Bầy chim về tổ

.

“Bác sĩ” - giọng của một người, trong số ê-kíp bác sĩ trang phục áo xanh từ phòng mổ cất lên. Phúc ngơ ngác nhìn quanh. Là giọng của ai? Đã có quy định không nói những điều thừa thãi trong lúc bác sĩ đang tập trung mổ. Đây là ca mổ rất quan trọng. “Bác sĩ, chúng ta cần hội ý thêm”. Thì ra là của bác sĩ trưởng khoa, nhưng đó không phải câu ra lệnh, vì hôm nay người phụ trách ca mổ là bác sĩ Tùng.

Bác sĩ Tùng ngước lên, dưới cặp mắt kính sáng, từng giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán cao. Phúc thoáng thấy nét mệt mỏi trong ánh mắt ấy. Bác sĩ Tùng là người giỏi nhất nơi này, anh chưa từng từ chối ca mổ khó nào, và đã thành công gần như tuyệt đối. Ca mổ lần này là cô gái trẻ vừa tròn 18.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hôm người phụ nữ đưa cô con gái đến khám, vào một ngày nhiều gió. Gió thốc tung bụi tường vi mới trổ hoa, vài cánh mỏng không trụ được, bay tơi tả như xác pháo. Sau khi có kết quả xét nghiệm của cô gái trẻ, bác sĩ Tùng chỉ cho Phúc về những chỉ số bất ổn trên xấp giấy tờ. Những con số biết nói ấy mới đáng sợ làm sao. “Cô gái ấy phải được sống” - Phúc nói đanh thép như vậy với bác sĩ Tùng. Vị bác sĩ hiểu rõ tâm tư và cả chút yếu đuối cần vượt qua của đồng nghiệp trẻ, anh vỗ vai Phúc thay cho những điều muốn nói.

Trong phòng bệnh mà ngày nào Phúc cũng theo đội ngũ bác sĩ Tùng đến khám, mỗi lần rời giường bệnh, nhìn vào ánh mắt khắc khoải của người mẹ, tự dưng Phúc muốn nán lại một chút, để tiếp thêm nguồn hy vọng cho bệnh nhân, hay chỉ là giúp người mẹ trấn tĩnh hơn trong nỗi hoang mang. Người bệnh đã phải chịu cảm giác khó chịu, mỏi mệt rồi, nếu như có thêm chút ân cần nữa sẽ vực dậy tinh thần họ rất nhiều. Phúc đã nghĩ vậy. Nhưng thực tế khác lắm, còn nhiều việc ở phòng bệnh chờ Phúc, buộc Phúc phải nhanh chóng mới hoàn thành tốt công việc, dù sao, thứ Phúc cần bây giờ là thang điểm đánh giá cao, để được nhận vào làm bác sĩ chính ở bệnh viện bậc nhất này. Ý nghĩ ấy thúc giục những bước chân Phúc.

“Khối u đã lây lan quá rộng, nếu tiếp tục mổ sẽ chỉ khiến bệnh nhân đau đớn hơn” - giọng một bác sĩ khác. Lúc này, bác sĩ Tùng đã dừng lại. Hai cánh tay anh tì hẳn vào thành giường...

“Đừng dừng, bác sĩ Tùng, đừng dừng…” - Phúc lẩm nhẩm trong đầu, những ngôn từ như bị chặn ở cổ họng, dù vậy, Phúc vẫn mong bác sĩ Tùng nghe những gì Phúc nói, sẽ tiếp tục tìm cách để thực hiện ca mổ thành công, như bao lần khác. Phúc đã chờ đợi điều đó, nhưng không, bác sĩ Tùng chọn dừng lại.

Phúc như ngã quỵ ở giây phút ấy, anh biết, sẽ chẳng còn bất cứ phép màu nào cho sinh mạng của cô gái trẻ kia. Phúc hình dung ra vẻ khắc khổ của bà mẹ khi nhận tin xấu… Và bây giờ, nhìn ê-kíp bác sĩ lần lượt rời khỏi phòng mổ, mắt Phúc mờ hẳn đi. Phúc phải ở lại với nhiệm vụ sau cùng: khâu lại vết mổ. Những ngón tay anh dường như chẳng còn tuân theo ý mình, chúng như bị vôi hóa, đơ ra.

Bất ngờ, nhịp tim của bệnh nhân rớt đột ngột, trong lúc Phúc đang dùng tất cả sự tập trung để điều khiển những ngón tay mình cho những mũi khâu cuối cùng. Tai Phúc còn nghe được giọng thất thanh của cô y tá đang nhấn chuông báo về phòng trực: “Bác sĩ, khẩn cấp”.

***

“Đừng dừng, bác sĩ, đừng dừng lại…” - Phúc ú ớ trong cơn mê sảng. Phúc choàng tỉnh, trước mắt anh là ô cửa nhìn ra một khu vườn đầy cây xanh. Phúc nhớ ra tất cả, chuyến đi nghỉ ngơi theo gợi ý của bác sĩ Tùng, sau hôm Phúc đi ngang phòng giám đốc, tình cờ nghe được cuộc đối thoại của bác sĩ Tùng với cấp trên. Giọng của giám đốc, Phúc đã nghe nhiều lần trong cuộc họp nên không thể lẫn lộn. Ông nói rằng, Phúc có biểu hiện tâm lý bất ổn sau cái chết của cô gái trẻ, một tâm lý không lành lặn như vậy liệu có thể điều trị được cho người khác không? Khi ấy, Phúc biết hồ sơ thực tập của mình đã bị loại.

Hôm Phúc rời đi, bác sĩ Tùng nhắn cho Phúc rằng: “Sẽ có nhiều cánh cửa khác, nhưng em cứ nghỉ ngơi thêm đã”, kèm theo dòng địa chỉ, và Phúc đã có mặt ở đây, nơi có thiên nhiên hoang sơ và ngôi nhà lọt thỏm giữa những khóm hoa tràn ngập lối đi về.

Căn nhà mà các đồng nghiệp gọi vui là nhà “chữa lành” của bác sĩ Tùng. Mỗi năm đều đón những đồng nghiệp đến nghỉ ngơi. Bác sĩ Tùng như một người anh lớn của Phúc, dìu dắt Phúc từ khi còn ngồi trên giảng đường, cho đến những đợt thực tập, thử việc ở bệnh viện.

Hôm Phúc đến, giữa chiều muộn mà hoa còn vàng rực rỡ. Người mở cổng cho Phúc là chú Thiên. Chú là người ở hẳn nơi này, để chăm cây và trồng vườn thuốc nam. Nghe đâu chú Thiên cũng là bác sĩ về hưu, sống một mình. Một lần theo bác sĩ Tùng lên chơi, chú thích khí hậu mát mẻ nơn này nên xin ở lại hẳn. Nhờ có bàn tay chăm chỉ của chú Thiên mà nơi này trở nên có sức sống hơn hẳn. Phúc nhìn chung quanh, có lối mòn đã nhẵn thín bởi dấu chân người. Phía xa đã thấy vài ánh đèn được bật. Nơi đây không hẳn hoang sơ mà đã có người.

Chú Thiên đón Phúc bằng nụ cười đôn hậu: “Bác sĩ trẻ quá hen, vào đi con!”.

Mỗi ngày, việc của chú Thiên là chăm sóc khu vườn. Dưới bàn tay chăm chỉ của chú, khu vườn ngày càng xanh tươi, hoa nở rộ bốn mùa. Mỗi sáng, chú ngồi thưởng trà, ăn bữa sáng lành mạnh với vài củ khoai, trái bắp trong khuôn viên sân vườn góc nào cũng đẹp. Ngày trôi qua trong thảnh thơi, bình an. Có lần Phúc hỏi chú Thiên: “Rồi chú sống bằng gì?”. Chú Thiên cười: “Già rồi, chỉ cần bao gạo, ít thực phẩm chay cũng sống qua ngày. Thỉnh thoảng bác sĩ Tùng lên chơi thì được bữa ăn sang…” - chú Thiên nói xong cười rất sảng khoái. Nụ cười chẳng chút lo toan, vướng bận gì.

***

Nửa đêm, có tiếng đập cửa thất thanh: “Chú Thiên, chú Thiên, cứu con tôi với”. Phúc ra mở cửa. Trên lưng người đàn ông là đứa trẻ, mặt mũi tái xanh tái mét, chân đang chảy máu rất nhiều. Tất cả đèn trong nhà được bật lên, đứa trẻ được đặt lên chiếc bàn dài trong gian bếp. Chú Thiên lôi mớ đồ nghề ra sơ cứu, kiểm tra độ nông sâu của vết thương, rửa vết thương rồi tìm cách cầm máu. Chừng nửa tiếng là xong hẳn.

Chú Thiên nhìn đồng hồ thấy đã khuya, ướm chừng trời mùa này nhiều sương, nói người đàn ông cứ để đứa trẻ ngủ lại mai về. Căn nhà đêm ấy có thêm người.

Buổi sáng, Phúc mở cửa sổ đã ngửi thấy mùi hương ngọc lan ngoài vườn tràn vào căn nhà. Con Lu cất tiếng sủa vang khi nhận ra bước chân người từ xa: bác sĩ Tùng.

Phúc vui mừng như muốn reo lên, vội chạy ra mở cửa. Bác sĩ Tùng nhìn vào thấy hai cha con cũng vừa tỉnh giấc, vết băng trắng toát vùng cổ chân. Anh nhìn Phúc cười tươi: “Hèn chi mà bác sĩ Phúc không chịu về thành phố luôn hen, ở đây cũng có bệnh nhân mà!”. Phúc cười, hai mắt như nhắm tít lại. Anh vỗ vai Phúc hỏi: “Nay khỏe hẳn chưa?”. Phúc quên luôn cả mình đang là bệnh nhân theo lời bác sĩ Tùng căn dặn: “Đừng thờ ơ với sức khỏe tinh thần. Nếu muốn là bác sĩ giỏi, phải giữ sức khỏe ổn định cho mình trước”. Trong màu nắng sớm, Phúc thấy cơ thể mình như những khóm cây đang bung tràn nhựa sống trước hiên nhà. Có lẽ do Phúc hợp với không khí, con người nơi đây chăng?

Vậy là Phúc đã về đây được ba tháng, trong căn nhà chữa lành chẳng có bất cứ bảng hiệu nào nhưng bệnh nhân vẫn tìm đến. Họ là người ở cùng ngọn đồi, hoặc có khi từ bên kia ngọn đồi, đi sang. Có những nơi chẳng có đường mòn, chỉ đi bộ. Đi gần nửa ngày mới đến được ngôi nhà chữa lành, nhưng bệnh của họ thì sau đó giảm thấy rõ. Có những người đến chỉ để ngắm hoa, uống tách trà, để lại nải chuối, con cá suối, rồi rời đi.

Bác sĩ Tùng soạn hành lý, đưa cho Phúc xấp tài liệu cho mảng đào tạo chuyên sâu mà Phúc đang theo học online. Anh bảo: “Chỉ tập trung cho sức khỏe với học hành thôi, đừng lo gì hết”. Phúc biết bác sĩ Tùng đang nói đến mẹ Phúc ở quê nhà. Phúc nhớ mẹ, nhưng anh chưa thể về nhà trong lúc này, Phúc sẽ chăm chỉ học tập để trở thành bác sĩ giỏi, đó sẽ là món quà cho ngày gặp lại mẹ Phúc.

Chiều mát, chú Thiên kê bàn ra giữa sân vườn. Bữa tối là con cá chẽm hơn 2kg của bà con đi ngang, ghé cho. Chú Thiên làm món cá hấp gừng, ăn với mớ rau rừng có sẵn trong vườn. Nhìn chú bày biện không khác gì ở nhà hàng, mùi cá chín bốc lên thơm khó cưỡng. Mùa này trời lạnh, ăn món cá hấp nóng là ngon phải biết. Cả ba người ngồi ăn trong làn sương lảng bảng cuối chiều. Miền quê yên ả quá, bình yên quá!

***

Phúc tiễn chân một bệnh nhân là cụ bà ra tận ngoài xe, chỗ cậu con trai đang đứng sẵn đợi, giọng Phúc ngọt ngào: “Bà về nhớ lời con dặn nha, hạn chế đi lại trong thời gian điều trị thì khớp mới nhanh khỏe được. Nếu đau quá cứ nói con trai chở ra gặp con”. Bà cụ đi lại chậm chạp khó khăn bởi chứng đau khớp gối, nhưng ánh mắt luôn tươi vui mỗi lần đến khám bệnh, trong căn nhà chữa lành.

Mỗi lần tiếp xúc bệnh nhân là người lớn tuổi, lòng Phúc lại mềm lòng ra vì nhớ mẹ. Từng lời nói, cử chỉ của Phúc luôn mềm mại, dễ nghe, như cách mà anh ứng xử với người mẹ thương yêu của mình.

Cô y tá mở cửa, gọi lớn: “Bác sĩ Phúc”. Vẻ liếng loắt của cô ấy rất khác khi có bệnh nhân. Phúc nhìn ra. Ngoài cổng, chiếc xe hơi của bác sĩ Tùng vừa dừng bánh, người ngồi bên trong xe là mẹ Phúc.

Phúc như đứa trẻ, chạy ào ra đón lấy mẹ đỡ xuống xe. Bà nhìn Phúc từ đầu đến chân trong một thân thể mạnh khỏe, hồng hào, rồi bà mới ôm chầm lấy Phúc, đưa bàn tay gầy guộc vỗ vỗ vào lưng Phúc, như cách mà mẹ vỗ về Phúc khi còn nhỏ.

Bữa ăn tối có bốn người, trong khu vườn ngào ngạt hương ngọc lan. Mẹ kể: “Ở quê mình, có mấy đứa trẻ xem trên mạng có thấy con. Tụi nó nói bác sĩ Phúc tư vấn dinh dưỡng cho bà con qua online, được bà con quý mến lắm!”. Bác sĩ Tùng tiếp lời: “Người nhà của đồng nghiệp con mê kênh của bác sĩ Phúc lắm, xem không bỏ lỡ buổi nào”. Chú Thiên cũng khoe: “Nhờ Phúc chỉ rành rẽ mà chú mới biết vào mạng để xem những thông tin hữu ích”. Những câu chuyện râm ran cho đến khi bầy chim sẻ ríu rít gọi nhau về tổ trên tán lá ngọc lan. Ráng chiều nhường chỗ cho màn đêm.

Ngày trôi qua trong bình yên!

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.