1. Mới đây, video của một nam danh hài đã nhận nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng vì cách xử lý khi con gái đòi đồ chơi của người khác. Bên cạnh những góp ý nhẹ nhàng, nhiều cư dân mạng có những lời lẽ nhận xét nặng nề đối với phụ huynh lẫn trẻ nhỏ. Đây không phải là lần đầu tiên cô bé 4 tuổi nhận nhiều bình luận tiêu cực khi xuất hiện trên các clip do ba của bé đăng tải. Ở độ tuổi này, các bé đang trong giai đoạn hình thành tính cách, trải qua nhiều sự biến đổi về hành vi, suy nghĩ, cảm xúc và sinh lý khác nhau nên sẽ khó tránh khỏi vài ứng xử chưa đúng. Tuy nhiên, thay vì “đóng cửa bảo nhau” để ba mẹ giáo dục và định hướng phát triển cho trẻ, những đứa trẻ “nổi tiếng” phải gánh nhiều áp lực tâm lý trước cái nhìn soi mói của những người xa lạ.
Có thể, ở thời điểm hiện tại, các bé chưa biết về sự nghiêm khắc mà xã hội đang dành cho mình. Nhưng khi lớn lên, ở độ tuổi lưng chừng - nghĩa là bắt đầu chú ý tới cách thế giới nhìn nhận mình nhưng lại chưa đủ “kháng sinh liều cao” để đối diện với áp lực dư luận, e rằng trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ và co mình lại. Đáng sợ hơn, những tư liệu cũ có thể trở thành công cụ tạo thành nỗi đau mới, nghĩa là, trẻ sẽ luôn bị phán xét và định kiến bởi hành vi thời bé. Những đứa trẻ bị phô bày từng ngóc ngách tuổi thơ thật khó để thoải mái bày tỏ cảm xúc hay sống đúng sở thích; thậm chí thương tổn tâm lý nặng nề, lâu dài.
2. Internet ra đời mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ, một trong số đó là bắt nạt trực tuyến, bạo lực mạng - cyberbullying - vấn đề nhức nhối hiện nay. Và trẻ em tiềm ẩn nguy cơ trở thành nạn nhân. Theo một nghiên cứu về an ninh mạng của Microsoft vào năm 2019, 42% trong số 12.500 thanh, thiếu niên tại 25 quốc gia cho biết gặp rắc rối về những hình ảnh cha mẹ chia sẻ trên mạng. Đáng chú ý, 8% coi đây là “rắc rối lớn” trong cuộc sống. Còn nhớ, năm 2016, một cô gái 18 tuổi ở Áo đã kiện cha mẹ vì đăng hơn 500 hình riêng tư của mình thời thơ ấu lên mạng xã hội khiến cuộc sống của cô “khổ sở”.
Như thời gian này, tại Việt Nam, một cô bé hai tuổi vốn nhận được nhiều sự yêu thích bởi loạt khoảnh khắc đáng yêu bỗng trở thành mục tiêu bị anti cùng sự xuất hiện của một số hội nhóm “anti fan” (người tẩy chay hoặc người chống đối). Nhiều người thắc mắc, thậm chí phẫn nộ về điều này nhưng mạng xã hội vốn dĩ là “con dao hai lưỡi” với những khen/chê luôn tồn tại song song. Thế nên, việc bạn “chấp nhận xuất hiện” trên thế giới ảo đã đồng nghĩa với việc phải đương đầu với sự chỉ trích ác ý có thể “tập kích” bất cứ khi nào.
Khi tham gia mạng xã hội, có người thích cập nhật thường xuyên đời sống cá nhân, cũng có người “phủ bụi” tài khoản của mình. Một cá nhân cũng có thời điểm muốn đăng và đôi khi ngại xuất hiện nơi không gian ảo, có điều muốn công khai và có điều muốn giữ kín. Tất cả đều thuộc sự chủ động lựa chọn quyền thông tin về cuộc sống riêng tư. Nhưng nhiều cha mẹ đã vô tình “cướp” đi quyền riêng tư này của con trẻ. Đa số phụ huynh muốn lưu giữ kỷ niệm thơ ấu của con, nhưng cũng không ít ông bố bà mẹ vì chiều lòng cư dân mạng mà liên tục cập nhật hình ảnh của con, bất chấp hệ lụy.
3. Bày tỏ lo ngại về sự ảnh hưởng này đối với quá trình trưởng thành của trẻ em, nhiều nhà nghiên cứu đã gọi tên hiện tượng phụ huynh lạm dụng mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh, thông tin và hoạt động của con bằng thuật ngữ “sharenting” (kết hợp giữa hai từ “overshare” (chia sẻ thái quá) và “parenting” (nuôi dạy trẻ). Với kỹ thuật số, những bức ảnh, nội dung gắn với danh tính những đứa trẻ sẽ được lưu trữ lâu dài khiến con cái trở thành “thế hệ được gắn thẻ” bởi cha mẹ.
Pháp luật Việt Nam quy định rõ về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư của trẻ em, trong đó nghiêm cấm việc đăng tải hình ảnh, tiết lộ đời tư. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này lại đang bị chính phụ huynh xem nhẹ. Điều này đa phần xuất phát từ việc khó cưỡng lại sự đáng yêu của trẻ thơ, nhưng đôi khi cũng khởi nguồn từ quan điểm “con cái là tài sản của cha mẹ”. Tôi từng chứng kiến nhiều đứa trẻ phản ứng hoặc thể hiện sự không hài lòng khi cha mẹ đăng tải thông tin của chúng lên mạng xã hội nhưng lại chỉ nhận về trách mắng. Không ít phụ huynh áp đặt cảm xúc bản thân lên cảm xúc trẻ thơ, thờ ơ với thái độ và tâm lý của con; vô hình chung không chỉ khiến trẻ cảm thấy bản thân bất lực, không được quyền lên tiếng mà còn khiến khoảng cách thế hệ ngày càng xa. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, mong cha mẹ tôn trọng và trao cho con quyền hạnh phúc, trong đó có quyền riêng tư!
DUY AN