Người trẻ và nhu cầu cà phê 24/7

.

Sau giờ cơm tối, Trần Vũ Minh Thành, sinh viên năm 2, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) thường mang laptop ra quán cà phê cách nhà khoảng 1 cây số làm bài tập nhóm. Suốt nửa năm qua, quán cà phê trở thành nơi lui tới của Thành và bạn bè khi có nhu cầu học nhóm bởi không gian rộng rãi, yên tĩnh, wifi mạnh, có điều hòa và đặc biệt là… mở cửa xuyên đêm.

Giới trẻ Đà Nẵng có xu hướng tìm kiếm quán cà phê mở 24/7 để làm việc, học tập. Ảnh: B.V
Giới trẻ Đà Nẵng có xu hướng tìm kiếm quán cà phê mở 24/7 để làm việc, học tập. Ảnh: B.V

Xu hướng cà phê đêm

“Trung bình mỗi tháng em ngồi học bài, làm việc ở quán khoảng 10 buổi. Mặc dù ở nhà có phòng riêng nhưng em vẫn thích ra ngoài hơn. Không hiểu sao em thấy ở ngoài mình có tinh thần làm việc, còn ở nhà rất khó kiểm soát được… sự lười biếng của bản thân khi bên cạnh bàn học là cái giường”, Thành nói. Trong khi đó, Lê Hoài Nam, một kỹ sư công nghệ thông tin làm việc từ xa cho một doanh nghiệp nước ngoài chọn ngồi cà phê xuyên đêm, với lý do công việc trái múi giờ. “Khi bên mình là ban đêm thì bên nước bạn là ban ngày, cũng là giờ làm việc của họ, thỉnh thoảng có những cuộc họp trực tuyến hay có email công việc, mình bắt buộc phải thức đêm xử lý. Để tránh buồn ngủ, mình hay chọn ra quán ngồi, gọi một ly cà phê đen cho tỉnh táo rồi hôm sau sẽ ngủ bù”, Nam cho biết.

Chia sẻ của Nam và Thành là hai trong nhiều lý do người trẻ chọn lựa quán cà phê để làm việc, học bài xuyên đêm, mặc dù số tiền bỏ ra không nhỏ. Trước nhu cầu đó, mô hình quán cà phê phục vụ làm việc, học tập (co-working space) ngày càng phổ biến và đa dạng hơn. Trên bản đồ quán xá ngày càng phong phú ở Đà Nẵng, có không ít quán đi theo loại hình trên để phục vụ nhóm khách có sở thích ngồi khuya, có thể kể tới Trình Cà phê (chi nhánh Phạm Hồng Thái) mở đến 1 giờ 30 sáng, Gé cà phê sáng đèn tới 3 giờ sáng hay iCoffee, Zone6 mở 24/24 tất cả các ngày trong tuần. Điểm chung của các quán là bố trí nhiều bàn ghế cao, góc làm việc cho khách, kèm theo hệ thống ổ cắm điện, nhiều quán còn có không gian riêng cho làm việc nhóm, hội thảo mini, workshop… 

Khai trương tháng 6-2023, Hi4 Coffee & Workspace (phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) thu hút khá nhiều khách hàng trẻ. Phân khúc của quán là phục vụ đồ uống với không gian được thiết kế ấn tượng, sáng tạo nhằm phục vụ nhu cầu học tập, làm việc cá nhân và làm việc nhóm của khách.

Nên cân bằng giữa công việc và sức khỏe

Từ góc nhìn người trẻ hay đi uống cà phê và đồng thời kinh doanh loại hình này, anh Trần Gia Phát, quản lý Kết Coffee (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho hay, giới trẻ đang có xu hướng chuyển mình sang thế giới “night life” - sống về đêm nhiều hơn, có thể do thời tiết, chế độ sinh hoạt hoặc đơn giản là ưa thích nhịp sống khi đêm xuống. “Khách trẻ đến các quán cà phê xuyên đêm thường để chạy “deadline” (hoàn tất bài vở hay công việc cho kịp tiến độ - PV) hay nhiều bạn đi chơi về muộn cũng ghé vào tán gẫu với bạn bè trước khi về ngủ”, anh Phát cho hay.

Bên cạnh trải nghiệm thú vị là những hệ quả liên quan sức khỏe. Theo anh Phát, bản thân từng ra quán học bài cùng bạn bè, cảm thấy việc ngồi ở quán có cảm hứng học hơn, không tù túng như ở nhà, lại được gặp gỡ bạn bè, tuy nhiên kết quả là sức khỏe đi xuống sau một thời gian dài thức đêm. Việc ngồi cà phê xuyên đêm vì mục đích nào đi nữa cũng cần có sự cân bằng. Thức đêm thường xuyên ở quán cà phê có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tiếp đó là… kinh tế của bản thân.

Anh Nguyễn Thành Linh, nhân viên văn phòng cho biết, bản thân cũng từng ra quán cà phê ngồi làm việc ban đêm, đây là không gian lý tưởng cho nhu cầu giải quyết công việc, tuy nhiên không nên lạm dụng việc này, thay vào đó nên có sự sắp xếp, lên kế hoạch làm việc, học tập khoa học vào ban ngày để hạn chế việc thức đêm ảnh hưởng sức khỏe. “Nếu phải ra quán cà phê làm việc, hãy cố gắng chọn một quán phù hợp với tiêu chí của mình, đó là yên tĩnh, thoải mái, dễ tập trung và vừa túi tiền; tránh ngồi ở một nơi không phù hợp, vừa tốn tiền vừa mất thời gian mà công việc không đạt hiệu quả như mong muốn”, anh Linh chia sẻ.

LÂM VIÊN

;
;
.
.
.
.
.