CHÂN TRỜI ĐIỆN ẢNH

Kỳ vọng "thành phố phim trường"

.

Đầu tư các phim trường, đào tạo nhân lực chính quy, xây dựng chính sách hỗ trợ… là những đề xuất từ những nhà làm phim, chuyên gia với Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung để thu hút các đoàn làm phim và phát triển công nghiệp điện ảnh.

Một cảnh trong phim điện ảnh
Một cảnh trong phim điện ảnh "Yêu em bất chấp" quay tại Đà Nẵng. Ảnh: ĐPCC

Đạo diễn Văn Công Viễn nhớ lại thời gian bấm máy bộ phim “Yêu em bất chấp” tại Đà Nẵng hồi tháng 9-2017. Thông qua những góc máy chỉn chu, tác phẩm điện ảnh được coi là phiên bản Việt của bộ phim Hàn Quốc “My Sassy Girl” (tựa Việt: Cô nàng ngổ ngáo) truyền tải lên màn ảnh rộng những hình ảnh đẹp của Đà Nẵng và Quảng Nam. Ở đó, có cầu Rồng, vòng quay Mặt trời, đường Bạch Đằng, sông Hàn, Công viên Biển Đông, đèo Hải Vân… và đặc biệt là hồ Hòa Trung - không gian cho cảnh cao trào của bộ phim. Tất cả trở thành phim trường lý tưởng cho diễn xuất của cặp đôi diễn viên chính là Hoài Lâm và Ngọc Thanh Tâm.

Môi trường làm phim thuận lợi

“Yêu em bất chấp” ra rạp vào năm 2018. Trước và sau mốc thời gian này, Đà Nẵng cũng xuất hiện trong nhiều bộ phim khác như: Cô gái đến từ hôm qua (2017), Black Knight Decoded (2015), The Protégé (2021), Taxi Driver 2 (2021), A Tourist’s Guide to Love (2023)… Tuy nhiên chỉ có “Yêu em bất chấp” là tác phẩm điện ảnh sử dụng bối cảnh có thời lượng lớn ở thành phố bên sông Hàn.

Quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trong tâm thức đạo diễn Văn Công Viễn, vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng luôn chứa đựng cảm xúc đặc biệt. “Kỷ niệm mà đoàn phim chúng tôi nhớ nhất khi bấm máy “Yêu em bất chấp” chính là sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền, cơ quan chức năng địa phương, như trong một phân cảnh có hình ảnh chính là cầu Rồng, hệ thống đèn trang trí trên cầu được cho phép bật sáng xuyên đêm để giúp đoàn phim hoàn tất cảnh quay”, anh Viễn kể lại.

Từng đồng hành cùng ekip “Yêu em bất chấp”, đạo diễn Lê Hoàng Nam, người đứng sau những thước phim quảng bá đời sống, văn hóa và du lịch của Đà Nẵng và nhiều địa phương trên cả nước, nhìn nhận: "Đà Nẵng là một phim trường khổng lồ, là một thành phố phim trường lý tưởng có thể đáp ứng tất cả những yêu cầu của một đoàn phim về bối cảnh. Đầu tiên là sự đa dạng cảnh quan với sông, núi, biển, vị trí địa lý gần những không gian di sản - văn hóa như Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Tiếp đó là sự tạo điều kiện của chính quyền trong việc phát triển bộ môn điện ảnh và khuyến khích tổ chức nhiều hoạt động liên quan. Cuối cùng là sự nhiệt tình giúp đỡ từ phía người dân địa phương. Có thể nói nếu phát triển điện ảnh ở miền Trung thì không nơi nào phù hợp hơn thành phố này”.

Đồng quan điểm, đạo diễn Văn Công Viễn cho rằng, câu chuyện kết nối giữa Đà Nẵng với Thừa Thiên Huế và Quảng Nam có thể hình thành nên cụm liên kết từ chính sách đến hướng đào tạo nhân sự, hình thành môi trường tốt cho điện ảnh. Việc được chọn làm bối cảnh cho một bộ phim cũng là cách quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, Đà Nẵng luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà làm phim đến tìm hiểu, quay phim tại thành phố. Các thủ tục liên quan triển khai theo quy định của Luật Điện ảnh, tuy nhiên, trong khả năng của mình, thành phố sẽ hỗ trợ tối đa các nhà làm phim thông qua việc rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. “Định hướng của Đà Nẵng là cố gắng hình thành những phim trường phục vụ cho việc làm phim cũng như các sự kiện văn hóa khác của thành phố”, ông Vỹ nhấn mạnh.

Chính sách và con người là cốt lõi

Theo nhiều chuyên gia điện ảnh trong và ngoài nước, Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua tháng 6-2022 và có hiệu lực từ 1-1-2023 tạo nên hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh, mở ra cơ hội cho các địa phương quảng bá nhiều mặt thông qua điện ảnh. Tuy nhiên, vẫn cần những quy định cụ thể hơn để thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh; khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành phim, phát triển thị trường điện ảnh…

Theo ông Hà Vỹ, Đà Nẵng hiện chưa có những đơn vị chuyên nghiệp hỗ trợ các nhà làm phim, tuy nhiên với những trường hợp nhất định thì các đơn vị công hoặc những đơn vị doanh nghiệp sự kiện vẫn có thể xúc tiến. Đặc biệt cần có sự liên kết của các đơn vị, sở, ngành với doanh nghiệp, của công và tư để hình thành chuỗi cùng với các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho những nhà làm phim.

Trong khuôn khổ hội thảo “Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng” mùa hè năm ngoái, ông Franck Priot, cựu Giám đốc điều hành Film France, Ủy ban Điện ảnh Pháp, cho biết việc ghi hình ở nhiều địa điểm cần xin nhiều giấy phép, điều này ảnh hưởng tiến độ của các đoàn làm phim. Do đó, ông đề xuất Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung nên hình thành một đơn vị địa phương chuyên hỗ trợ các đoàn phim về mặt thủ tục, giấy phép ghi hình đúng quy định pháp luật. Đây là cách làm quan trọng đã được triển khai ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)… nhằm cạnh tranh, thu hút các nhà làm phim đến địa phương.

Theo ông Franck Priot, bên cạnh việc phát triển những chính sách thu hút các đoàn làm phim, cần phải phát triển được nguồn nhân lực cho hoạt động điện ảnh và xây dựng hình ảnh nhận diện của địa phương. Liên quan câu chuyện nhân lực, đạo diễn Văn Công Viễn cho hay, đây là yếu tối quan trọng nhất khi làm phim. Cá nhân anh khi quay phim “Yêu em bất chấp” cũng rất khó để tìm các diễn viên có thể thoại tốt với số lượng đông tại Đà Nẵng. Từ thực tế đó, anh đề xuất thành phố nên có thêm nhiều sân chơi cho các nhà làm phim trẻ trong cộng đồng, đồng thời có chính sách thu hút…

Đồng ý kiến, đạo diễn Lê Hoàng Nam cho rằng thành phố nên tăng cường đào tạo thông qua phát triển chuyên ngành sân khấu điện ảnh ở các trường, học viện điện ảnh để đào tạo chuyên nghiệp chứ không nên dừng lại ở các workshop ngắn hạn. Điều này là thực tế khi Đà Nẵng có nhiều người giỏi, đam mê điện ảnh nhưng chưa có nhiều cơ hội cọ xát với môi trường làm phim chính quy, chuyên nghiệp. “Để làm phim điện ảnh, phim chất lượng cao đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng và chuyên nghiệp ở nhiều vị trí: biên kịch, đạo diễn hình ảnh, diễn viên, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật dựng, đổ màu… Thay vì kiêm nhiệm nhiều việc như hiện nay thì mỗi người vững một vai trò, đó là tư duy cần có để làm phim chất lượng hơn”, anh Nam cho biết.

Xuất hiện trên một số bộ phim quốc tế, hình ảnh cầu Rồng được xem là biểu tượng đặc trưng của thành phố Đà Nẵng. Theo ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc chính sách công của Netflix Nhật Bản, thông qua một bối cảnh, một địa danh, thắng cảnh nổi tiếng xuất hiện trong phim, khán giả sẽ biết và mong muốn tìm hiểu, khám phá địa danh đó. Việc đặt bối cảnh phim và huy động diễn viên quần chúng bản địa tham gia cũng là cách để người dân tự hào quảng bá bản sắc của địa phương. Như vậy, điện ảnh trở thành cầu nối quan trọng để kết nối con người ở mọi vùng miền và địa phương tại nơi ghi hình cũng sẽ được hưởng lợi.
Rất nhiều điều cần làm, để đưa Đà Nẵng trở thành một điểm đến hấp dẫn về công nghiệp điện ảnh, trong tương lai gần.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.