Trong ký ức bao thế hệ, sông Đầm được xem là vương quốc các loài chim. Gần đây, nhiều nhà khoa học khi khám phá sông Đầm đều thốt lên rằng: Hệ sinh thái đất ngập nước nơi này là tài nguyên vô giá của thành phố Tam Kỳ nói riêng, Quảng Nam nói chung, cần gìn giữ cho mai sau.
Sông Đầm có diện tích khoảng 200ha mặt nước, trai dài qua các địa phương Tam Thăng, Tam Phú và An Phú (Tam Kỳ). Trong lịch sử, diện tích sông Đầm lớn hơn nhiều, với thiên nhiên hoang sơ, được hình thành bởi các yếu tố: hệ thủy sinh, hệ sinh thái mặt nước, hệ sinh thái trên bờ với hệ động thực vật phong phú - nơi sinh sống của bao thế hệ cư dân bản địa vùng phía đông của thành phố Tam Kỳ.
Cơ quan nghiên cứu cho biết sông Đầm có 31 loài chim, trong đó cò ốc nằm trong sách đỏ Việt Nam. Ảnh: ST |
Khi được hỏi về sông Đầm, hầu hết người dân, nhất là thế hệ cha anh đều kể về nơi đây như một câu chuyện cổ tích, với rừng cây bao quanh to, lớn và vùng đầm nước bao la, mênh mông. Các thế hệ cư dân dần phát triển và chính nơi đây là nguồn sống của họ.
Nhiều nhà khoa học trong đoàn công tác của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đặc biệt Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (người con Quảng Nam) luôn đánh giá cao và mong muốn thành lập Khu Bảo tồn Đất ngập nước Sông Đầm cấp tỉnh (Khu bảo tồn). Theo Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, điều kiện để thành lập Khu Bảo tồn cần đáp ứng các tiêu chí: thuộc danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng được công bố. Là nơi sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã thuộc danh mục cấm khai thác ngoài tự nhiên, nơi sinh sản, tránh rét của các loại di cư; có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Minh Nam, quyền Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ khẳng định, sông Đầm là tài sản của đô thị hiện nay và tương lai của thành phố tỉnh lỵ Quảng Nam. Trong suốt thời gian qua, lãnh đạo thành phố và người dân luôn ý thức bảo vệ, đầu tư phục hồi và phát triển hệ sinh thái sông Đầm và tìm nhiều giải pháp sinh kế cho cư dân bản địa. Trong tất cả các giải pháp, ưu tiên xúc tiến hồ sơ thành lập Khu Bảo tồn. Đồng thuận với quan điểm trên, bà Lê Thủy Trinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cam kết: "Việc xúc tiến xây dựng Khu Bảo tồn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024"..
PGS.TS. Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam, chuyên gia nghiên cứu về đa dạng sinh học cho biết: "Là người con, trưởng thành và có nhiều kỷ niệm với sông Đầm, tôi rất phấn khởi hy vọng sẽ liên kết được nhiều nhà khoa học tham gia, tư vấn trong quá trình xây dựng và thành lập Khu Bảo tồn".
Trong định hướng phát triển đô thị, việc thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước giữa lòng thành phố là hướng phát triển đô thị xanh, trường hợp đặc biệt và hiếm có của phát triển đô thị Việt Nam, sẽ giúp cho Quảng Nam và Tam Kỳ có những điều chỉnh cần thiết để không gian đô thị tỉnh lỵ giàu bản sắc và hài hòa thiên nhiên.
PHẠM NGỌC SINH