Nghe con ê a đọc: “Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay…”, ta đang dở tay công việc cũng bỗng chợt khựng lại, chợt rưng rưng nỗi niềm. Những câu thơ như xoáy vào lòng, gợi thương gợi nhớ đâu chỉ với người xa quê. Dẫu rằng ta vẫn được ngày ngày ăn bát cơm, uống ngụm nước quê hương mà còn nao nao nhớ thì huống hồ chi...
Minh họa: TLAThu |
Quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó tuổi thơ nghèo khó mà trong vắt kỷ niệm của những đứa trẻ sinh ra từ làng trở thành một miền thăm thẳm nhớ thương. Quê hương - nơi có cả cuộc đời cha ta đằng đẵng cày bừa, là hình bóng mẹ già tóc trắng tựa trong chiều. Quê hương - nơi ta gửi gắm cả mối tình đầu vụng dại, ấp iu… Có phải vì gắn bó thân thương thế mà có người làng xa quê biền biệt mấy chục năm, chẳng còn ai thân thích, bóng hình quê khuất mờ ký ức, đến cuối đời vẫn trở về xin được gửi xác thân trên mảnh đất sinh ra. Có phải vì thế mà có người theo con bỏ quê ra phố, vẫn nằng nặc năm đôi ba lần về thăm lại xóm giềng. Có phải vì thế mà người tha phương cầu thực, ba ngày Tết tất bật tàu xe, tay xách nách mang về thắp nén hương lên bàn thờ tiên tổ…
Con người ta khi già đi thường hay hoài niệm quá khứ. Hoặc có thể sống ở thị thành, sinh hoạt cộng đồng là mối quan hệ xã hội xã giao còn ở quê mối quan hệ thân tình đậm nghĩa xóm làng. Bởi vậy khiến người ta thường hay nhớ… Ta nhớ những ngày hè oi ả, lũ trẻ chăn trâu nơi cánh đồng Búng vừa gặt xong, để rồi tha hồ đuổi bắt châu chấu, đào chuột, tát cá bờ mương rồi nhảy ùm xuống đập mà tập vùng thỏa thích. Những chiều mùa đông rét mướt, nùi lửa theo trâu thơm mùi ngô khoai, cá rô đồng nướng làm nên những bữa đại tiệc chẳng thể nào quên. Ta nhớ những ngày mưa, cả lũ gái trai lấy bẹ măng làm cống, rồi cùng nô đùa trong mát lịm tắm mưa. Nhớ những trò chơi đánh khăng, đánh trận giả, đánh thẻ, chọi gụ, thả diều… Thèm cảm giác hồi hộp của những lần đi ăn trộm thị, bưởi, táo, ổi… nhà hàng xóm; thèm nghe những rộn rã âm thanh nói cười dưới gốc đa trong những đêm trăng…
Làng quê giờ vẫn thế nhưng cuộc sống thì đã khác xưa. Đường làng giờ đã sạch sẽ bê-tông chứ không còn trơn trượt trong những ngày mưa làm bàn chân Giao Chỉ mẹ ta bấm tóe máu. Mái nhà tranh, bức tường trát phên đất đã thay bằng nhà cửa khang trang. Lũy tre làng đã chặt để thay vào kín cổng cao tường. Con trâu được thảnh thơi chứ không còn phải vất vả kéo đầu cơ nghiệp… Làng thời mở cửa, nông thôn thời đổi mới tất yếu phải thế. Nhưng vẫn còn đây sâu đậm những nghĩa tình. Mới hôm qua nhà ai mất con gà còn chửi đổng vu vơ, thế mà hôm nay đã râm ran tiếng nói cười bên ấm nước chè xanh. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, một người vừa nhắm mắt xuôi tay, chung quanh mỗi người một tay giúp gia chủ cùng lo cho trọn vẹn chữ hiếu. Nhà ai có dâu thảo, nhà ai có rể hiền không thể thiếu sự chung vui của tổ liên gia.
Người xưa dạy “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, với những khi ốm đau thăm hỏi, những khi lợp nhà sửa sân, những khi chung đụng nhau con lợn nuôi lâu lớn. Chiều qua nhà hàng xóm chài mẻ cá ngoài ao, sang xin nhà ta quả khế chua, và ta cũng được ké một nạm tép để nấu canh lá lằng. Hôm nay, nhà ta có giỗ, mẹ ta lại lui cui đưa cho đứa trẻ nhà hàng xóm đĩa xôi ăn lấy thơm lấy thảo… cứ êm đềm như thế mà gửi trao tình nghĩa qua những tháng năm dâu bể cuộc đời.
Cuộc sống càng phát triển, muôn vẻ muôn màu. Có người rời quê ra phố, có người bỏ phố về quê. Nhưng khi cánh cò còn bay lả trong ca dao trong lời ru của mẹ, khi gốc đa đầu làng vẫn tỏa bóng xum xuê như ngọn hải đăng dẫn lối, khi nước giếng Đình vẫn ngọt mát buổi nồm nam thì tình quê hương vẫn mãi đậm đà trong tâm hồn những con người xứ sở…
ĐINH HẠ