Chuyện nghề báo

Chúng tôi, Đà Nẵng cuối tuần

.

Vị trí nào của ấn bản cuối tuần trong dòng chảy thông tin? Bạn đọc chọn Đà Nẵng cuối tuần (ĐNCT) không phải để tìm tin tức nóng hổi, cập nhật thời sự mà là cách nhìn đa dạng về một vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đòi hỏi sự sâu lắng, gợi nhiều cảm xúc, suy nghĩ, để từ đó lắng đọng theo trang báo.

Xác định mục tiêu và định hình bản sắc là một câu chuyện dài, các thế hệ làm báo ĐNCT trước đây đã xây dựng nội dung “chất tuần” theo hướng nhiều cảm xúc thẩm mỹ văn chương trong bài viết. Và chúng tôi hôm nay, kế thừa và nỗ lực tìm tòi các vấn đề được bạn đọc quan tâm. Khó nhất là xác định đúng cái mà người đọc cần, chứ không chỉ cái ĐNCT có thể. Làm sao cho “chất tuần” ngày càng sâu sắc và đằm thắm? Làm sao góp tiếng nói của mình để đời sống văn hóa, văn nghệ của thành phố ngày càng tươi mới?

Chất văn trong báo

Mang tính chất “báo Đảng” song ĐNCT tiếp cận chủ đề theo hướng “mềm” đi sự khô cứng, chặt chẽ của yêu cầu chính luận, các chủ đề và bài viết theo hướng giàu chất văn trong báo. Triển khai chuyên đề, tập thể ĐNCT luôn nhắc nhau chọn những vấn đề có tính văn hóa, văn nghệ, gắn liền cuộc sống được bạn đọc quan tâm. Chọn chủ đề đã khó nhưng tiếp cận và thể hiện ra bài viết cụ thể là một bước trần ai, cho nên mỗi lần họp phòng chuẩn bị chủ đề bao giờ cũng sôi nổi và nhiều tranh luận nhất. Chúng tôi hiểu đây là bước học nghề thông qua công việc.

Chẳng hạn, khi lễ trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các báo đều đưa tin, nhưng dưới góc độ cuối tuần thì phải thể hiện như thế nào để bảo đảm sự tôn vinh, tự hào nhưng không ước lệ. Số ĐNCT chuyên đề “NSND và NSƯT - vốn quý của thành phố” chọn cách thực hiện không lặp lại thông tin như báo điện tử. Một loạt bài viết khắc họa chân dung các NSND, NSƯT được thể hiện theo hướng sâu và chi tiết hơn. Qua đó nêu được tinh thần đóng góp và giá trị cao quý của danh hiệu được trao, đó là vinh dự cá nhân đồng thời cũng là niềm tự hào của thành phố.

Lễ hội pháo hoa quốc tế đã sang năm thứ 17, cách đưa tin đã gần như thành công thức, vậy cái khác của ĐNCT? Chúng tôi chọn cách tiếp cận khác với báo ngày bằng các bài viết, trong đó khái quát hiệu quả ánh sáng và lòng người sau 16 năm có thi pháo hoa quốc tế. Bài viết nêu lên một quá trình, hơn thế là sự thể hiện quyết tâm nâng tầm cho lễ hội như là cách Đà Nẵng nạm hoa lên trời, cũng chính là nạm hoa cho cuộc sống. Lễ hội pháo hoa quốc tế thành thương hiệu độc sáng là nỗ lực lớn của thành phố. Bài viết gửi đi thông điệp, khó như tổ chức thi pháo hoa quốc tế nhưng Đà Nẵng làm được, thì việc hình thành không gian đô thị với các hoạt động độc đáo, hấp dẫn không phải là điều quá xa vời, đặc biệt, có những việc không cần quá nhiều sự đầu tư về vật chất cũng có thể góp phần tạo ra hình ảnh thân thiện và đáng sống cho Đà Nẵng.

Đà Nẵng là thành phố đặc biệt, vì vừa có đô thị vừa có nông thôn, vừa có sông, có biển, núi. Văn hóa làng xóm, quê hương cùng với văn hóa biển ngày ngày hiển hiện. ĐNCT góp phần đánh thức, giữ gìn và tự hào về những giá trị đó. Bởi sự bận rộn mưu sinh cũng như tiện nghi đô thị có thể khiến mình dễ quên đi giá trị văn hóa dân tộc. Điều này là nỗi lo, là sự quan tâm của rất nhiều nhà văn hóa, ta sẽ nghèo đi nếu rời xa làng xóm, quê hương. Cuộc sống có thể giàu nhưng sẽ là phiến diện nếu thiếu chiều sâu văn hóa. May mắn, người dân thành phố vẫn còn hệ thống thiết chế văn hóa tâm linh; những mái đình, miếu mạo mang đậm nét kiến trúc cũ xưa và sắc thái tín ngưỡng làng xã; những lễ hội dân gian địa phương có giá trị văn hóa lịch sử... Những làng chài đã dần thay đổi, nhưng trong lối sống, lời ăn tiếng nói, phong cách qua bao thế hệ, chiều sâu văn hóa, tâm linh vẫn có mặt một cách đậm đặc, đó là những lễ nghi, tập quán, thờ cúng. Những giá trị này giúp cố kết quan hệ dòng tộc, xóm giềng; nhắc nhở các thế hệ mai sau sống có nghĩa, có tình, biết tôn trọng cái cũ để làm phong phú hiện tại, để biết sống nhân hậu, thủy chung, phát huy truyền thống đoàn kết, cùng nhau giữ gìn di sản do tiền nhân để lại…

Câu chuyện trang bìa

Ấn tượng đầu tiên thông qua sắc màu luôn quan trọng. Điều này cũng đúng với trang bìa của số báo. Vì vậy, bên cạnh nỗi lo chủ đề, tổ chức bài vở, liên hệ cộng tác viên, có một việc chúng tôi lo nhất là trang bìa. Bìa báo phải làm sao cho xứng với nội dung, truyền tải được thông điệp chuyên đề nhưng vẫn ấn tượng để thu hút bạn đọc, vẫn đậm chất văn chương, nghệ thuật mà mục tiêu tờ báo hướng đến.

Để trang bìa thành công chúng tôi có sự hỗ trợ rất lớn từ đội ngũ các nhiếp ảnh gia. Chuyên hoặc không chuyên, họ gặp nhau ở đam mê nhiếp ảnh và luôn sẵn sàng hỗ trợ để ĐNCT có được ảnh đẹp nhất cho trang bìa. Họ không chỉ lục tìm trong kho tư liệu khổng lồ của mình, không chỉ sẵn sàng sáng tác ảnh theo yêu cầu bất kể thời gian để kịp tiến độ xuất bản số báo mà còn cùng chúng tôi hình thành nên mạng lưới các nhiếp ảnh gia khắp cả nước. Chúng tôi luôn kỳ công đối với ảnh bìa, nhiều khi chọn rồi nhưng sau thấy chưa yên tâm, cần phải ấn tượng và gắn với chủ đề hơn. May mắn, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời của các anh chị nhiếp ảnh gia. 

2024 là năm đánh dấu lần đầu tiên ĐNCT “nhờ” AI thực hiện ảnh bìa. Yêu cầu bìa thể hiện được tinh thần bình đẳng giới, nhưng không sáo mòn hoặc ước lệ. Quả thật là bài toán không đơn giản. Chợt nhớ hôm nghe thầy giảng trong một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nên thử nghĩ đến AI. “Phía” thiết bị AI sẵn sàng, vấn đề là đưa yêu cầu cụ thể (“bình đẳng”, thần thái, màu sắc, khổ báo, giấy in…). Kỳ diệu không lâu sau đó, chúng tôi nhận một lúc 4 bìa để chọn một. Với tập thể ĐNCT, đây là bài học cụ thể và sinh động về sự phát triển công nghệ trong truyền thông hiện nay.

Nhân ngày truyền thống, xin được nói thêm đôi điều về chúng tôi. Một tuần với tập thể ĐNCT dường như ngắn hơn bảy ngày. Mới náo nức chờ cầm tờ báo vào sáng thứ Sáu, thì bời bời nỗi lo sáng thứ Hai chủ đề, chuyên trang, tác giả… Vất vả nhiều nhưng cũng khó có niềm vui nào bằng. Nhận được một bài báo hay, cảm xúc đầy đặn theo từng con chữ để rồi nhen lên trong chúng tôi lòng biết ơn với công việc. Xin cảm ơn các cộng tác viên xa gần, bởi chính các anh chị góp phần quyết định sự khởi sắc của ĐNCT. Xin cảm ơn BBT, tòa soạn và tất cả các anh chị trong cơ quan đã cộng tác và hỗ trợ chí tình.

Không chỉ là sự xuất hiện đều đặn mỗi tuần một ấn bản có tính văn hóa, văn nghệ của Báo Đà Nẵng, ĐNCT còn là sự nỗ lực lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những khát vọng về một thành phố thật sự đáng sống. Mỗi số báo là sự dấn thân chân thành và tâm huyết của tập thể ĐNCT, là kết tinh của nỗ lực, từ việc chọn chủ đề, tổ chức bài vở, liên hệ cộng tác viên đến thiết kế trình bày… Nói thêm, việc giới thiệu hằng tuần lên mạng cũng là công việc không hề đơn giản, nhưng quả thật với người nhóm bếp, những lúc đếm like, đọc bình luận, góp ý của bạn đọc gần xa là giây phút hạnh phúc. Thời gian tới sẽ có một số thay đổi về tên chuyên mục, thiết kế trình bày… rất mong bạn đọc cảm nhận và tiếp tục chia sẻ, đồng hành để ĐNCT tiến bộ từng số về nội dung cũng như hình thức.

MAI TRANG

;
;
.
.
.
.
.