Người Đà Nẵng đón nhận tin vui, vào ngày 31-5 Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Với người Đà Nẵng, câu chuyện về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù không mới. Vậy vì sao người Đà Nẵng lại kỳ vọng rất nhiều vào việc Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết mới về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng?
Đà Nẵng rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo sức bật cho phát triển. Ảnh: KIM LIÊN |
Câu trả lời trước hết nằm ở chỗ, Đà Nẵng sẽ dừng thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không phải để thực hiện Khoản 2, Điều 142 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như 8 năm trước, mà là để áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị được khẳng định phù hợp và có hiệu quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14. Nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua thì Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị thứ hai trong cả nước áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị sau Thành phố Hồ Chí Minh. Chỗ giống nhau giữa Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh là mô hình chính quyền đô thị chỉ áp dụng đối với tất cả quận và phường, các địa bàn còn lại vẫn tổ chức chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Như vậy huyện Hòa Vang và 11 xã thuộc huyện Hòa Vang vẫn tiếp tục đồng hành với Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.
Tuy nhiên, việc chính thức được áp dụng mô hình chính quyền đô thị chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải đủ để Đà Nẵng có thể tiếp tục xoải cánh bay xa. Muốn được vậy, thành phố rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo sức bật cho phát triển. Yêu cầu này đã được thể hiện trong Nghị quyết số 119/2020/QH14 nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, vì thế người Đà Nẵng đang háo hức chờ đợi nghị quyết sắp đến của Quốc hội đề ra những cơ chế, chính sách mang tính vượt trội, có khả năng đột phá và tạo động lực thực sự. Trong đó chờ đợi nhất là các chính sách thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên về thủ tục hải quan, phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Theo dõi hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, người Đà Nẵng vui mừng khi biết Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có đủ căn cứ chính trị cũng như căn cứ pháp lý. Càng vui mừng hơn khi trong phiên thảo luận tại các tổ vào chiều 31-5, đại biểu Quốc hội ở các tỉnh đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng liên quan đến dự thảo một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Đà Nẵng.
Chẳng hạn, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần xác định rõ những quy định nào thuộc thẩm quyền quyết định được thì giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện, còn những vấn đề thuộc về đất đai, ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng từ ngân sách Nhà nước... thì nên giao cho Quốc hội quyết định. Đặc biệt cần quy định bổ sung một số nguyên tắc khi thu hút nguồn lực đầu tư vào Khu thương mại tự do Đà Nẵng như phải bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, không làm tăng nợ công, bảo đảm không xâm hại về môi trường và di sản văn hóa vật thể. Đại biểu Lương Văn Hùng thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi thì cho rằng, để tạo thuận lợi tối đa trong công tác quản lý, giai đoạn đầu của Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ không có dân cư thường trú và phải có hàng rào cứng…
Ngoài ra, một số Đại biểu Quốc hội còn cho rằng, thay vì cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng thì Quốc hội nên cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại - tài chính tự do Đà Nẵng, bởi việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo môi trường giao dịch linh hoạt, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy luồng vốn đầu tư vào Đà Nẵng; đồng thời khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với thành phố. Mặt khác, Khu thương mại - tài chính tự do gắn với cảng Liên Chiểu sẽ giúp Đà Nẵng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực.
Đà Nẵng đang bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nếu dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua, đây chính là sự thể chế hóa 2 văn bản này của Bộ Chính trị, tạo điều kiện về hành lang pháp lý để Đà Nẵng tiếp tục xoải cánh bay xa trong quá trình phấn đấu đến năm 2030 “trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á” và phấn đấu đến năm 2045 “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á” (Nghị quyết số 43-NQ/TW).
BÙI VĂN TIẾNG