Nhiều năm trở lại đây, xu hướng giảm hoặc không sử dụng đồ uống có cồn đang ngày càng tăng ở nhiều nước phương Tây, ngay cả tại những nước vốn có truyền thống uống rượu vang như Pháp. Trong quá trình đó, uống trà đã trở thành một sự lựa chọn thú vị với nhiều người.
Xu thế chọn trà làm đồ uống thay cho rượu đang được hình thành tại một số nước vốn không có thói quen uống trà trước đây. Ảnh (minh họa): Tastingtable.com |
Trà có thể thay rượu?
Từ năm 2015, kết quả khảo sát tại Anh của hãng nghiên cứu thị trường Mintel nhận thấy có tới 62% những người được hỏi cho rằng, việc uống trà có thể là một sự thay thế tốt cho đồ uống có cồn như bia, rượu. Món đồ uống nóng này giành được lợi thế tốt khi xu hướng tiêu thụ đồ uống có cồn giảm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước phương Tây, vì hai lý do: lo ngại sức khỏe và giá cả tăng.
Nhưng liệu một bữa tiệc thịnh soạn khi được thưởng thức kèm với trà có đáng nhớ như khi người ta nâng ly rượu chúc tụng nhau khi ăn không? Câu trả lời là có, miễn là loại trà dùng kèm đó cũng đáng nhớ. Và muốn thế, cũng như những gì đã từng diễn ra với rượu vang, để trà trở thành một đồ uống đáng nhớ thì hương vị của nó, lịch sử tạo ra cũng như cách phục vụ nó cũng phải đồng hành một cách hoàn hảo với việc khám phá và thưởng thức nó.
Tuy nhiên, đúng như tác giả Ophélie Neiman viết trên tờ Le Monde (Pháp), có lẽ điều đầu tiên cần phải làm rõ là vì sao các tạp chí sức khỏe vẫn khuyên mọi người không nên uống trà trong khi ăn. Lý do vì trà sẽ gây cản trở cho việc hấp thụ sắt (vốn cần cho cơ thể) từ một số loại thức ăn nhất định. Tuy nhiên vì trà thường không mấy khi là loại đồ uống duy nhất trong một bữa ăn, nên băn khoăn đó chỉ là một điểm nhỏ.
Trong mọi trường hợp, nhìn chung trà không được dùng trong các bữa ăn. Về mặt văn hóa, nó cũng không bao giờ vượt qua ranh giới đó. Dù đó là nghi lễ trà đạo của Nhật Bản, trà chiều của Anh, trà bạc hà ở Morocco hay uống trà pha kiểu truyền thống bằng ấm samovar của Nga, trà vẫn thường được phục vụ ngoài giờ ăn hoặc sau bữa ăn. Ở điều kiện tốt nhất, nó thường dùng kèm với bánh ngọt. Nhưng chưa bao giờ trà được chọn để uống cùng với một món ăn, giống như cách bạn vẫn chọn loại rượu vang phù hợp món ăn nào đó. Theo đó, nhiều thương hiệu đồ uống đã có những điều chỉnh để “nguyên tắc truyền thống” này sẽ thay đổi.
Đổi mới sáng tạo gần đây
Kết hợp đồ ăn với trà là một đổi mới sáng tạo gần đây và là một sự thay đổi trong ẩm thực phương Tây. Có thể lịch sử về vấn đề này vẫn chưa được viết, nhưng một số người có lẽ đang nỗ lực làm điều đó.
Nó không phải là một ý tưởng kỳ quái. Tùy vào việc loại trà đó có nguồn gốc từ đâu và nó được chế biến thế nào, những loại trà với nhiều hương vị khác nhau vẫn có thể kết hợp với những hương vị phù hợp của từng loại thức ăn.
Bất kể là trà xanh, trà đen, trắng, trà ô long, trà lên men hay trà sao chảo kiểu thủ công, hương vị của trà có khả năng kết hợp với đồ ăn rất đa dạng. Và mặc dù sự kết hợp này thoạt tiên có thể gây bối rối nhưng nó vẫn mang lại cho thực khách cơ hội trải nghiệm và thưởng thức một bữa ăn ngon lành, đáng nhớ. Và không chỉ uống trà theo cách truyền thống. Nhiều doanh nghiệp đã tìm cách chế biến trà để loại đồ uống này đáp ứng được nhu cầu thưởng thức đa dạng từ những nền văn hóa khác nhau.
Một ví dụ việc thương hiệu Grands Jardins của Pháp thời gian qua đã đầu tư phát triển một loại trà “grand cru” được tạo nên từ quá trình tuyển lựa nguyên liệu nghiêm ngặt và quy trình pha chế tỉ mỉ. Nói ngắn gọn, đó là một loại trà tương tự như một loại vang ngon. Người ta có thể trải nghiệm các loại trà này thay thế rượu vang như thế nào ở Nhome, một nhà hàng có gắn sao Michelin tại quận 18 của Paris. Trước mỗi món ăn, người phục vụ đồ uống sẽ mang đến loại trà phù hợp và đổ vào các ly vốn dùng để uống rượu vang.
Trà được chứa trong chai thủy tinh 0,75l có gắn nhãn (hệt như chai rượu vang). Tùy thuộc loại trà, màu sắc của trà sẽ thay đổi từ xám ngọc trai đến vàng và hổ phách. Đáng chú ý là nếu uống rượu vang khi ăn có những quy tắc nhất định thì việc dùng trà khi ăn cũng vậy, bao gồm cả yêu cầu nhiệt độ trà khoảng 12 độ, giống như một ly vang trắng.
Cũng tương tự thế là loại trà của Công ty Sparkling tea - doanh nghiệp thành lập năm 2017 tại Copenhagen, Đan Mạch. Công ty này tự hào quảng bá loại trà của họ sẽ là sự thay thế tốt nhất cho champagne. Copenhagen Sparkling Tea là nhãn hiệu mới trong ngành đồ uống, đó là sự kết hợp giữa công nghệ đổi mới sáng tạo của vùng Bắc Âu và các truyền thống pha trà thủ công của châu Á, từ đó tạo nên loại đồ uống organic có ga không cồn hoặc ít cồn (5%) chế biến từ những lá trà được tuyển lựa kỹ càng.
TRẦN ĐẮC LUÂN