Những tác phẩm ở triển lãm “BAO - Tái “nghệ” bao ni-lông” lan tỏa đến cộng đồng góc nhìn mới về loại bao bì đang được con người dùng và bỏ đi mỗi ngày. Không dừng ở giá trị nghệ thuật, những người trẻ tạo nên triển lãm này mong muốn góp một phần nhỏ vào sự bền vững của môi trường Trái đất và trao cho những chiếc bao ni-lông một “chặng đường thứ hai”.
Một mẫu váy được tái chế từ bao ni-lông tại triển lãm. Ảnh: L.V |
“BAO - Tái “nghệ” bao ni-lông” là dự án triển lãm nghệ thuật tương tác vừa diễn ra tại Đà Nẵng, được đồng tổ chức bởi Gác Sao Branding, Đại học Greenwich Việt Nam (cơ sở Đà Nẵng) và Limart - Zero Waste. Tại đó, khách tham quan được tiếp cận hơn 20 tác phẩm tái chế từ bao ni-lông, từ đồ dùng thường ngày đến các mô hình nghệ thuật cá tính. Đó là những cây hoa, bức tranh, túi xách, vòng đeo tay hay những bộ váy độc đáo nhiều màu sắc…
Theo anh Dương Đình Vũ, designer tại Gác Sao Branding - đơn vị chuyên thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, nghệ thuật tái chế (còn gọi là nghệ thuật upcycled hoặc nghệ thuật upcycling) được ứng dụng tại “BAO - Tái “nghệ” bao ni-lông” là loại hình hướng đến các thông điệp về môi trường. Nhấn mạnh “BAO” cũng là từ khóa chủ đạo của triển lãm, Vũ cho biết: “Từ lúc sinh ra cho đến lúc lớn lên, chúng ta bị bao trùm bởi ni-lông, từ chiếc quần, chiếc áo, sách vở, túi… Với mong muốn giảm thiểu sự tác động này, triển lãm nghệ thuật tương tác lần này hướng tới thông điệp “tái chế và hạn chế”.
Đằng sau mỗi tác phẩm từ bao ni-lông là một câu chuyện. Có tác phẩm với hình ảnh chủ đạo là cành cây khô và những chiếc bao ni-lông ở dưới với ngụ ý việc vứt rác bừa bãi ảnh hưởng môi trường, hạn chế sự sinh trưởng của cây cối. Hay bộ sưu tập thời trang “Ngũ hành” của đơn vị thời trang tái chế Refly Fashion với 5 chiếc váy làm từ bao ni-lông mang tông màu tương ứng Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Theo chị Lê Thị Minh Nguyệt, co-founder Refly Fashion, với định hướng theo đuổi dòng thời trang tái chế phục vụ trình diễn và trưng bày, những sản phẩm của đơn vị thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khách hàng; đồng thời việc tái sinh những thứ tưởng chừng bỏ đi như bao ni-lông hay quần áo cũ cũng là cách cắt giảm gánh nặng về tài nguyên sản xuất.
Nhấn mạnh khái niệm “chặng đường thứ hai” hay “vòng đời mới” của bao ni-lông, anh Vũ cho biết, với việc bao ni-lông đã trở thành thói quen sử dụng mặc định hằng ngày, triển lãm không có sự kêu gọi, không có lời hô hào cụ thể nào về việc sử dụng bao ni-lông hay bảo vệ môi trường, thay vào đó để cho khách tham quan lắng nghe, tự cảm nhận và chia sẻ những thông điệp nhẹ nhàng để dần thay đổi nhận thức. Ở đó, bao nilong không còn dừng lại ở một vật chứa hay món rác bỏ đi mà được tái sinh, mang theo giá trị mới để tiếp tục phục vụ đời sống con người.
Khách đến triển lãm bên cạnh việc tham quan còn được trải nghiệm workshop tương tác làm sản phẩm từ bao ni-lông hay tham gia hoạt động Circle Talk trò chuyện về nghệ thuật. Lần đầu tiên có mặt ở sự kiện nghệ thuật tái chế, Nguyễn Hữu Khánh (SN 2003) chia sẻ, trong suy nghĩ của bản thân chưa từng nghĩ đến việc có thể làm một chiếc vòng đeo tay handmade từ ni-lông bỏ đi. Với những người trẻ ở triển lãm, một chiếc vòng từ nguyên liệu tái chế không chỉ mang giá trị thẩm mỹ của một món phụ kiện mà còn chứa đựng những điều mới mẻ, thiết thực về môi trường. Trong tương lai gần, những chương trình như thế này sẽ tiếp tục được lan tỏa, mở rộng về quy mô, hình thức và nội dung để đến gần hơn với cộng đồng.
BÁCH VIỆT