Niềm tin phát triển

.

Trong không khí lễ hội tháng Năm, xem truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lòng dạt dào cảm xúc. Biết bao hy sinh xương máu, mồ hôi và nước mắt sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chúng ta mới giành được độc lập cho Tổ quốc. Nghĩ về Điện Biên phủ, nghĩ về sự phát triển của thành phố sau gần 50 năm, lòng càng thêm thôi thúc.

Có nhiều điều để khẳng định và tự hào về những kết quả mà Đà Nẵng làm được, nhất là từ sau năm 1997. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH
Có nhiều điều để khẳng định và tự hào về những kết quả mà Đà Nẵng làm được, nhất là từ sau năm 1997. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Có nhiều điều để khẳng định và tự hào về những kết quả mà Đà Nẵng làm được, nhất là từ sau năm 1997. Chỉ lấy vài ví dụ: Trước năm 1997 toàn thành phố chỉ có khoảng 360 con đường có tên, nay Đà Nẵng có gần 3.000 con đường có tên. Ngày ấy chỉ có một cây cầu tiền chế bắc qua sông Hàn, nay riêng đoạn sông này, với chiều dài chưa tới 8km nhưng có tới 5 cây cầu được làm mới, bình quân khoảng 1,5km có một cây cầu. Nếu cây cầu thứ nhất là Sông Hàn khánh thành năm 2000 thì cây cầu Thuận Phước thông xe năm 2009, 9 năm làm 5 cây cầu có lẽ cũng ít nơi làm được. Chính những cây cầu này thức tỉnh cả một bờ đông phát triển.

Một con số khác cũng nên suy ngẫm, toàn thành phố có khoảng 400.000 hộ thì có gần 300.000 hộ di dời để xây dựng đô thị mới. Một thành phố mới, một khát vọng mới. Hơn tất cả, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, từ chỗ thu nhập chưa tới 400 USD/người (năm 1997) nay tăng lên gần 4.000 USD/người. Mỗi người dân Đà Nẵng tự hào mình góp phần làm nên sự thay đổi sâu sắc đó, làm nên danh hiệu thành phố đáng sống. Hiện nay những dự án cảng Liên Chiểu, đường vành đai mới, các dự án sản xuất chip bán dẫn, khu công nghệ cao… đang thôi thúc cho một giai đoạn mới. Chúng ta tạo dấu ấn cho giai đoạn mình đang sống.

Tuy nhiên, sau những đứt gãy, suy thoái nặng nề do đại dịch, những thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu, kinh tế - xã hội thành phố xuất hiện những dấu hiệu cần có sự quan tâm đặc biệt nhằm khai thác hiệu quả năng lực sản xuất của xã hội. Chưa bao giờ thành phố phải đối mặt với những thách thức to lớn và gay gắt như hiện nay. Làm gì để có sự tăng trưởng vững chắc trong trung và dài hạn? Có một số nội dung cần phải lưu ý.

Thời gian qua, tình hình kinh tế nói chung có những tín hiệu lạc quan, hoạt động dịch vụ, du lịch của thành phố tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, lĩnh vực công nghệ thông tin và xuất khẩu phần mềm tiếp tục tăng trưởng ổn định, các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của thành phố không phải là việc thu ngân sách hay giá trị sản xuất không tăng trưởng vững chắc mà chính là việc xác định nguồn lực mới và lựa chọn lĩnh vực ưu tiên. Nếu trong giai đoạn đầu khi mới trực thuộc Trung ương, nguồn lực lớn nhất cho tăng trưởng là từ nguồn khai thác quỹ đất (có năm trên 50% tổng nguồn đầu tư).

Nguồn khai thác quỹ đất tạo ra sự phát triển có tính đột phá của thành phố. Trong mươi năm trở lại đây, nguồn khai thác quỹ đất giảm mạnh, các nguồn thu từ sản xuất, từ bản thân nền kinh tế dành cho tái đầu tư xét về giá trị tương đối chưa đáp ứng mong mỏi. Vấn đề mấu chốt hiện nay là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của thành phố, làm sao tăng vốn đầu tư xã hội? Ai cũng biết muốn tăng trưởng phải có nguồn vốn đủ lớn và sử dụng hiệu quả. 

Hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng đã có 5 khu công nghiệp, 3 khu công nghệ thông tin tập trung, 1 khu công nghệ cao. Đến năm 2030, Đà Nẵng phát triển 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 533 ha và sau năm 2030 gồm 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 800 ha, phân bổ trên địa bàn các quận: Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Diện tích trong các khu công nghiệp của thành phố cơ bản lấp đầy. Xét về mặt hình thức đó là tín hiệu tích cực song vấn đề là hiệu suất đầu tư, tỷ suất sinh lợi trên tổng diện tích. Biểu hiện tập trung hiện nay là công nghệ sản xuất trong các khu công nghiệp này ở mức trung bình, tiêu hao nhiều năng lượng và chưa thật sự bảo đảm về chất lượng môi trường. Trừ một vài doanh nghiệp ở khu công nghiệp công nghệ cao, còn hầu hết chưa có công nghệ nguồn và vì vậy sức cạnh tranh không cao.

Trong khi hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin cần rà soát toàn bộ quỹ đất và cơ sở pháp lý của các chủ đầu tư, sớm tổ chức một hội nghị đánh giá toàn diện kết quả hoạt động của các khu công nghiệp và các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố. Phân tích các lợi thế và nhất là nghiên cứu các bất lợi thế để đề ra biện pháp nhằm huy động nguồn lực xã hội là bước có tính quyết định thành công.

Chừng nào mà môi trường đầu tư tại thành phố không bảo đảm tỷ lệ lợi nhuận bằng hoặc cao hơn nơi khác thì khó có sự thay đổi căn bản về công nghệ, năng lực quản lý và xuất khẩu. Đặc điểm khí hậu khắc nghiệt và quy mô thị trường cũng như lợi thế tương đối của vùng kinh tế miền Trung là các nhân tố cần được sự tiếp cận và triển khai giải pháp đặc thù.

Việc triển khai trung tâm tài chính quy mô khu vực của thành phố là chủ trương lớn và hấp dẫn. Nhưng có nhiều điểm cần làm rõ. Trước hết thế nào là “Quy mô khu vực”, “Trung tâm tài chính hải ngoại” hoặc “Trung tâm tài chính quốc tế”? Đó không phải là sự khác nhau về hình thức. Cả một chiến lược định hướng và huy động nguồn lực khổng lồ để triển khai. Mấu chốt của mấu chốt là quy mô kinh tế, là hoạt động doanh nghiệp và nhu cầu vốn cũng như quy mô luân chuyển tư bản trên địa bàn, chính điểm này đòi hỏi phải có các bản bộ tài chính, ngân hàng lớn hoạt động. Hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới thành phố sẽ tập trung cho nhiệm vụ này. Làm sao trong khoảng thời gian hai nhiệm kỳ nữa, kinh tế thành phố thật sự sôi động thông qua sự sôi động của các cơ sở tài chính tầm cỡ trong và ngoài thành phố.

MAI ĐỨC LỘC

;
;
.
.
.
.
.