Đêm Đà Nẵng

Mong ước thương hiệu chợ đêm Đà Nẵng

.

Để trở thành trung tâm du lịch và tổ chức sự kiện quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng vẫn đang thiếu một thương hiệu chợ đêm đủ sức thu hút du khách tìm đến và quay trở lại.

Tại chợ đêm Helio, ngoài thưởng thức ẩm thực, du khách có thể thư giãn, nghỉ ngơi thông qua việc thưởng thức các tiết mục ca nhạc hằng đêm. Ảnh: T.Y
Tại chợ đêm Helio, ngoài thưởng thức ẩm thực, du khách có thể thư giãn, nghỉ ngơi thông qua việc thưởng thức các tiết mục ca nhạc hằng đêm. Ảnh: T.Y

Mới mở đông đúc, về sau đìu hiu

Khoảng 6 năm trước, Đà Nẵng mới chính thức hình thành không gian chợ đêm nằm ở khu vực phía đông cầu Rồng (thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) do một doanh nghiệp trên địa bàn làm chủ đầu tư. Sự ra đời chợ đêm này từng được Đà Nẵng kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách, qua đó kích thích phát triển dịch vụ du lịch, thương mại và duy trì làng nghề truyền thống địa phương. Tuy nhiên, sau vài tháng chủ động nối tour đưa khách đến trải nghiệm, hiện khá nhiều đơn vị lữ hành đã âm thầm không đưa địa chỉ này vào danh sách điểm đến trong hành trình khám phá Đà Nẵng.

Theo anh Nguyễn Văn Nam (41 tuổi), một hướng dẫn viên tiếng Hàn đang làm việc cho công ty du lịch có trụ sở ở quận Hải Châu, sản phẩm tại chợ đêm Sơn Trà không đáp ứng được kỳ vọng của du khách và các công ty lữ hành muốn làm mới sản phẩm du lịch của họ. Việc tập trung quá nhiều vào các món ăn đường phố và hàng hóa phổ thông đã làm giảm đi tính độc đáo của chợ đêm, khiến du khách không hài lòng và muốn rời đi sớm. “Thay vì tập trung xây dựng không gian ẩm thực, lưu niệm chất lượng cao, mang tính đặc trưng Đà Nẵng thì chợ đêm Sơn Trà lại bố trí quá nhiều xe hàng bán cá viên chiên và thức ăn vặt. Chưa kể, có quá nhiều gian hàng bày bán mặt hàng móc khóa, lưu niệm, quần áo, giày dép, kính mát chất lượng thấp và mẫu mã không có gì đặc sắc”, anh Nam phân tích.

Tình trạng “mới mở đông đúc, về sau thưa dần” cũng xảy ra ở chợ đêm nằm trong khu phố Tây An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) dù mới hoạt động từ tháng 7-2023. Thời gian đầu, chợ đêm An Thượng thu hút lượng lớn khách quốc tế và người dân địa phương đến tham quan, mua sắm. Thế nhưng, không lâu sau đó, nơi đây xuất hiện vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, trùng lặp sản phẩm và thiếu sự mới mẻ, sáng tạo trong các hoạt động vui chơi, giải trí khiến sự quan tâm của người dân giảm dần. Tình trạng buôn bán ế ẩm ở chợ đêm An Thượng chỉ ra rằng, việc mở chợ đêm tại vị trí thuận lợi không phải là yếu tố duy nhất bảo đảm sự thành công và phát triển bền vững. Thay vào đó, địa phương cần quản lý chặt chẽ, có kế hoạch phát triển dài hơi cũng như duy trì sự hấp dẫn của hoạt động chợ đêm. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ sạp hàng lưu niệm T.H tại chợ đêm An Thượng nói rằng khách đến chợ đêm ngày càng thưa vắng, có khi cả ngày không bán được món gì.

Chợ đêm An Thượng nằm trên tuyến đường Trần Bạch Đằng, đoạn nối từ Lã Xuân Oai đến Hoàng Kế Viêm, chủ yếu bán mặt hàng lưu niệm, nước giải khát, thời trang và một số sản phẩm khác. Thời gian qua, tình trạng vắng khách đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu các tiểu thương và làm mất đi sức hút của khu chợ đêm. Nhiều tiểu thương cho rằng, để giải quyết vấn đề này, Đà Nẵng cần tiến hành đổi mới và nâng cấp mô hình hoạt động chợ đêm, trong đó chú ý đến việc định hướng sản phẩm bày bán nhằm tạo ra sự đa dạng và khác biệt so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tiểu thương bằng cách giảm chi phí thuê mặt bằng hoặc cung cấp chính sách hỗ trợ để họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh.

Chờ "làn gió mới"

Phát triển không gian chợ đêm mang bản sắc văn hóa địa phương sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao trải nghiệm du lịch và thúc đẩy kinh tế đêm. Đà Nẵng với tiềm năng sẵn có cần tận dụng và phát huy để tạo ra những điểm nhấn độc đáo, thu hút du khách cũng như giữ chân họ lâu hơn.

Từng đến nhiều nơi trên thế giới, Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Cao Trí Dũng cho rằng, là thành phố du lịch, Đà Nẵng không thể thiếu bóng dáng chợ đêm, bởi đó là mảnh ghép còn thiếu, là nhu cầu thực sự của du khách, đặc biệt là khách quốc tế muốn có thêm không gian tìm hiểu văn hóa bản địa, ẩm thực địa phương. Ông Dũng đơn cử, chỉ là đảo nhỏ nhưng Đài Loan (Trung Quốc) có rất nhiều chợ đêm nổi tiếng, có thể kể đến Raohe, Ximending ở thành phố Đài Bắc, Jiufen ở thành phố Tân Bắc hay MiaoKou ở thành phố Cơ Long… Những ngôi chợ này bắt đầu nhộn nhịp vào cuối giờ chiều và kéo dài đến 24 giờ đêm. Theo ông Dũng, việc khai thác hiệu quả thế mạnh ẩm thực và văn hóa bản địa đã giúp chợ đêm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng ở xứ Đài. Mỗi gian hàng không chỉ bày bán sản phẩm mà còn kể lại câu chuyện về lịch sử món ăn và vùng đất, giúp du khách vừa thưởng thức hương vị, vừa cảm nhận sâu sắc nét đẹp văn hóa bản địa. Các hoạt động giao lưu văn hóa tại chợ đêm cũng là điểm quan trọng níu chân du khách. Các buổi biểu diễn âm nhạc, múa truyền thống hay các trò chơi dân gian đã tạo nên không gian giải trí sống động, nơi du khách có thể trực tiếp tham gia và trải nghiệm. Bên cạnh đó, du khách cũng cảm thấy thoải mái bởi phong cách bán hàng thân thiện, nhiệt tình và chuyên nghiệp của người dân địa phương.

Tương tự, một mô hình chợ đêm khác ở Thái Lan mà Đà Nẵng có thể tham khảo là Night Bazaar ở thành phố Chiang Mai. Ngôi chợ nổi tiếng với hàng trăm gian hàng ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, quần áo, phụ kiện và đồ trang sức. Sự đa dạng này tạo ra một trải nghiệm mua sắm hấp dẫn cho du khách. Chợ đêm Night Bazaar được quy hoạch bài bản trên một không gian rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và mua sắm. Các gian hàng được sắp xếp gọn gàng, nơi du khách có thể thưởng thức ẩm thực địa phương, tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống và thưởng thức các buổi biểu diễn nghệ thuật. Theo ông Cao Trí Dũng, thành công của chợ đêm Night Bazaar còn đến từ công tác quảng bá và tiếp thị của địa phương và các đơn vị du lịch có lịch trình đưa khách đến Chiang Mai. “Những chợ đêm ở Đài Loan hay Thái Lan có quy mô lớn, sản phẩm phong phú, đa dạng và mang nét đặc trưng. Đà Nẵng có thể học hỏi thành công của họ bằng cách tạo ra một mô hình chợ đêm tương tự, tập trung vào đa dạng sản phẩm, môi trường mua sắm thuận tiện và trải nghiệm văn hóa độc đáo như biểu diễn nhạc cụ truyền thống, múa dân gian hoặc trình diễn nghệ thuật để thu hút, giữ chân du khách. Chúng tôi mong rằng, trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ tạo được thương hiệu chợ đêm trong lòng du khách”, ông Dũng cho hay.

Mới đây, Đà Nẵng đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ Bạch Đằng hay trải nghiệm du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi đã góp thêm địa chỉ trong hành trình khám phá thành phố. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả khai thác kinh tế đêm từ mô hình chợ đêm, Đà Nẵng cần nắm bắt đúng nhu cầu của du khách và người dân địa phương. Điều này có thể thực hiện thông qua việc tổ chức khảo sát, tìm hiểu thị trường và lắng nghe ý kiến phản hồi từ khách hàng cũng như người buôn bán, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ. Điều này đã được ban quản lý chợ đêm Helio thực hiện trong những năm gần đây, bằng việc đa dạng hóa dịch vụ, từ ăn uống, giải trí đến tạo không gian cho khách ngồi nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt, dưới ánh đèn lung linh, 150 gian hàng ẩm thực mang hương vị Á đông và châu Âu đã thu hút khá đông thực khách tìm đến. Cố vấn Trung tâm Du lịch và Sự kiện thuộc Công ty Vận tải và Du lịch Vitraco Lê Tấn Thanh Tùng đánh giá, chợ đêm ở Đà Nẵng ngoài ẩm thực, thời trang, thủ công mỹ nghệ, cần tạo thêm không gian dành cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giải trí nhằm tăng trải nghiệm cho du khách. Mặt khác, thành phố cần quy hoạch chặt chẽ và xây dựng lộ trình dài hơi để bảo đảm việc phân bổ không gian hợp lý giữa các gian hàng, khu vực giải trí và kết nối công ty lữ hành đưa chợ đêm vào tour, tuyến phục vụ khách. Những biện pháp này nếu được thực hiện hiệu quả, sẽ giúp chợ đêm Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế đêm, thúc đẩy tiêu dùng và kéo dài thời gian lưu trú của khách.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.