Thương nhớ áo tơi

.

Ai được sinh ra trên mảnh đất miền Trung nhiều nắng mưa, bão tố từ những năm cuối thế kỷ XX về trước hẳn đều quen thuộc với chiếc áo tơi của bà, của mẹ. Chiếc áo đơn sơ, bình dị và có phần khắc khổ như tên gọi của nó lại là thứ vật dụng tuyệt vời mà cha ông bao đời sáng tạo để cho người dân quê tôi chống chọi với sự khắc nghiệt của tiết trời. Với tôi, cứ mỗi độ tháng Năm về, ngắm nhìn biển lúa mênh mông ngập ngời sắc nắng, hình ảnh vài chiếc áo tơi thấp thoáng, nhấp nhô trên đồng bãi như chạm vào miền ký ức thiêng liêng của thời thơ ấu, làm tôi rưng rưng xúc động. Nhớ và thương tà áo đến nao lòng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhớ chiếc áo tơi, tôi nhớ dáng hình gầy guộc của ông tôi miệt mài, cặm cụi ngồi tỉ mẩn khâu từng đường kim, mũi chỉ sao cho đều, đẹp, chắc, nhớ cách ông chọn từng chiếc lá cọ đẹp đẽ, nguyên lành rồi hơ lửa, phơi sương suốt mấy ngày liền. Nhớ cả việc ông lựa chọn cây mây đủ già và thẳng, ngâm dưới bùn sình thật lâu cho bền rồi chuốt thành từng sợi mỏng. Tấm áo hình chữ nhật chỉ có một sợi dây mây rút một đường viền để quàng lên cổ tưởng chừng như đơn giản ấy lại đánh đổi bằng biết bao tâm huyết, mồ hôi và công sức của ông tôi. Đó không chỉ đơn thuần là quy trình làm ra thứ đồ vật phục vụ cho lao động của gia đình mà là tình yêu thương, là sự chở che ông dành cho bà, cho con, cho cháu. Đó là sự kiên trì, bền bỉ, khéo léo của đôi tay và sự thông minh, tinh ý trong khối óc. Đó cũng là lòng biết ơn, là sự kế thừa, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa mà bao đời tổ tiên truyền đạt lại.

Nhớ chiếc áo tơi, tôi nhớ những ngày mưa, tháng nắng áo tơi theo ông bà, cha mẹ và mấy chị em tôi lam lũ trên đồng hay những buổi chợ phiên. Đó là những ngày mùa cấy gặt, hay trồng trỉa và thu hoạch đậu lạc vào cuối Đông, đầu Xuân giá rét hay mùa hè nắng nôi, oi bức. Tấm áo tơi lúc thì che mưa che nắng trên lưng, lúc lại nghiêng về phía gió mưa đang ào ào ập tới để cái ướt lạnh dừng chân sau tà áo. Những bữa trưa vội vã trên bờ ruộng để kịp vụ mùa, tấm áo tơi là chiếc mâm cho cả nhà quây quần cùng xì xụp với bát cơm canh, quả cà đạm bạc mà nói cười vui vẻ, là chiếc thảm êm cho bố ngã lưng dưới bóng cây sau những đường cày mệt nhọc. Hình tượng chiếc áo tơi nhấp nhô trên cánh đồng làng vẹt mòn, xác xơ, nhàu nhĩ theo năm tháng chính là dáng mẹ tôi thêm còng, mái tóc thêm bạc và làn da thêm những nếp nhăn để chị em tôi từng ngày khôn lớn. Đã bao lần, đứa trẻ như tôi ngước nhìn trời rồi nhói lòng thương mẹ, tất tưởi chạy ra đầu làng trông ngóng mà sống mũi cay cay. Nhưng lúc gặp mẹ, đặt bàn tay sờ lên sau tấm áo tơi ướt sũng hay nóng bỏng nhưng lưng mẹ vẫn mát, vẫn khô, nét mặt mẹ vẫn ánh lên niềm vui, tôi chợt thấy lòng nhẹ hẳn và thầm biết ơn vô hạn, biết ơn cả tấm lòng mà ông gửi trao trên tà áo cho nắng mưa ở lại với cánh đồng.

Tôi cũng không quên những ngày cắp sách tới trường trên con đường làng ngút ngàn mưa gió. Dẫu cái bụng chưa no, dẫu áo quần mỏng manh chưa đủ ấm và  đôi chân dò dẫm bước đi trên mặt đường trơn trượt. Nhưng có chiếc áo tơi che chở bên mình, gió mưa không thể chạm vào da thịt, tôi cảm giác như được ôm trong vòng tay ông bà, cha mẹ, được cổ vũ, thương yêu và tin tưởng khiến lòng tôi ấm áp lạ kỳ. Dù khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng tôi chưa một lần nản chí mà bỏ bê việc học. Bởi tôi biết, dù dưới chân tôi là bùn nhưng trên đầu luôn có nắng, thứ ánh hào quang tỏa ra từ mặt trời không bao giờ tắt là trái tim ông bà, cha mẹ, là chiếc áo tơi che chắn bão giông đời. 

Giờ đây, cuộc sống văn minh nên con người chẳng mấy ai dùng đến chiếc áo tơi. Nhưng tôi biết, kỷ vật ấy vẫn còn neo đậu trong lòng của những người từng đi qua những tháng ngày gian khổ ấy. Với tôi, nó như là điểm tựa tinh thần vững chãi, là niềm an ủi, động viên mỗi khi tôi vấp phải chặng đường chông gai, thử thách. Dù tôi mệt mỏi, gian khổ đến bao nhiêu cũng không sánh bằng chiếc áo tơi trên tấm thân gầy của bà, của mẹ. Đó là một hoài niệm đẹp đẽ, thiêng liêng, là cái nôi để yêu thương luôn được vun bồi. Mỗi khi nhìn thấy chiếc áo tơi ai đó mặc trên đồng, lòng tôi lại trào dâng nỗi nhớ thương ông bà, cha mẹ, nhớ quê hương nghèo đói thuở nào!

LÊ THỊ XUÂN

;
;
.
.
.
.
.