Tuổi thơ luôn có những bí mật rất diệu kỳ, lạ lùng và đôi lúc thần bí không kém những câu chuyện cổ tích. Tuổi thơ của những đứa trẻ ở thời công nghệ liệu có giống tuổi thơ của những đứa trẻ nhiều năm về trước? Chúng có bị cuộc sống hiện đại chi phối đến mức lơ là với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, bị mất đi nỗi mộng mơ tuyệt đẹp - thứ được xem là món quà quý giá, là đặc ân lớn nhất mà chỉ có tâm hồn trong trẻo của lứa tuổi này mới được ban tặng?
Truyện dài thiếu nhi "Những thiên thần của người gác rừng" của nhà văn Phương Huyền (Phương Nam Book và NXB Thế giới liên kết phát hành) mang đến cho các em những điều tuyệt đẹp như một khu rừng cổ tích. Các em tha hồ thả mình vào thế giới tưởng tượng tràn ngập sắc màu, tiếng hát, tiếng nói cười, của cỏ cây hoa lá, của muông thú gần gũi và dễ thương… Để rồi, gấp trang sách lại, những điều lấp lánh như phép màu ấy chắc chắn sẽ trở thành những bí mật theo suốt những năm tháng sau này của các em. Như cái cách mà bé Mi - nhân vật chính trong truyện, đã giữ bí mật cho khu rừng và cho riêng mình, trong một ngăn ký ức thật đẹp và vô cùng đặc biệt.
Mi là một bé gái đặc biệt với trí tưởng tượng vô biên. Vậy nên, cái cách mà cô bé đặt tên cho những con thú nhồi bông thân thương của mình cũng độc lạ không kém. Như chú rùa nhồi bông, tôi chẳng thể đoán ra được Bọt Biển lại là một chú rùa! Cũng như những bé gái khác, Mi có rất nhiều thú cưng là thú nhồi bông. Nhiều đến mức Mi phải mở hẳn một “bệnh viện thiên đường” để chăm sóc chúng. Nhưng Mèo Cà Chua và Bọt Biển là được Mi ưu ái nhất, đi đâu cũng đèo bòng hai đứa theo bên mình. Nhờ vậy mà hai đứa có dịp “mở mắt” chứng kiến nhiều điều lạ lùng, tuyệt vời trong chuyến về quê cùng mẹ con chị Mi. Nhờ vậy, chúng biết được ở đó có ngôi chợ quê miền Trung giản dị với những món đồ quê: mấy trái mít non, dăm ba trái ổi, cây mía, vài mẻ cá tươi, mấy cân chắt chắt…
Và cũng nhờ vậy, chúng được cùng chị Mi phiêu lưu vào một khu rừng ngập tràn những điều kỳ bí, đến mức chúng không thể nào tưởng tượng nổi! Phải, chúng làm sao tưởng tượng được một lúc nào đó chúng lại có thể nói… tiếng người! Tiếng nói mới tuyệt diệu làm sao! Làm sao chúng có thể tưởng tượng được bầy cá có thể hát, bầy chuồn chuồn có thể bay đi hút mật phấn hoa chứ không phải là bầy ong. Bé Mi cũng không thể nào tưởng tượng nổi có lúc mình biến thành một cô bé Tí Hon. Cô bé cũng không ngờ mình đụng phải “đối thủ” lắc léo là ông già gác rừng cứ nhất quyết gọi con chó của mình là con bò. Ba chị em như lạc vào một giấc mơ tuyệt đẹp; một thế giới thần tiên tuyệt vời với bao điều ngọt ngào: lá cây có thể biến thành kẹo ngọt, dòng nước màu hồng là dòng sông siro có thể uống thỏa thích mà không bị căng phồng cái bụng… Và ở đó, có những thiên thần gác rừng đầy sắc màu lấp lánh vừa xinh đẹp vừa dịu dàng. Và cả những bông hoa đẹp không cưỡng nổi…
Phương Huyền vừa là phóng viên, biên tập viên Kênh FM 99.Mhz, vừa là MC, nhà văn, diễn giả… Cô cũng vừa được bầu chọn là 1 trong 10 Đại sứ Văn hóa đọc nhiệm kỳ 2024-2025 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Chân cô là chân đi. Có lúc tôi đùa “Huyền đi như gió”. Điều đặc biệt là Huyền cũng rất siêng cho Mi - con gái cô - chính là bé Mi trong truyện dài này, theo mẹ đi khắp nơi. Có lẽ vì vậy mà sự gắn kết giữa hai mẹ con vô cùng đặc biệt, hiểu rõ tính nết nhau, như hai người bạn thân thiết, chia sẻ mọi điều. Độc giả bị hút vào những câu chuyện lạ lùng của hai mẹ con cô trong suốt mạch truyện. Như cái cách mà cô bé bày tỏ tình cảm với mẹ bằng câu nói “ngửi thấy mùi tình yêu”!
Trong chuyến về quê đặc biệt này, Mi được mẹ truyền cho tình yêu nguồn cội qua những hành động giản đơn nhưng đầy ý nghĩa: thăm và thắp nhang cho những người thân đã khuất. Cô bé được chạm vào những điều thiêng liêng sâu thẳm nhất ở quê nhà của mẹ, nơi mẹ đã có tuổi thơ thật đẹp với những buổi chăn bò trong rừng, hít thở không khí thiên nhiên trong lành. Cũng nơi này, Mi nhận ra tại sao mẹ khóc khi nghe tiếng mìn phá núi đá từ xa. Vì những lợi ích trước mắt, con người đã hủy hoại thiên nhiên mà chẳng màng tới những tác hại lâu dài... Tình yêu thiên nhiên được khơi gợi một cách tự nhiên nhưng thật hiệu quả từ chính trải nghiệm sống động này. Từ đó, bé Mi đã cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường, qua nét vẽ sinh động của mình.
Phương Huyền kể chuyện cho thiếu nhi bằng giọng văn gần gũi, tự nhiên nhưng thật cuốn hút. Trẻ em có thể nhìn thấy chính mình qua những mẩu đối thoại dễ thương của bé Mi cùng bầy thú nhồi bông siêu đáng yêu của mình. Biết đâu, các em cũng sẽ xây cho thú cưng của mình một bệnh viện thiên đường như chị Mi, hoặc một lớp học sinh động, hoặc một sở thú với những điều kỳ lạ… Và biết đâu, gấp trang sách lại, các em có thể mơ một giấc mơ thật đẹp mà trong đó mình có thể vẫy vùng trong dòng sông màu hồng, màu xanh, màu đỏ nào đó… Các em có thể được bầy bướm lấp lánh - những thiên thần gác rừng cần mẫn đáng yêu chở đi tham quan khắp khu rừng kẹo ngọt…Và các em sẽ biết cất lên tiếng nói để bày tỏ tình yêu của mình với từng chiếc lá, từng mầm cây, từng mảnh đất đã nuôi dưỡng mình lớn lên, chống lại những sự xâm hại đến thiên nhiên.
Phương Huyền bận rộn với công việc nhưng cô luôn dành thời gian để đi đến các trường học giao lưu, khuyến khích các em đọc sách. Đây là dịp để cô đến gần với trẻ em, lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia. Biết lắng nghe - chính là cách để ngòi bút của cô chạm được vào tâm hồn của trẻ em. Có lẽ vậy mà khi gấp lại những trang cuối cùng của cuốn sách, một thế giới đầy sắc màu, đầy cảm xúc trong trẻo và rộn ràng của những tiếng nói cười trẻ thơ vẫn quấn lấy tâm trí, không rời!
TRẦN HUYỀN TRANG