Cái cây mất đi

.

Mấy hôm đi công tác xa về, vừa đến nhà tôi đã giật mình thấy sao trước cửa nhà nắng to thế. Ngẩng mặt nhìn lên, hóa ra nhà hàng xóm đã chặt đi cái cây cổ thụ từ hôm nào. Đang mùa hạ oi nồng, nhà lại hướng Tây, thế nên sự thiếu vắng cái cây mới thấy rõ tầm quan trọng của bóng mát, của sự chở che ngăn những cơn nắng đổ lửa dội thẳng vào nhà mỗi khi mặt trời không còn đứng bóng.

Một hôm, hai hôm, rồi lâu hơn nữa, sự thiếu vắng cái cây ngày nào cũng nhìn thấy vẫn khiến mình nhung nhớ. Nhớ nhất là mỗi sáng thức giấc khi kéo rèm cửa nhìn ra không gian xanh mát líu lo, rộn rã tiếng chim sẻ, chào mào gọi nhau. Thậm chí, nhớ cả những điều trước đây không thích lắm, ví như phải quét lá rụng ngày hai lần, nhất là những hôm mưa to gió lớn, hay chuyện vì có cây mà lũ ve sầu đồng thanh kêu đinh tai nhức óc những ngày hè khó ngủ. Không còn cái cây cổ thụ nữa, tầm mắt rộng mở hơn, bầu trời trước mặt quang đãng hơn, nhưng dường như điều đó càng làm nỗi nhớ thêm trầm buồn, sâu nặng...

Hóa ra ở đời, nhiều khi có những chuyện tưởng như bình thường, như là đương nhiên phải thế, mọi ngày chẳng chú ý, để tâm ấy vậy mà khi bỗng chốc không còn hiện diện, chợt thấy quý giá xiết bao. Mà đấy chỉ là những sự mất đi bất chợt, không chủ đích. Còn những thứ, những điều mất đi do chủ ý, do cảm thấy không còn giá trị, không nuối tiếc, ăn năn gì thì thật khó cảm nhận, không dễ dàng nói ra.

Tôi bất chợt nhớ câu chuyện về bà cụ tuổi đã xế chiều ở tỉnh Đồng Tháp nhiều tâm tư vì phải chặt một cái cây cổ thụ vườn nhà, trong một lần đi thực tế viết bài về xây dựng nông thôn mới. Chuyến đi đó đã lâu, lại viết nhiều bài về nông thôn mới trên khắp cả nước nên tôi không nhớ chính xác tên bà cụ, tên xã và huyện. Nhưng chuyện đó đâu quá quan trọng, bởi nội dung đáng nhớ là ở câu chuyện cái cây bị chặt khiến bà cụ buồn đau, trăn trở khôn nguôi.

Bà cụ ở một mình, đất vườn rộng rãi. Khi xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương có vận động các hộ gia đình trong xã hiến đất để mở đường to rộng, khang trang hơn. Nhiều gia đình sẵn sàng và đã thực hiện. Bà cụ cũng không tiếc gì. Nhưng trớ trêu là trong phần đất định hiến để làm con đường thẳng tắp ấy lại đúng cây xoài cổ thụ. Mà cây xoài ấy, là do chồng bà trồng tặng bà. Từ khi chồng mất, bà coi đó như ông còn tồn tại, hằng ngày tưới tắm, “chuyện trò” cho vơi đi nỗi cô đơn, hiu quạnh tuổi già. Nhiều cán bộ chính quyền, đoàn thể đến vận động, bà vẫn lần lữa. Chỉ vì giá trị tinh thần. Rồi một hôm, bà chủ động gọi điện cho lãnh đạo xã thông báo rằng, hôm sau bà đi ăn giỗ ở xa, cho người đến chặt cây để làm đường, vì ở nhà thì bà không chịu nổi nỗi đau, sự mất mát vô hình ấy. Mỗi đường cưa, nhát dao cứ như đang chạm vào da thịt bà vậy...

Ấy chỉ là chuyện những cái cây cổ thụ mất đi thôi, dù sự gắn bó và ý nghĩa khác nhau, với tôi và với bà cụ chắc chỉ gặp một lần trong đời, cũng thấy những cảm xúc lạ lùng, những rung động trào dâng. Thì ra, nhiều khi chỉ những gì đã mất đi rồi, mới thấy giá trị, ý nghĩa của sự gần gũi, thiết thân, gắn bó hằng ngày quen thuộc. Sự mất đi, vì mình không thể giữ, vì không thuộc về mình mà còn xuyến xao, hoài niệm, nuối tiếc đến thế nữa là...

NGUYỄN TRI THỨC

;
;
.
.
.
.
.