự nhiên.

Lựa chọn dòng tranh khắc gỗ phá bản, một kỹ thuật in ấn trong nghệ thuật tranh in ấn đồ họa sử dụng chế bản in gỗ và in nổi, họa sĩ Nguyễn Tiến Việt (Trưởng bộ môn cơ sở đồ họa, Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Duy Tân, Hội viên Hội Mỹ thuật thành phố) dấn thân vào con đường sáng tạo ở một thể loại khó nhằn và ít họa sĩ trẻ nào ở Đà Nẵng lựa chọn, chưa nói đến việc đạt được những giải thưởng danh giá. Bởi khắc gỗ phá bản yêu cầu sự khéo léo, tỉ mỉ và tinh tế để tạo nên tuyệt tác trên bề mặt gỗ. Thông thường người họa sĩ sẽ sử dụng tấm gỗ có độ dày khoảng 2cm-10cm, rồi dùng các dụng cụ là dao để khắc theo những đường vẽ trước, bề mặt gỗ sau đó được bào, mài và làm nhẵn rồi được phủ một lớp mực in. Trải qua nhiều lần lăn, tạo màu rồi được đem đi in, công đoạn cuối cùng là đem phơi tác phẩm khoảng 3-4 ngày cho khô.

Tranh khắc gỗ phá bản của Nguyễn Tiến Việt luôn thể hiện sự mạnh mẽ và sắc sảo trong từng đường nét vẽ. Màu sắc được sử dụng khá đa dạng, từ đỏ tươi, xanh nước biển, đen sẫm hay xanh lá cây… được phối hợp hài hòa, đem đến hiệu quả thẩm mỹ cao cho bức tranh. Phong cách của họa sĩ trẻ này hiển hiện rõ nét qua hai tác phẩm "Phận" (giải C giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2018 của Liên hiệp hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, giải C giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2018 của Liên hiệp hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng) và “Hỏi đời” (được lựa chọn tham gia triển lãm "Nắng tháng Tư" 2024 do Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức) với hình tượng chiếc đầu trâu, chú chim sẻ và chiếc khuyên tai bấm số. Bức tranh lột tả những ẩn dụ ý niệm tinh tế của họa sĩ về sự vô thường của cuộc sống, sự nhỏ bé của con người trước vũ trụ bao la và những quy luật nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người như sinh - lão - bệnh- tử.

Hình tượng chiếc đầu trâu cũng được lặp đi lặp lại nhiều lần, ở nhiều sáng tác khác nhau như một lời tuyên ngôn cho sự kiên định của họa sĩ trẻ với hành trình theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp. Có lẽ sẽ không quá khi nói rằng, Nguyễn Tiến Việt đã “trình làng” những tác phẩm khắc gỗ phá bản đầy táo bạo trong cách sáng tạo tác phẩm và ý đồ nghệ thuật. Họa sĩ chia sẻ rằng: “Hơn một thập kỷ đeo đuổi duy nhất dòng tranh khắc gỗ phá bản, tôi nghĩ đó là sự cố chấp của bản thân đối với nghệ thuật. Nhưng thành quả đạt được là tương xứng với công sức mình đã bỏ ra”.

Kiên định với trường phái hội họa hiện thực, những sáng tạo nghệ thuật trong tranh của họa sĩ trẻ Lê Ngân Thũy (Hội viên Hội Mỹ thuật thành phố) thể hiện qua việc luôn tìm tòi và tạo bố cục mới lạ, tả thực mà không thực để thể hiện những ý tưởng nghệ thuật. Khai thác thế mạnh những cảm xúc riêng tư về cuộc sống của người dân, các vùng nông thôn Quảng Ngãi hay hình ảnh một gia đình với cảnh sum vầy, họa sĩ Lê Ngân Thũy thổi hồn vào tác phẩm bằng việc không ngần ngại khi thể nghiệm với những chất liệu khó. Lê Ngân Thũy cũng cho thấy mình là một “cây cọ” đầy nội lực và dẻo dai khi liên tục có những sản phẩm mới được trưng bày ở nhiều triển lãm lớn nhỏ trong và ngoài thành phố. Một số tác phẩm tiêu biểu của anh như: Lam lũ, Miền đất nhớ, Gia đình nhỏ, Đợi...

"Tung tẩy trong sử dụng màu sắc"

Có thể nói, những năm gần đây, Nguyễn Thị Đào (Hội viên Hội Mỹ thuật thành phố) là một trong những họa sĩ nữ trẻ khá hiếm hoi được công chúng công nhận về tài năng và tính chuyên nghiệp trong sáng tác. Sinh năm 1991, tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế), Nguyễn Thị Đào là lứa họa sĩ trẻ đang vươn mình để thể hiện cái tôi cá tính riêng trong hành trình khẳng định phong cách, thẩm mỹ cũng như “chất” sáng tạo qua từng tác phẩm. Điều làm nên sức hút và nét riêng trong tranh của Nguyễn Thị Đào là thế mạnh vẽ bằng màu acylic trên nền toan giấy, gỗ. Đào tự nhận mình là người có niềm đam mê và luôn chủ động suy tính khi tung tẩy với những sắc màu và thường xuyên cập nhật theo xu hướng mới, và luôn có cách riêng trong kỹ thuật pha trộn và sử dụng màu ở những sắc độ khác nhau. Có thể thấy rõ nhất là việc họa sĩ sử dụng thường xuyên những gam màu nóng như đỏ, cam, tím, vàng, hồng, xanh cô ban… được điều tiết, đan xen, chồng lớp lên nhau tạo nên sự hài hòa hoặc tương phản của màu sắc nhằm tôn lên chủ thể muốn hướng tới.

Bên cạnh những nét cá tính riêng, những hướng lựa chọn phong cách khác biệt, thì “điểm chạm” thấy rõ trong các sáng tác của các nghệ sĩ trẻ vẫn là hình tượng con người, được thể hiện ở những góc nhìn đa chiều, tùy thuộc vào ý niệm riêng của từng họa sĩ. Điều này phải chăng chính là tinh thần nhân văn, hướng thiện, mang hơi thở cuộc sống đương đại trên nền tảng tìm tòi cái mới lạ trong ngôn ngữ nghệ thuật, mà nghệ thuật - dù bất cứ trường phái thể hiện nào, ở thời đại nào cũng đều hướng tới.

Nguyễn Thị Đào bộc bạch, có lẽ vì là phận nữ nên luôn dành sự ưu ái nhất định khi thường xuyên đem hình tượng của phụ nữ vào trong tranh và vẫn nhất quán với phong cách “tung tẩy trong sử dụng màu sắc”. Phải chăng vì nhẽ đó, mà trong tranh của chị, hình tượng người phụ nữ luôn xuất hiện với dáng vẻ đầy tươi mới, nhiều màu sắc, luôn hừng hực sức sống nhưng cũng không kém phần tinh tế, cá tính và sang trọng. Cũng có khi là hình tượng người phụ nữ hiện đại mà truyền thống, được ẩn dụ qua hình tượng của sen, cây xương rồng… Những hình ảnh gợi nhớ về tuổi thơ, vùng quê yên bình cũng thường xuất hiện trong tranh của Nguyễn Thị Đào và vẫn thường được thể hiện bằng những màu sắc sinh động, có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như: Miêu mộng mơ, Sen, Sen hạ, Góc quê, Trốn tìm, Tuổi thơ…

“Có nhiều cách để tiếp cận với nghệ thuật và cuộc sống vốn đã nhiều bộn bề, nên mình lựa chọn sự tươi sáng, có chiều sâu để sáng tạo. Có lẽ vì vậy, nên khi xem tranh của mình ở các triển lãm, không ít ý kiến cho rằng, thông qua màu sắc, người khác nhận biết và phân biệt được đó là tranh của Đào”, nữ họa sĩ bày tỏ. Những nghệ sĩ hoạt động trong giới mỹ thuật Đà Nẵng dành không ít lời khen khi nhận xét về tranh của Nguyễn Thị Đào, đó là: màu sắc sang trọng, đường nét thể hiện được sự tinh tế trong thẩm mỹ của người vẽ. Và tranh của Đào thì luôn có sức sống tươi mới.

Ngày càng thấm sâu vào đời sống

“Điểm chạm” thấy rõ trong các sáng tác của các nghệ sĩ trẻ vẫn là hình tượng con người, được thể hiện ở những góc nhìn đa chiều, tùy thuộc vào ý niệm riêng của từng họa sĩ. Điều này phải chăng chính là tinh thần nhân văn, hướng thiện, mang hơi thở cuộc sống đương đại trên nền tảng tìm tòi cái mới lạ trong ngôn ngữ nghệ thuật, mà nghệ thuật - dù bất cứ trường phái thể hiện nào, ở thời đại nào cũng đều hướng tới.

Tác phẩm
Tác phẩm "Sen hạ" với lối sử dụng màu tinh tế, sang trọng của họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Đào.

Trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tiến Việt, hình tượng con người được cách điệu và ẩn dụng dưới lớp vỏ nghệ thuật của chiếc đầu trâu, con chim sẻ hay cảnh bụi bay mờ mịt dưới chân đàn trâu đang rượt đuổi nhau trong buổi chiều tà; ở tác phẩm khác, "Phận" - cũng là hình ảnh chiếc đầu trâu nhưng lại đặt trong bối cảnh bị nhốt sau song gỗ... Thông qua tác phẩm, Nguyễn Việt Tiến dường như muốn gửi gắm những thông điệp rất đời, đó là những quy luật muôn đời, là khát vọng tự do của phận người, là miền ký ức tuổi thơ đầy dữ dội với những đứa trẻ lao mình vào trận đánh giả trên lưng trâu…

Không đầy chất ẩn dụ và gai góc như những sáng tạo của Nguyễn Tiến Việt, hình tượng con người trong sáng tác của họa sĩ Lê Ngân Thũy, Nguyễn Thị Đào lại trực diện và bình dị hơn với những hình ảnh vốn quen thuộc với bất cứ ai như đứa trẻ ở vùng thôn quê, hình ảnh mẹ con, bà cháu… Có khác chăng, đó là sự khéo léo trong việc thể hiện rõ nét những khoảnh khắc thời gian sáng - trưa - chiều - tối hay sự giao thoa ánh sáng của thời khắc bình minh vừa nhú lên hoặc buổi chiều tà. Là hình ảnh người cha, người mẹ, người bà lam lũ với những nếp nhăn hiện rõ trên gương mặt khắc khổ, ngược lại với hình ảnh tươi sáng, bụ bẫm từ làn da mềm mịn, biểu cảm non nớt của những đứa trẻ, trò chơi trốn tìm tưởng đã trôi vào quên lãng nhưng vẫn hiển hiện thật gần ngay trước mắt thông qua tác phẩm hội họa… Tất cả tạo nên cảm xúc gần gũi với đối tượng thưởng lãm thông qua phương thức hội họa trực họa.

Sự tiên phong trong thử nghiệm với những cách tiếp cận nghệ thuật khác biệt, thậm chí có phần đối lập này cũng như sự kiên định trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật của những họa sĩ trẻ tiêu biểu đã góp phần quan trọng để sợi chỉ đỏ của dòng chảy nghệ thuật ngày càng mạnh mẽ hơn. Và ở một góc độ nào đó, các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, được vinh danh cũng là phương thức giáo dục hiệu quả, giúp nâng cao trí tuệ, tăng tính ứng dụng, để nghệ thuật ngày càng thấm sâu hơn vào đời sống.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.